Fed cắt giảm lãi suất 0,5%, ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Lần đầu tiên kể từ năm 2020, Fed đã giảm lãi suất 0,5%, điều này theo các chuyên gia sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Ngày 18/9 (giờ địa phương, tức rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 %, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020. Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75% - 5,00% trên cơ sở những diễn biến lạm phát gần đây.
Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), nhận định, việc Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và chứng khoán Việt Nam.
ABS cho biết giảm lãi suất USD sẽ dẫn đến giảm áp lực tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng. Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam và hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra.
Mặt khác, tỷ giá giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với lúc tỷ giá cao kỷ lục, nhưng tác động không quá lớn. Đồng thời, niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.
ABS cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn khi Fed hạ lãi suất. Trước đây, lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Tuy nhiên, theo ABS, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam và với vị thế ảnh hưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu nói chung và quan hệ kinh tế Việt Mỹ nói riêng, các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của Fed và kịch bản hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ diễn ra sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam.
" Nhà đầu tư cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời ", ABS khuyến nghị.
Đối với thị trường chứng khoán, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2024 sẽ có tăng trưởng ngắn hạn nhờ dòng vốn ngoại. Khi Fed tiếp tục hạ lãi suất, thị trường có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý đó là thông tin về Fed đã phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu thời gian qua, nên có thể sẽ ít có tác động đến chỉ số chứng khoán trong ngắn hạn. Theo đó, tác động của thời điểm Fed hạ lãi suất sẽ không đáng chú ý bằng mức độ hạ lãi suất.
Còn theo ABS, việc hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.
" Số liệu cho thấy trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia… Mặc dù vẫn đang tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng đà bán ròng đã giảm mạnh trong 2,5 tháng qua, đồng thời xuất hiện trở lại các phiên mua ròng ", báo cáo nêu rõ.
Theo chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong chu kỳ cắt giảm lãi suất, cơ chế dẫn truyền tác động lên các thị trường cận biên và mới nổi đến từ việc đồng USD sẽ có xu hướng yếu hơn so với quá khứ, do hiệu ứng chênh lệch lãi suất với các cặp tiền khác thu hẹp lại và lãi suất thấp sẽ làm giảm bớt đi sự hấp dẫn của đồng USD.
Khi đó, dòng tiền neo trú bằng đồng USD có xu hướng tái phân bổ lại các tài sản có mức rủi ro và kỳ vọng sinh lợi cao hơn trong đó bao gồm tài sản chứng khoán ở các thị trường cận biên và mới nổi.
VDSC kỳ vọng sự luân chuyển dòng vốn này sẽ tác động tích cực thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ là xu hướng chung trong chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed cũng như các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác.
VTCNews