FDI vào Việt Nam tăng trưởng cao hơn trung bình ASEAN, hơn 40.000ha đất công nghiệp sẵn sàng
Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ 6,8%/năm trong giai đoạn 2024 - 2030.
- 04-09-2024Người có lương hưu thấp sẽ được tăng thỏa đáng từ 1/7/2025
- 04-09-2024Khánh Hòa: Hơn 750 tỷ đồng doanh thu du lịch dịp Lễ 2/9
- 03-09-2024Cây cầu cạn cao nhất thế giới được xây dựng thế nào?
Theo báo cáo mới của Công ty tư vấn BĐS toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam mang tên “Từ Tầm nhìn đến Hành động: Đẩy nhanh tiến trình xanh hoá nền công nghiệp Việt Nam”, các động lực phát triển của thị trường công nghiệp, lợi thế về nhân khẩu học và các sáng kiến xanh đang được triển khai sẽ đóng vai trò chất xúc tác cho hành trình chuyển đổi xanh của nhóm ngành này.
Giai đoạn 2010 - 2023 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 10% , cao hơn mức trung bình 7,6% của các nước trong khu vực ASEAN.
Cũng theo báo cáo này, dự báo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 6,8% hàng năm trong giai đoạn 2024 - 2030, trong khi tiêu thụ nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,1% trong cùng thời kỳ.
Những con số này không chỉ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam mà còn nhấn mạnh vai trò của xuất khẩu như một động lực chính trong phát triển kinh tế.
Ngành thương mại điện tử, một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong khu vực, đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với mức CAGR đạt 33,8% từ năm 2019 đến 2023, trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu đối với các cơ sở hạ tầng như nhà kho và trung tâm dữ liệu.
Một trong những yếu tố chính thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp tại Việt Nam là lực lượng lao động có trình độ giáo dục cao.
Với 87% dân số trong độ tuổi lao động có bằng cấp, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ lao động có trình độ.
Đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tìm kiếm những địa điểm có chi phí thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản xuất cao.
Thêm nữa, mức lương trung bình của lao động trong ngành chế biến chế tạo ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 34% so với Trung Quốc, điều này giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả chiến lược "Trung Quốc +1", một chiến lược mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để phân tán rủi ro sản xuất và chuỗi cung ứng.
Việt Nam có hơn 40.500ha đất công nghiệp
Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 40.505 ha đất công nghiệp trải dài ở cả miền Bắc và miền Nam, tạo nguồn cung đất đáng kể để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và chuỗi cung ứng trong tương lai.
Trong khi đó, sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà đầu tư tổ chức trong những năm gần đây đã khiến thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Điều này không chỉ giúp cải thiện tính ổn định và tiêu chuẩn hóa của thị trường mà còn tăng cường tính minh bạch, một yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng đang có những biến động thú vị. Trong khi thị trường nhà xưởng xây sẵn tiếp tục cho thấy hiệu suất bền vững giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, thị trường nhà kho xây sẵn lại đang ổn định sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Điều này được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất và nhu cầu lưu trữ đến từ các ngành sản xuất, cũng như sự gia tăng tiêu dùng nội địa.
Khi lĩnh vực công nghiệp và chuỗi cung ứng tiếp tục phát triển, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các tài sản tiềm năng mới như trung tâm dữ liệu và kho lạnh.
Các trung tâm dữ liệu đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược chuyển đổi xanh, khi chúng giúp quản lý năng lượng hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động môi trường.
Kho lạnh, một yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm và dược phẩm, cũng đang trở thành một điểm sáng trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ và vận chuyển các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ tăng cao.
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn tại JLL Việt Nam nhận định: “Thị trường công nghiệp Việt Nam đang ở thời điểm then chốt khi việc áp dụng các giải pháp bền vững không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là một lợi thế chiến lược”.
Lãnh đạo JLL nói thêm: “Chúng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, tất cả các bên liên quan đang hướng tới thúc đẩy sự thay đổi bền vững và nắm bắt cơ hội tại thị trường công nghiệp của Việt Nam cũng sẽ thấy được lợi thế về kinh doanh của các sáng kiến xanh”.
Nhịp sống thị trường