MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed cho cả thế giới vay tiền, đồng USD ngạo nghễ giữ ngôi vương

04-08-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Lâu nay Fed vẫn từ chối đóng vai người cho vay cuối cùng của thế giới. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Khi virus corona khiến kinh tế thế giới gần như "đóng băng" hồi tháng 3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dường như đã trở thành "chiếc máy in tiền" giúp "bôi trơn" dòng chảy tài chính cho các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ.

Và khi dòng tiền chảy vào các ngân hàng và nhiều công ty bên ngoài nước Mỹ - từ các ngân hàng Nhật đầu tư vào trái phiếu Mỹ cho đến những thương nhân ở Singapore cần đến USD để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa - bị tắc nghẽn, Fed lại một lần nữa ra tay.

Lâu nay Fed vẫn từ chối đóng vai người cho vay cuối cùng của thế giới. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Trung tuần tháng 3, Fed đã thu mua số trái phiếu kho bạc có trị giá tổng cộng 450 tỷ USD từ những nhà đầu tư đang ráo riết săn lùng USD. Đến tháng 4, Fed lại tiếp tục cho các NHTW nước ngoài vay gần 500 tỷ USD.

Fed đã giúp xoa dịu tình trạng thiếu hụt USD trên toàn cầu, chặn đứng cơn bán tháo trên TTCK và giờ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ thị trường tài chính toàn cầu. Quãng thời gian vừa qua càng chứng minh vai trò của Fed cũng như đồng USD trong hệ thống tài chính.

Fed cho cả thế giới vay tiền, đồng USD ngạo nghễ giữ ngôi vương - Ảnh 1.

Giống như trong khủng hoảng tài chính 2008 vai trò của Fed trong nền kinh tế Mỹ đã được nâng lên một tầm cao mới chưa từng có tiền lệ, lần này cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra đã giúp Fed mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Vài tuần gần đây, đồng USD đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác do nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế cũng như khả năng kiểm soát dịch bệnh của nước Mỹ. Tuy nhiên, hiện USD vẫn được giao dịch ở gần mức trước đại dịch và cao hơn so với mức trung bình trong dài hạn, theo Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện đang công tác tại Diễn đàn tiền tệ và các định chế tài chính, 1 think tank ở London. Những lo ngại rằng đà giảm giá trong ngắn hạn là chỉ báo cho thấy vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của USD đang bị đe dọa chỉ là "làm quá", ông nói.

Fed cho cả thế giới vay tiền bằng cách nào?   

Fed cung cấp thanh khoản cho toàn thế giới chủ yếu thông qua các "hợp đồng hoán đổi thanh khoản USD". Theo đó Fed sẽ cho NHTW các nước vay USD với thời hạn cố định, đổi lại nhận về đồng nội tệ của các nước đó theo tỷ giá thị trường. Khi khoản vay đáo hạn, Fed lại hoán đổi nội tệ của các nước thành USD, ở tỷ giá gốc và thu lãi.

Các hợp đồng hoán đổi được thiết kế sao cho các đối tác nước ngoài sẽ là bên hứng chịu rủi ro nếu khoản vay trở thành nợ xấu hoặc thị trường tiền tệ diễn biến bất lợi. Đến nay phần lớn đã được hoán đổi lại trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế hồi phục.

Bằng cách ổn định thị trường USD ở bên ngoài nước Mỹ, hành động của Fed giúp các nền kinh tế cũng như thị trường quốc tế tránh bị xáo trộn. Những cú rung lắc này hoàn toàn có thể tác động tới kinh tế Mỹ, khiến USD tăng giá mạnh hơn nữa và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như kinh tế Mỹ.

Trong khi đó rủi ro mà Fed có thể gặp phải được giảm xuống mức thấp nhất khi Fed chỉ chọn giao dịch với những quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất và các NHTW hùng mạnh nhất.

Fed bắt đầu triển khai chương trình hoán đổi tiền tệ từ ngày 15/3, và tính đến cuối tháng 3, đã có 14 NHTW tham gia. Ngoài ra Fed còn triển khai những chương trình riêng biệt, cho các nước vay USD trên tài sản đảm bảo là số trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ. Đến cuối tháng 5, tổng số tiền mà Fed cho các nước vay thông qua các chương trình đã lên đến 449 tỷ USD.

