MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed tạo ra biến động trên thị trường tài chính: 3 hệ quả từ việc thắt chặt điều kiện tài chính

06-05-2022 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Fed tạo ra biến động trên thị trường tài chính: 3 hệ quả từ việc thắt chặt điều kiện tài chính

Mặc dù thị trường chứng khoán vụt tăng sau tin Fed nâng lãi suất, khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Vì các ngân hàng trung ương (NHTW) phải chiến đấu với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, chính sách tiền tệ nới lỏng của thập kỷ trước đang bị đảo ngược.

Vào ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên nửa điểm phần trăm và thông báo rằng họ sẽ sớm thu hẹp danh mục đầu tư nắm giữ trái phiếu.

NHTW Australia cách đây không lâu đã dự báo rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0 cho đến năm 2024. Song, các nhà đầu tư đã phải ngạc nhiên khi NHTW Australia nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm lên 0,35% vào ngày 3/5. NHTW Anh cũng dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009 vào ngày 5/5.

Mặc dù giá cổ phiếu tăng sau khi Fed nâng lãi suất, các thị trường tài chính đã và đang điều chỉnh một cách khó khăn với thực tế là chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn.

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 8% trong tháng 4 do các nhà đầu tư định giá cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Vào ngày 2/5, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ trong thời gian ngắn đạt 3%, gần gấp đôi mức hồi đầu năm.

Một hệ quả của việc thắt chặt các điều kiện tài chính là tái định giá tiền tệ. Đồng đô la Mỹ tăng 7% so với rổ tiền tệ trong năm qua. Mỹ cần lãi suất cao hơn bất kỳ nền kinh tế giàu có nào khác, vì sự phát triển quá nóng của nền kinh tế và thị trường lao động.

Lãi suất cao hơn khiến các nhà đầu tư càng "thèm muốn" đô la, cộng thêm nhu cầu về đô la khi các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine bùng nổ và Trung Quốc đối mặt sự bùng phát của Covid-19.

Đáng chú ý nhất là sự tăng giá của đồng bạc xanh so với đồng yên Nhật, đồng tiền của quốc gia giàu có duy nhất có vẻ sẽ không sớm tăng lãi suất. Thực tế, đồng yên đang ở mức rẻ nhất kể từ thập niên 1970.

Hệ quả thứ hai là sự gia tăng phần bù rủi ro khi các nhà đầu tư lo lắng về những cạm bẫy trong bối cảnh kinh tế mới. Ở Mỹ, các thước đo về "phần bù rủi ro lạm phát", vốn tăng lên khi giá cả trở nên khó dự báo, đang ở mức cao nhất kể từ năm 1994.

Thanh khoản trên thị trường dường như đang suy yếu. Mức chênh lệch đối với chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp trong kho bạc 10 năm đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm, phản ánh lo ngại rằng Fed có thể chủ động bán trái phiếu có thế chấp của mình.

Chênh lệch tín dụng doanh nghiệp tăng khiêm tốn do các nhà đầu tư cân nhắc khả năng lãi suất cao hơn sẽ khiến các công ty khó trả nợ hơn.

Hệ quả thứ ba là hoạt động kém hiệu quả của các danh mục đầu tư, thậm chí là với những danh mục đa dạng được thiết kế để tương đối miễn nhiễm với các cú sốc.

Ở Mỹ, danh mục đầu tư bao gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm là 11% từ năm 2008 đến năm 2021, đã giảm gần 12% trong năm nay. Khi năm 2021 đánh dấu mức kỷ lục của "mọi thứ đều tăng", năm 2022 lại đánh dấu khởi đầu của mọi thứ đều giảm, với sự biến mất của lãi suất thấp.

Khi các nhà đầu tư gặp khó khăn, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể bị cám dỗ để thay đổi hướng đi. Nếu họ ngừng tăng lãi suất và để lạm phát tăng nóng, các trái chủ sẽ mất tiền. Nhưng nhiều tài sản chống lạm phát, ví dụ như cổ phiếu hoặc bất động sản, sẽ hưởng lợi. Đồng đô la sẽ giảm, giúp nhiều quốc gia định giá một số mặt hàng xuất khẩu hoặc các khoản nợ của họ bằng đô la.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các NHTW bao gồm cả Fed, là phải ứng phó với nền kinh tế trong nước và ngăn chặn lạm phát kéo dài ở mức không thể chấp nhận được. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn là hệ quả tự nhiên của việc tăng lãi suất và việc điều chỉnh vẫn còn chặng đường phía trước.

Các nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rằng lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh trên 3%. Mức đó không đủ cao để kiềm chế lạm phát tiềm tàng, vốn đã tăng trên 5%. Nhiều khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Tham khảo: The Economist

https://cafef.vn/fed-tao-ra-bien-dong-tren-thi-truong-tai-chinh-3-he-qua-tu-viec-that-chat-dieu-kien-tai-chinh-20220506072555431.chn

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên