Fed ‘đi trên dây’ khi vừa kiểm soát lạm phát vừa giải quyết những bất ổn của ngành ngân hàng: NHTW Mỹ sẽ trụ được bao lâu?
Fed đã ra tay hỗ trợ giải quyết những vấn đề của ngành ngân hàng, song vẫn giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Liệu những rắc rối tương tự như năm 1987 có lặp lại?
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chịu trách nhiệm về hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô của Mỹ. Đây là những công việc đòi hỏi NHTW phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau.
Fed đang nỗ lực để thực hiện đồng đều các vai trò đó. Hôm 22/3, NHTW Mỹ đã tiếp tục thực hiện chiến dịch hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát với quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% cùng dự báo sẽ thực hiện 1 đợt nâng nữa. Tuy nhiên, trong khi đó, Fed đã nhiệt tình hỗ trợ các nhà cho vay để ngăn chặn những thiệt hại sau khi ngân hàng SVB sụp đổ.
Trên thực tế, 2 công việc này không dễ dàng để tách rời nhau. Lãi suất tăng cao sẽ làm giảm đà tăng trưởng và lạm phát thông qua nhiều kênh, một trong số đó là khiến chi phí đi vay của các tổ chức tài chính cao hơn và họ đi vay ít hơn.
Quá trình này thường diễn ra suôn sẻ, song đôi lúc thì ngược lại. Các ngân hàng hoặc các bên cho vay ít được kiểm soát sẽ phá sản hoặc gần như sụp đổ khiến thị trường rơi vào hoảng loạn, nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn hơn so với dự đoán của Fed. Đây cũng là nguồn gốc của một câu nói nổi tiếng trên Phố Wall: “The Fed tightens until something breaks” (Fed cứ thắt chặt cho đến khi có một thứ gì đó vỡ tung).
Trong động thái mới đây, Fed cũng chỉ ra rằng một thứ gì đó đã đổ vỡ. Dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tăng tốc và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell trình bày trong phiên điều trần trước Quốc hội vào đầu tháng này rằng xu hướng hiện tại có thể thúc đẩy NHTW tăng lãi suất lên 5,25%.
Các dự đoán được công bố ngày 22/3 cho thấy, ông Powell và các quan chức Fed đã từ bỏ kế hoạch trên và chỉ ra phạm vi lãi suất, hiện là 4,75% - 5%, đạt mức cao nhất là 5% - 5,25% trong năm nay, không thay đổi so với cuộc họp tháng 12.
Ông Powell phát biểu trong buổi họp báo: “Chúng tôi đang xem xét những gì đang xảy ra ở các ngân hàng và đặt câu hỏi liệu điều kiện tín dụng có nên thắt chặt hay không. Theo một cách nào đó, biện pháp tương tự với việc tăng lãi suất.”
Với dự báo về cuộc khủng hoảng tín dụng, giới chức Fed đã hạ mức tăng trưởng dự kiến xuống 0,4% trong năm nay từ mức 0,5% vào tháng 12 và 1,2% trong năm tới từ 1,6%.
Nếu các dự báo của Fed trở thành sự thật, tức là những bất ổn của ngành ngân hàng phần lớn được kiềm chế và lạm phát về 2%, thì hành động cân bằng tình hình của họ sẽ thành công. Theo đó, nước Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống mà không quá tốn kém.
Dẫu vậy, mọi thứ có thể sẽ diễn ra theo nhiều chiều hướng và đặc biệt có 2 khả năng đang được thị trường lo ngại nhất. Một là Fed có thể đã phản ứng quá mạnh. NHTW và các cơ quan quản lý khác đã mở rộng “mạng lưới an toàn” cho các ngân hàng dù đó chỉ là một vấn đề đơn lẻ, không gây hậu quả về hệ thống. Và với việc giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, Fed có thể đã nới lỏng điều kiện tài chính và không còn cứng rắn trong lộ trình chống lạm phát.
Kịch bản này đã từng xảy ra vào năm 1987. Khi đó, chủ tịch mới được bổ nhiệm của Fed là ông Alan Greenspan đã khẳng định quan điểm “diều hâu” của mình bằng cách tăng lãi suất khi TTCK lao dốc. Sau đó, ông lại cắt giảm nhanh chóng và lạm phát tăng mạnh, khiến Fed buộc phải thắt chặt hơn dẫn đến cuộc suy thoái năm 1990-1991.
Năm 1998, ông Greenspan một lần nữa hạ lãi suất để ứng phó với tác động từ vụ sụp đổ của quỹ phòng hộ Long Term Capital Management. Và đúng lúc ông tiếp tục tăng lãi suất, bong bóng internet đang phình to.
Ông Powell đã né tránh kịch bản đó khi tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này và cũng chưa thông báo sẽ sớm cắt giảm.
Một rủi ro khác đó là hệ thống tài chính Mỹ đang ở tình trạng yếu đuối hơn so với những gì Fed nhận thấy. Với quyết định tăng lãi suất trong tuần này, Fed lại càng khiến mọi thứ trở nên mong manh hơn.
SVB là một trường hợp ngoại lệ, nhưng nhiều ngân hàng khác cũng có các khoản lỗ trái phiếu chưa thực hiện và phụ thuộc nhièu vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Những khoản tiền gửi đó đã được chuyển đến các ngân hàng lớn hoặc các quỹ MMF có lãi suất cao. Thậm chí, những rủi ro khác còn có thể “ẩn nấp” trong hệ thống tài chính.
Năm 2007, trong những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính, Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke đã cố gắng tách biệt sự ổn định tài chính và chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất chiết khấu (discount rate) chứ không phải lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thế chấp sau đó lại trở nên tồi tệ hơn và chỉ trong vài tháng, Fed lại phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo WSJ, hiện vẫn chưa đủ lý do để cho rằng hệ thống tài chính Mỹ dễ bị tổn thương như quá khứ. Tuy nhiên, Fed vẫn chưa tách biệt giữa 2 công việc của mình và đây không phải là điều dễ dàng.
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Chuyển động thị trường
Xem tất cả >>- Đồng rúp Nga chạm đáy 2 năm so với đồng USD: Chuyện gì đang xảy ra?
- Dow Jones tăng dựng đứng 1.500 điểm, S&P 500 phá đỉnh mọi thời đại khi ông Trump đánh bại bà Harris
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục phá đỉnh mọi thời đại, Dow Jones lần đầu tiên chọc thủng mốc 43.000: Tâm lý nhà đầu tư vẫn căng thẳng vì hàng loạt vấn đề nóng
- Chứng khoán Mỹ lập đỉnh chưa từng có trong lịch sử sau khi biên bản họp Fed được công bố, áp lực đè nén tâm lý nhà đầu tư dần được tháo gỡ
- Thị trường toàn cầu giật thót khi căng thẳng Trung Đông leo thang: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, giá dầu bật tăng