Facebook phải chịu trách nhiệm trước tin giả, nội dung phỉ báng
Facebook đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới chính trị Australia, đặc biệt sau khi công ty này cấm người dân tiếp cận tin tức.
- 20-02-2021Lãnh đạo Facebook xin lỗi, đề nghị quay lại đàm phán với Australia
- 20-02-2021Chuyên gia giải mã hành động "xấc xược" của Facebook ở Australia: Mark Zuckerberg thực sự muốn gì?
- 20-02-2021Mark Zuckerberg 'chọc giận' cả thế giới: Thủ tướng Úc nói nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo gồm Ấn Độ, Pháp, Anh, riêng Canada tuyên bố sắp áp dụng luật tương tự lên Facebook
Vài ngày sau quyết định phong tỏa truyền thông Australia trên nền tảng của mình, Facebook đã bị chính phủ nước này cắt tất cả quảng cáo. Ước tính, mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ thiệt hại hàng triệu USD. Không chỉ có vậy, công ty còn vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng và giới chính trị.
Các nghị sỹ Australia cho rằng, hành động của Facebook chứng minh họ là một nhà xuất bản bất chấp mọi lời phủ nhận trước đó và vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm cho các nội dung như xúc phạm, phỉ báng.
Trợ lý Bộ trưởng Các vấn đề đa văn hóa Jason Wood xem đây là hành vi không thể chấp nhận được khi Facebook muốn ra lệnh cho họ được đăng gì và không được đăng gì. “Họ không thực sự chống lại chính phủ Australia. Họ đang chống lại người dân Australia và làm tổn thương những người cần tiếp cận thông tin. Vì vậy, tôi nghĩ không nên trả tiền cho các quảng cáo làm lợi cho họ”.
Bộ trưởng Năng lượng Angus Tylor mô tả, Facebook “kiêu ngạo” khi đối xử với khách hàng của mình.
Trong khi đó, các nghị sỹ Đảng Tự do kêu gọi cần giám sát Facebook hơn nữa vì những hành động gần đây của họ. Julian Simmonds, thành viên của Đảng Tự do, nói: “Nhiều cá nhân bị bôi nhọ, bắt nạt, quấy rối trên Facebook nhưng ít có khả năng truy cứu vì Facebook khẳng định rất khó kiểm duyệt nền tảng. Hành vi đóng cửa toàn bộ tin tức củng cố luận điểm trước đây của tôi rằng Facebook là các nhà xuất bản: họ chọn lựa cái gì được lưu trữ trên nền tảng”.
Theo Simmonds, Facebook nên chịu trách nhiệm theo luật của Australia với tư cách nhà xuất bản và người dân nên có quyền kiện Facebook vì chứa bình luận bôi nhọ, quấy rối họ. Nó có thể cần quy định giám sát mới.
Một nghị sỹ khác của Đảng Tự do, Fiona Martin, cho rằng Ủy ban An toàn điện tử liên bang cần có quyền lực mạnh hơn đối với Facebook và các công ty khác. “Một số vấn đề, đặc biệt là thông tin sai sự thật và lạm dụng, nên nằm trong phạm vi của ủy viên An toàn điện tử”, bà tranh luận.
Thượng Nghị sỹ Andrew Bragg cho rằng, Facebook chứng minh luận điểm các hãng công nghệ lớn vừa là công ty tiện ích vừa là nhà xuất bản. “Họ giống với ngân hàng, nhà mạng và công ty điện lực vì cung cấp dịch vụ tiêu dùng cơ bản, có mặt mọi nơi. Song, họ cũng khẳng định vai trò như các nhà xuất bản: kiểm duyệt nền tảng và xóa bỏ người dùng. Rắc rối nhất là họ dường như không có thiện chí xóa bỏ nội dung phỉ báng, kích động trên các nền tảng”.
Một số nghị sỹ từng phản đối quy định cứng rắn với Facebook nay cũng thay đổi quan điểm do lo ngại quyền lực thị trường của công ty. Thượng Nghị sỹ Bragg nhận định, khi xóa bỏ tin thật, Facebook đã trở thành thiên đường của tin giả. “Cuối cùng, chúng ta không nên ngần ngại bước vào không gian quản lý này. Một chức năng của chủ nghĩa tự do Australia là thúc đẩy thị trường nhưng sẵn sàng điều tiết theo lợi ích của công chúng hoặc tại nơi thị trường thất bại”.
ICT News