Điểm danh những nhân vật định hình kinh tế thế giới trong cả thập niên 2010
Danh sách của Financial Times có một số cái tên đã rất quen thuộc từ trước như tỷ phú Jeff Bezos, Bill Gates hay cựu chủ tịch IMF - bà Christine Lagarde, nhưng cũng có nhiều nhân vật mới cực kỳ nổi bật được xướng tên ở thập kỷ này.
- 22-12-2019Sheryl Sandberg và một thập kỷ đầy thăng trầm: Từ biểu tượng "sáng chói" cho phụ nữ trên toàn thế giới đến vụ bê bối dữ liệu chấn động của Facebook
- 13-12-2019Trung Quốc có vụ vỡ nợ trái phiếu đôla lớn nhất 2 thập kỷ
- 06-12-2019Bài toán mới cho 4 "con hổ châu Á" sau nửa thập kỷ thành công vang dội
Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 khởi đầu bằng những biện pháp thắt lưng buộc bụng để đối phó với sự suy thoái do những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với đó là sự phát triển ngoạn mục của lĩnh vực công nghệ và các tỷ phú trẻ mới xuất hiện.
Danh sách những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thập kỷ qua của Financial Times phản ánh tất cả những yếu tố trên, vinh danh những người có đóng góp nổi bật nhất cho lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và công nghệ, chính trị, văn hoá, khoa học nghệ thuật.
Danh sách trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và công nghệ có một số cái tên đã rất quen thuộc từ trước như tỷ phú Jeff Bezos, Bill Gates hay cựu chủ tịch IMF - bà Christine Lagarde, nhưng cũng có nhiều nhân vật mới cực kỳ nổi bật được xướng tên ở thập kỷ này.
Larry Fink (CEO của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock)
Nhà sáng lập của BlackRock từng là một trong những giám đốc điều hành có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Phố Wall khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Tuy nhiên, phải đến khi giành được thoả thuận thâu tóm lĩnh vực quản lý tài sản của Barclays vào năm 2009, thì ông mới chính thức trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Mảng chứng chỉ quỹ cực kỳ quan trọng, đã góp phần giúp BlackRock tiếp cận với các phương tiện theo dõi chỉ số thụ động, giá rẻ - phương thức đã bùng nổ trong cả thập kỷ vừa qua. BlackRock là một trong những "cái tên" lớn của ngành này, và hiện đang quản lý khối tài sản lên đến gần 7 nghìn tỷ USD.
Elizabeth Holmes (CEO của Theranos)
Thung lũng Silicon đã quá quen thuộc với những lời hứa hẹn hào nhoáng. Tuy nhiên, Holmes đã khiến cả giới công nghệ đặt kỳ vọng rất lớn vào việc cách mạng hoá quá trình thử máu. Những cái kim được sử dụng để lấy máu sẽ bị "tuyệt chủng", thay vào đó là dụng cụ "nanotainer" - lọ thử máu có kích thước siêu nhỏ và mẫu máu sẽ được xét nghiệm tại "minilab". Công nghệ thử máu mà Theranos cung cấp không hề gây đau đớn và cực kỳ đơn giản, khách hàng thậm chí có thể đến lấy máu ở các nhà thuốc hay siêu thị. Quá trình xét nghiệm chỉ bằng 1 giọt máu nhỏ còn có thể chẩn đoán các bệnh nan y như ung thư.
Theranos đã đón nhận những khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, có thời điểm mức định giá đã lên tới 9 tỷ USD. Tuy nhiên, công nghệ này thực sự chỉ là một "trò lừa", không hề có tác dụng và Holmes sau đó cũng bị cáo buộc là lừa đảo. Hiện tại, cô đang phải đối mặt với một phiên toà hình sự, với nhiều tội danh gian lận và lừa đảo theo đường dây.
Kylie Jenner (nhà sáng lập, CEO của Kylie Cosmetics)
Kylie Jenner có thể được gắn với bất kỳ danh hiệu nào, tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới hoặc tỷ phú đầu tiên của thế hệ Z. Cô gái 22 tuổi này là nhà sáng lập của Kylie Cosmetics - công ty sản xuất các sản phẩm làm đẹp cho phái yếu và được định giá lên đến gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, hồi tháng 11, Kylie đã bán phần lớn cổ phần trong đó cho tập đoàn Coty với 600 triệu USD.
Lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình là khi Kylie 9 tuổi, góp mặt trong chương trình thực tế của gia đình cô có tên "Keeping Up With The Kardashians" (Theo chân nhà Kardashian). Năm 16 tuổi, Kylie bắt đầu "khởi nghiệp" bằng cách sử dụng số tiền kiếm được từ công việc người mẫu để đầu tư vào dòng mỹ phẩm riêng, ra mắt một loạt mẫu son kem lì thời thuợng vào năm 2015. Hoạt động quảng cáo hầu hết đều được Kylie thực hiện trên các trang mạng xã hội, bởi cô có tới hàng trăm triệu người theo dõi trên Snapchat, Instagram, Facebook và Twitter.
Travis Kalanick (cựu CEO của Uber)
Vào một buổi tối tháng 12 tại Paris, Travis Kalanick cảm thấy chán nản vì không thể gọi một chiếc taxi qua điện thoại. Đây chính là nguồn cảm hứng cho ý tưởng sáng lập dịch vụ gọi xe Uber của ông. Khởi đầu tư dịch vụ gọi xe limo cao cấp tại San Francisco, giờ đây Uber đã trở thành một dịch vụ không thể thiếu đối với hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Đốt hơn 15 tỷ USD vốn mạo hiểm, Kalanick đã tạo ra một khuôn mẫu mới cho "nền kinh tế Gig" trong cả thập kỷ vừa qua: ít tài sản nhưng sử dụng rất nhiều vốn, khai thác những lỗ hổng trong quy định pháp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc phá vỡ quy tắc của Kalanick cũng mang đến một số vấn đề tiêu cực trong công ty và những người kế nhiệm ông phải rất vất vả để cải thiện.
Aubrey McClendon (cựu CEO của Chesapeake Energy)
Cuộc cách mạng năng lượng đá phiến đã biến nước Mỹ thành nhà sản xuất dầu khí tự nhiên hàng đầu thế giới, cùng với sự "chung tay" của hàng trăm công ty thăm dò và sản xuất, các nhà địa chất, kỹ sư và nhà tài chính. Dẫu vậy, không nhân vật có thể thể hiện sự phát triển lâu dài như Aubrey McClendon của Chesapeake Energy - người có tầm ảnh hưởng, có công lớn nhất đối với ngành công nghiệp đá phiến. Những khoản nợ chính là yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng của Chesapeake Enerygy, đưa công ty này trở thành trường hợp nghiên cứu đầu tiên về những khó khăn của ngành này trong việc mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư. Năm 2013, khi vướng vào vụ bê bối liên quan đến các khoản nợ cá nhân, vị trí CEO của ông đã bị thay thế. Năm 2016, ông qua đời vì tai nạn ô tô.
Thomas Piketty (Tác giả cuốn sách Capital in the Twenty-First Century)
Thomas Piketty là nhà kinh tế học người Pháp, ông đã đưa ra những phân tích quan trọng về nguồn gốc và hậu quả của tình trạng bất bình đẳng. Ông là tác giả của cuốn Capital in the Twenty-First Century (Vốn Thế kỷ 21), đây là cuốn sách góp phần định hình cuộc tranh luận về sự bất bình đẳng giàu nghèo sau tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính. Cuốn sách này đã trở thành Cuốn sách Kinh doanh của năm 2014 do Financial Times bình chọn, tạo nên nền tảng trí tuệ cho các phong trào chính trị trên khắp thế giới.
Bernard Arnault (Chủ tịch của LVMH)
Jeff Bezos (CEO của Amazon)
Tim Cook (CEO của Apple)
Jamie Dimon (CEO của JPMorgan)
Mario Draghi (cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB)
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates
Reed Hastings (CEO của Netflix)
Haruhiko Kuroda (Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BOJ)
Christine Lagarde (Chủ tịch ECB)
Jack Ma (Nhà đồng sáng lập của Tập đoàn Alibaba)
Sergio Marchionne (cựu CEO của Fiat-Chrysler)
Elon Musk (CEO của Tesla)
Nhậm Chính Phi (Chủ tịch của Tập đoàn Huawei)
Margrethe Vestager (Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu)
Susan Wojcicki (CEO của YouTube)
Mark Zuckerberg (CEO của Facebook)
Tham khảo Financial Times