Mục tiêu của Fed là giữ cho thị trường tài chính hoạt động trơn tru. Các sự kiện hồi tháng 3 đã khiến nhu cầu tiền mặt tăng vọt. Do đó Fed cũng nhắm đến mục tiêu ngăn chặn các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, cổ phiếu Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp Mỹ để huy động tiền mặt, vì điều đó càng đẩy giá các tài sản niêm yết bằng USD giảm xuống sâu hơn.

Hôm 13/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại vai trò của Fed rõ ràng hơn nhiều so với dưới thời những người tiền nhiệm của ông. Các khoản vay từ Fed giúp các NHTW nước ngoài cung cấp nguồn USD giá rẻ cho hệ thống ngân hàng của họ và chặn đứng làn sóng bán tháo các tài sản bằng USD để huy động tiền mặt, từ đó giúp bình ổn thị trường và ngăn không cho USD tăng giá quá mạnh.

Andrew Hauser, quan chức hàng đầu NHTW Anh, trong 1 bài phát biểu đầu tháng 6 đã nhận định những hợp đồng hoán đổi tiền tệ này "có lẽ là phần quan trọng nhất trong mạng lưới bình ổn thị trường tài chính quốc tế mà không nhiều người biết đến".

Ngày 29/7, Fed cho biết sẽ kéo dài các chương trình này đến tận tháng 3/2021 thay vì tháng 9/2020 như dự tính ban đầu. "Cuộc khủng hoảng kinh tế mà đại dịch gây ra còn lâu mới kết thúc, và chúng tôi sẽ giữ nguyên chúng cho đến khi đủ tự tin rằng chúng không còn cần thiết nữa", ông Powell nói.

Trong khủng hoảng 2008-2009, quyền lực của Fed bị hạn chế nhiều hơn so với hiện tại. Khi Chủ tịch Powell điều trần trước Quốc hội hồi tháng 6, các nhà làm luật không đưa ra bất cứ câu hỏi nào về số tiền khổng lồ mà Fed đã cho "người ngoài" vay.

Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ

Những gì diễn ra trong mấy tháng qua càng khiến thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách điều hành kinh tế và NHTW của Mỹ. Nhiều năm nay, từ đồng euro cho đến nhân dân tệ vẫn nỗ lực làm lu mờ vị thế của USD nhưng giờ đây khi biết rằng Fed sẵn sàng can thiệp, các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư lại có niềm tin nhiều hơn vào USD.

Điều đó đem đến cho nước Mỹ thứ quyền lực vô hạn: có thể trừng phạt các ngân hàng nước ngoài mà Mỹ cho là vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, ví dụ xem xét phá vỡ thế neo vào USD của đồng đôla Hồng Kông để trừng phạt Trung Quốc.

Stephen Jen, CEO của Eurizon SLJ Capital, nêu ra 1 vòng luẩn quẩn: các nhà đầu tư coi trọng đồng USD vì đây là tài sản an toàn, nhưng bất cứ khi nào thị trường căng thẳng, họ đều đổ xô mua USD, dẫn đến thị trường xáo trộn và buộc Fed phải can thiệp – điều càng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào USD.

Phiên bản hoán đổi tiền tệ hiện nay được bắt đầu áp dụng từ năm 2007, khi những hệ lụy từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ khiến thị trường nợ ngắn hạn chao đảo và các ngân hàng ở châu Âu khó có thể vay được USD. Ban đầu Fed chỉ cho các chi nhánh ở Mỹ của một số ngân hàng châu Âu vay, sau đó mở rộng cho vay đối vay 2 NHTW nước ngoài. Đến năm 2008-2009, con số tăng lên hơn chục NHTW. Năm 2010 và 2011, khi châu Âu đối mặt khủng hoảng nợ, các chương trình hoán đổi lại được triển khai với 5 NHTW lớn.

Khi làn sóng đóng cửa vì dịch bệnh tấn công Mỹ và châu Âu hồi tháng 3, giá dầu lao dốc không phanh và TTCK cũng trượt dốc. Hàng loạt công ty phải rút hết hạn mức tín dụng, ráo riết tìm kiếm nguồn tiền để có thể chi trả các hóa đơn và trả lương cho nhân viên trong bối cảnh doanh thu biến mất. Thị trường tài chính xuất hiện những tín hiệu cảnh báo tình trạng thiếu hụt USD.

