MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu xoay vốn, doanh nghiệp ngóng lãi suất cho vay hạ nhiệt

15-02-2023 - 14:34 PM | Doanh nghiệp

Lãi suất cho vay cao trên 10%, cộng thêm nguồn tín dụng xuất ra thận trọng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Lãi suất cao đang là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, không ít đơn vị phải lựa chọn phương án bất đắc dĩ là thu hẹp hoặc sản xuất kinh doanh cầm chừng chờ lãi suất hạ.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T (TP.HCM) cho biết, lãi suất cao cùng việc khó tiếp cận nguồn tín dụng khiến doanh nghiệp khó đầu tư và phát triển thêm.

“Từ khi các hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục trở lại sau đại dịch, chúng tôi gần như chỉ hoạt động gọi là duy trì có lãi để nuôi sống hệ thống, cán bộ công nhân viên chứ không thể phát triển thêm" , ông Tùng nói.

Ông Tùng lý giải, trong lĩnh vực xuất khẩu rau củ quả, doanh nghiệp luôn cần có nguồn vốn để đầu tư trước cho nông dân. Cụ thể, muốn bao tiêu thì từ đầu mùa vụ doanh nghiệp phải đầu tư giống cây trồng, phân bón cho đến khi thu hoạch.

“Ngay cả khi có dòng tiền nhưng lãi suất cao thì doanh nghiệp cũng không dám đầu tư. Như trong thời gian vừa qua, lãi suất có lúc lên tới 13% trong khi lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 15%, có thể là 20% nhưng đối diện rất nhiều rủi ro. Như vậy thì gần như không có lãi" , ông Tùng cho biết.

Ông Tùng phân tích thêm, trước đây, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được ưu đãi mức lãi suất khoảng 6-7% thì doanh nghiệp có cơ hội phát triển do mạnh tay đầu tư. Bây giờ lãi suất cao như vậy thì bắt buộc lợi nhuận phải đạt 30% mới ổn. Nhưng muốn lợi nhuận đạt 30%, ngoài độ rủi ro cao thì doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bị giảm tính cạnh tranh rất nhiều so với sản phẩm của các nước khác.

“Đẩy giá sản phẩm cao không những gây khó cạnh tranh mà còn có thể không bán được hàng, dẫn đến sản xuất bị trì trệ" , ông Tùng nói.

Đau đầu xoay vốn, doanh nghiệp ngóng lãi suất cho vay hạ nhiệt - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất đang ngóng lãi suất cho vay hạ để dễ xoay xở nguồn vốn đầu tư. (Ảnh minh họa)

Cũng vướng khó khăn về vốn, ông Trần Hữu Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Chiko Food cho hay, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp ngành thực phẩm là rất lớn. Nhưng khi mà doanh thu vẫn chưa thể phục hồi thì lãi vay lại tăng cao khiến doanh nghiệp khốn đốn. Không ít doanh nghiệp dù vẫn còn hạn mức tín dụng nhưng không dám vay thêm mà chỉ mong được ngân hàng giảm thêm lãi suất.

Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, đối tác nợ tiền hàng, doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn ngân hàng để duy trì mặt bằng giá cả cạnh tranh và chi phí hoạt động, việc xoay xở dòng tiền sẽ là áp lực đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, nếu lãi suất cho vay trung, dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư.

“Cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư” , ông Hòa kiến nghị tại Tọa đàm về Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho hay, công tác thanh toán của các nhà thầu trong năm 2022 và cả 2023 sẽ cực kỳ khó khăn, bởi chủ đầu tư gặp khó khăn trong nguồn vốn.

“Với nhà thầu, quá trình làm việc luôn phải chi tiền để làm trước. Muốn thế thì doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng. Nếu khâu thanh toán từ chủ đầu tư bị tắc nghẽn càng lâu thì nhà thầu càng phải chịu lãi ngân hàng càng lâu, mà lãi ngân hàng lại cao nữa thì nhà thầu âm nặng” , ông Hiệp phân tích.

Cũng theo ông Hiệp, theo tính toán của nhà thầu, nếu được thanh toán đúng tiến độ, không vướng mắc gì thì cũng chỉ lãi được khoảng 4-5%. Nếu như phát sinh lãi suất phải trả ngân hàng vì nhà đầu tư trả chậm thì chắc chắn là âm.

Trong khi phải chịu nhiều rủi ro thanh toán từ các chủ đầu tư, hoạt động xây dựng lại không được hưởng mức tính lãi suất như các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh; nông nghiệp nông thôn. Mà xây dựng cũng là một hoạt động sản xuất mà hàng hóa là nhà cửa. Do đó, ông Hiệp bày tỏ mong mỏi hoạt động xây dựng của nhà thầu cần được cơ quan chức năng xem xét, xếp vào diện sản xuất kinh doanh để không bị thua thiệt.

Lãi suất rục rịch giảm

Tại hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra sáng 8/2 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, các ngân hàng đã thống nhất trong thời gian tới sẽ giảm các lãi suất cho vay, trong đó có cả lãi suất cho vay bất động sản.

Đến ngày 14/2, lãi suất huy động của các nhà băng đã bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm. Sự thay đổi này diễn ra ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Hiện, lãi suất huy động niêm yết cao nhất là khoảng 9,45%/năm.

Hiện không còn ngân hàng nào công bố mức trên 10%/năm. Các nhà băng quốc doanh (Big4) và nhóm tư nhân đều có sự điều chỉnh lãi suất.

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng,12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm. Vietcombank mới điều chỉnh lãi suất huy động online ở kỳ hạn 12 tháng, hiện là 7,4%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất vẫn có chênh lệch giữa hình thức trực tiếp và online. Mức chênh lệch ở các kỳ hạn 1 tháng là 1,1% (4,9%-6%); kỳ hạn 3 tháng 0,6%; kỳ hạn 9 tháng 0,5%.

2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 chưa ghi nhận điều chỉnh.

Với nhóm tư nhân, NCB đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới, giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn dài. So với trước Tết, tại kỳ hạn 60 tháng, lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ đã giảm 0,8% xuống còn 9,1%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm 0,7% xuống 9,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 - 30 tháng đồng loạt giảm từ 9,9%/năm xuống 9,45%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 9,6%/năm xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất được giữ nguyên tối đa 6%/năm. Lãi suất không kỳ hạn là 1%/năm. Tương tự với hình thức tiết kiệm tích lũy, lãi suất kỳ hạn 5 năm giảm từ 9,7%/năm xuống còn 8,95%/năm, kỳ hạn 1 năm giảm 9,5%/năm xuống 9,3%/năm.

Một số ngân hàng khác đã đưa mức lãi suất huy động về khoảng 8,8 - 9,2%/năm như Techcombank, VPBank, Sacombank, MSB,.. Techcombank đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 - 0,4%/năm so với thời điểm tháng 12/2022

MSB cũng giảm lãi suất huy động 0,2 - 0,4%/năm tại một số kỳ hạn.

Ở chiều cho vay cũng đã có nhà băng hạ lãi suất. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Theo Công Hiếu/ VTC

VTC News

Trở lên trên