F0 tự nguyện làm việc online, đã hưởng BHXH nghỉ ốm đau thì có được tính lương hay không?
Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. Hiện nay, người lao động là F0 đang được hưởng BHXH chế độ nghỉ ốm đau. Theo đó, vấn đề lao động quay trở lại làm việc có được hưởng lương hay không rất được người lao động quan tâm.
- 11-03-2022[Mới] Xem xét "nới" trần giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng, đảm bảo chế độ tiền lương tương xứng công sức lao động
- 10-03-2022Không còn là đề xuất, đã có tỉnh đầu tiên cho F0 đi làm
Lao động F0 đang được hưởng chế độ BHXH nghỉ ốm đau ra sao?
Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc Covid-19 và ngoài ra còn áp dụng cho người nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19.
Trường hợp người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Thời gian nghỉ nêu trên tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 có hai giấy tờ: bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú; trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Song, thực tế F0 điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Luật BHXH và Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Do đó, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để BHXH làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19.
7 loại giấy tờ đang được Bộ Y tế đề xuất bao gồm:
1. Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp
2. Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp
3. Giấy xét nghiệm (Test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp
4. Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp
5. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị Covid-19 tại nhà
6. Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung
7. Phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến
Nếu F0 tự nguyện làm việc trực tuyến có được tiếp tục hưởng lương?
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19.
Cụ thể, F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.
Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Đề xuất này của Bộ Y tế nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động. Đặc biệt là vấn đề: khi người F0 làm việc có được trả lương làm thêm giờ hay không, khi họ đang được hưởng BHXH chế độ nghỉ ốm đau.
Trả lời Trí Thức Trẻ về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI cho rằng: "Về nguyên tắc, người lao động chỉ được hưởng một chế độ, đã hưởng lương chế độ đi làm thì sẽ không thể đồng thời hưởng bảo hiểm xã hội nghỉ việc và ngược lại".
Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo ông Đức, cũng giống như đang nghỉ ốm mà vẫn đi làm thì trước hết người lao động phải được hưởng lương. Còn trường hợp cơ quan Nhà nước cho hưởng chế độ do chính sách không thay đổi kịp thời, thì người lao động vẫn được hưởng, coi như là chế độ bồi dưỡng cho người đã đóng bảo hiểm xã hội.
"Trước đây, người lao động là F0 phải cách ly ít nhất 14 ngày, và một loạt F1 cũng bị cách ly, có khi cũng 14 ngày. Nhưng diễn biến thay đổi rất nhanh, chủ yếu giờ do tự khai báo, lao động là F0, F1 có thể chiếm vài chục % dân số. Nếu không thay đổi, thì BHXH có thể sẽ phải chi trả cho hàng chục triệu lao động" - vị luật sư này nói và nhấn mạnh rằng điều này là quá sức cho cơ quan BHXH, bất hợp lý và không cần thiết đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.