16/3 là một trong những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử thị trường tài chính hiện đại. Chứng khoán rực lửa trên toàn cầu do nhà đầu tư đua nhau bán tháo. Các ngân hàng ngay lập tức tăng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng.

Ở Hàn Quốc, các công ty môi giới lớn đột nhiên nhận ra họ cần 1 lượng lớn USD vì trước đó đã vay tiền để mua hàng tỷ USD chứng khoán phái sinh có tài sản cơ sở là cổ phiếu ở Mỹ, châu Âu và Hồng Kông. Cơn khát USD đẩy đồng won xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ vào hôm 19/3.

Các ngân hàng Nhật Bản cũng trải qua cú sốc lớn vì nhiều ngân hàng cho khách Mỹ trực tiếp vay tiền, ngoài ra còn sở hữu hơn 100 tỷ USD các trái phiếu đảm bảo bằng những khoản vay cho các công ty Mỹ có mức xếp hạng tín dụng thấp. Nhiều công ty bảo hiểm Nhật đầu tư mạnh vào các tài sản có lợi suất cao ở nước ngoài cũng lâm vào tình trạng khan hiếm USD.

Trong khi đó ở Singapore, chi phí đi vay quá cao ảnh hưởng đến nguồn cung USD cho các công ty cần phải trả nợ hoặc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Khi cơn bão lớn lên nhanh chóng, Fed tăng khối lượng trái phiếu mua vào từ mức 40 tỷ USD mỗi ngày hôm 16/3 lên mức cao kỷ lục 75 tỷ USD trong vài ngày sau đó. Thêm 9 NHTW tham gia chương trình hoán đổi tiền tệ. Đến ngày 31/3, Fed tung ra chương trình mới cho phép khoảng 170 NHTW vay USD với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ.

Chưa có đối thủ đáng gờm

Với vị thế của đồng USD hiện nay, Fed có khá ít sự lựa chọn. 88% trong số 6.600 tỷ USD các giao dịch tiền tệ diễn ra hàng ngày trên thế giới có sự tham gia của đồng USD, theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế. USD cũng là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch hàng hóa xuyên biên giới.

Thêm vào đó, vì suốt thập kỷ vừa qua lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức siêu thấp, nhiều nhà đầu tư đã chuyển USD sang các thị trường mới nổi. Tính đến cuối năm 2019, tổng số chứng khoán nợ quốc tế và các khoản vay xuyên biên giới niêm yết bằng USD đã lên đến 22.600 tỷ USD, so với con số 16.500 tỷ USD của 1 thập kỷ trước.

Vài năm gần đây ngày càng có nhiều bên lên tiếng phản đối về vị thế của đồng USD, trong đó có cả những đồng minh của Mỹ. Thống đốc NHTW Anh Mark Carney trong bài phát biểu chấn động tháng 8 năm ngoái tại Jackson Hole đã cho rằng vị thế đang lên của USD trong thương mại quốc tế là không phù hợp với việc tỷ trọng của kinh tế Mỹ trong GDP toàn cầu đang đi xuống. Ông còn nhận định điều đó khiến các nước đang phát triển bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi của kinh tế Mỹ và đề nghị các NHTW hãy tự tạo đồng tiền dự trữ của riêng mình.

Thuế quan và các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump cũng thôi thúc nhiều nước liên kết với nhau để "vượt mặt" USD, nhưng cho đến nay nỗ lực đó chưa mang lại kết quả đáng kể.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy 1 nghịch lý là hậu khủng hoảng đồng USD lại càng được sử dụng nhiều hơn. Một trong những lý do lại đến từ chính Fed: vì Fed sẵn sàng cho vay trong khủng hoảng, các nhà đầu tư tin rằng dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa thì khả năng tiếp cận USD của họ cũng không bị ảnh hưởng.

Cách đây 1 thập kỷ, giáo sư Jonathan Kirshner của Boston College đã dự báo vai trò của đồng USD trên trường quốc tế sẽ dần phai nhạt. Nhưng trong 1 cuộc phỏng vấn gần đây, ông đã phải thừa nhận rằng đồng bạc xanh diễn biến tốt hơn nhiều so với dự đoán. "Vì không có lựa chọn nào đủ mạnh, USD vẫn là đồng tiền quan trọng nhất thế giới", ông nói.

Tham khảo Wall Street Journal


Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên