MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fahasa và PNC: Hai số phận

19-05-2018 - 11:47 AM | Doanh nghiệp

Quản trị chi phí đang là điểm khác biệt trong hiệu quả kinh doanh của 2 nhà sách hàng đầu Fahasa và PNC.

Thị trường bán sách thương mại hiện nay khá đa dạng với nhiều tên tuổi ở cả mảng online và cửa hàng. Trong đó, gầy dựng được hệ thống nhà sách và tên tuổi lớn trên cả nước phải kể đến CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) và CTCP Phát hành sách TPHCM – Fahasa.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp bán sách hàng đầu này lại không chung xu hướng khi hiệu quả kinh doanh và những biến động nội bộ có sự khác biệt lớn.

Phương Nam sa lầy trong khủng hoảng, tranh chấp

Có thể nói vấn đề tranh chấp nội bộ kéo dài là một yếu tố quan trọng khiến cho PNC lún sâu trong khủng hoảng kinh doanh và nguồn vốn.

Tưởng chừng những tranh chấp nội bộ tại PNC đã đi qua khi Đại hội bất thường 2017 lần 3 được tổ chức thành công và dàn lãnh đạo gồm 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS đã từ nhiệm hồi cuối tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, sự bất đồng lại tiếp tục nổ ra trong Đại hội thường niên 2018 hồi tháng 3 vừa qua. Theo đó, phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng đã không đạt được sự đồng thuận cao từ các nhóm cổ đông và chưa được thông qua.

Như vậy, cuộc khủng hoảng về nguồn vốn tiếp tục là bài toán nan giải đối với lãnh đạo PNC nhằm khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ, thanh toán nợ vay và lỗ lũy kế cao. Ngày 16/5, PNC lại tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tái cơ cấu vốn để khắc phục khó khăn tài chính và phục vụ phát triển.

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn vốn mà hiệu quả kinh doanh của PNC cũng đang gặp vấn đề. Mặc cho doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn tăng đều qua các năm nhưng lợi nhuận sau thuế lại đi xuống đáng kể.

Fahasa và PNC: Hai số phận - Ảnh 1.

PNC lỗ 67 tỷ trong năm qua.

Cụ thể doanh thu năm 2017 đạt 606 tỷ và lợi nhuận gộp 178 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12% và 9%; hệ số biên lợi nhuận gộp trên 22%. Riêng mảng kinh doanh sách thu về 231 tỷ doanh thu và biên lợi nhuận gộp gần 32%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại cho thấy sự thất vọng lớn khi thua lỗ đến 67 tỷ trong năm qua và nâng tổng số lũy kế lên 106 tỷ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ 110 tỷ đồng

Trong năm 2017, chi phí bán hàng tăng đột biến lên 200 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí nhân viên và chi phí dịch vụ mua ngoài. Mặc dù là doanh nghiệp bán lẻ nhưng việc chi phí bán hàng chiếm đến 1/3 doanh thu là khá cao, chưa tính đến chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay tổng cộng 44 tỷ đồng.

Fahasa và PNC: Hai số phận - Ảnh 2.

Giá vốn và chi phí ăn mòn hết doanh thu.

Điều này cho thấy PNC đang gặp vấn đề về công tác quản lý chi phí. Nếu tìm ra giải pháp và thực hiện tiết giảm chi phí thì khả năng sinh lời của PNC là vẫn tốt; nhưng trước tiên công ty cần hướng đến sự đồng thuận của các nhóm cổ đông để có nguồn vốn giải quyết các khó khăn.

Fahasa: cơ cấu chi phí hợp lý hơn

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Việt Nam Fahasa tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với doanh thu đã vượt qua con số 100 triệu USD.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2017 của nhà sách là 2.732 tỷ và lợi nhuận gộp đạt 603 tỷ đồng; do đó Fahasa có hệ số biên lợi nhuận gộp duy trì trên 22%.

Việc duy trì một hệ thống gần 100 chi nhánh đã khiến chi phí bán hàng của hệ thống nhà sách này cũng rất lớn đến 529 tỷ đồng, chiếm 19% tổng doanh thu. Chi phí QLDN là 62 tỷ và công ty gần như không có nợ vay.

Fahasa và PNC: Hai số phận - Ảnh 3.

Với việc các chi phí chiếm tỷ lệ hợp lý hơn giúp cho Fahasa vẫn ghi nhận lãi, mặc dù con số chỉ gần 21,7 tỷ sau thuế. Tuy nhiên so với vốn điều lệ 91 tỷ đồng thì chỉ số sinh lời của Fahasa vẫn ở mức khá.

Về cơ cấu cổ đông, ngoài Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn sở hữu hơn 30% vốn thì Chủ tịch Phạm Minh Thuận vẫn đang mua gom cổ phiếu để có thể nắm 35% vốn điều lệ. Hai vị lãnh đạo khác cũng muốn mua thêm cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn trước khi công ty đăng ký giao dịch trên UPCOM thời gian tới.

Còn tại Đại hội thường niên cuối tháng 4 qua, công ty đã thông qua kế hoạch 2018 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng 6% lần lượt là 2.900 tỷ và 27,5 tỷ đồng. Cuộc họp thông qua tất cả nội dung với tỷ lệ tán thành 100% cho thấy sự đồng thuận cao.

Doanh nghiệp bán sách tìm hướng đi mới

Khi cách mạng công nghệ đã xâm nhập sâu vào đời sống kinh tế thì hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh sách nói riêng cũng bị tác động mạnh. Các doanh nghiệp đang nổ lực thay đổi và tìm hướng đi mới để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh cao hơn.

Không còn phát triển trên các trục đường chính, các cửa hàng sách đã mở rộng và xuất hiện nhiều hơn ở các trung tâm thương mại, mua sắm và kể cả các khu phòng chờ, nhà ga sân bay. Mở rộng chuỗi nhà sách tại các địa điểm hút khách không chỉ là chuyện của Fahasa hay PNC mà còn nhiều tên tuổi khác như Nguyễn Văn Cừ, Nhã Nam…

Ngoài hoạt động bán hàng tại các cửa hàng truyền thống, các nhà sách cũng đã tham gia cuộc chơi ‘thương mại điện tử’ để cạnh tranh với nhiều tên tuổi online nổi lên như Tiki, Lazada… Còn để đa dạng doanh thu thì nhiều doanh nghiệp cũng không ngại lấn sân sang các mảng kinh doanh khác đầu tư và liên doanh.

Nhằm thu hút và giữ chân các độc giả trung thành, khách hàng mục tiêu, các nhà sách ngày nay đã có chiến lược độc quyền và phân phối khác nhau. Trong khi Fahasa với thế mạnh sách ngoại văn chuyên phân phối lại từ Oxford, Cambridge, McGraw-Hill… thì PNC lại mua bản quyền nhiều tác giả lớn như Kim Dung, Quách Kính Minh cùng các tên tuổi trong nước như Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài… hay nhà sách Nhã Nam lại hướng đến bộ phận người đọc thích café sách.

Theo Huy Lê

NDH

Trở lên trên