MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Financial Times: Thị trường nợ châu Á hơn 400 tỷ USD 'ớn lạnh' trước hạn trả lãi của Evergrande

24-09-2021 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Financial Times: Thị trường nợ châu Á hơn 400 tỷ USD 'ớn lạnh' trước hạn trả lãi của Evergrande

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng đô la bị ảnh hưởng khi khủng hoảng tại các nhà phát triển bất động sản leo thang.

Những lo lắng ngày càng sâu sắc về Evergrande đã kích thích động thái bán ra trên thị trường nợ châu Á trị giá 428 tỷ USD. Điều này nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang lan sang các tài sản khác như thế nào khi giới đầu tư chuẩn bị cho thời hạn thanh toán quan trọng vào thứ Năm.

Theo chỉ số của Ice Data Services, lợi suất trái phiếu bằng đô la Mỹ được phát hành bởi những công ty châu Á rủi ro hơn đã tăng lên gần 12% trong tuần này, mức cao nhất kể từ khi giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Các nhà giao dịch lo lắng về khả năng Evergrande bỏ lỡ các khoản thanh toán cho khoản nợ hàng tỷ USD của công ty này đang tồn đọng trên thị trường quốc tế.

Việc không thanh toán lãi suất khi đến hạn vào thứ Năm có thể châm ngòi cho cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Điều này cũng sẽ đánh dấu cú sốc nghiêm trọng nhất trên một thị trường mà các nhà quản lý tài sản quốc tế đã bị lôi kéo bởi lợi nhuận hấp dẫn khi lợi suất trái phiếu toàn cầu gần mức thấp trong lịch sử.

Financial Times: Thị trường nợ châu Á hơn 400 tỷ USD ớn lạnh trước hạn trả lãi của Evergrande - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng Evergrande nổi lên sau biện pháp siết chặt của Bắc Kinh đối với việc vay nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Các nhà phát hành chi phối các khoản nợ có lợi suất cao bằng đồng đô la ở châu Á đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái trong nước.

"Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng sự hỗn loạn trên thị trường bất động sản không có khả năng tác động đến bậc hai, bậc ba… đặc biệt là trên thị trường vốn và thị trường trái phiếu", Noel Quinn – Giám đốc điều hành HSBC, phát biểu trong hội nghị của Bank of America vừa qua.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande đại diện cho rủi ro pháp lý mới nhất đối với các nhà đầu tư toàn cầu tại thị trường mới nổi lớn nhất thế giới.

Công ty có khoảng 20 tỷ USD nợ chưa thanh toán bằng đô la, đang phải đối mặt với khoản thanh toán lãi suất 83,5 triệu USD vào thứ Năm. Theo hồ sơ công bố vào tháng 6, chuyên gia trong thị trường mới nổi – Ashmore là bên nắm giữ trái phiếu với lượng lớn nhất với 63 triệu USD, trong khi các nhà đầu tư lớn khác tính đến tháng 7 gồm UBS và HSBC.

Một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài ở Evergrande trong tháng này đã thuê công ty luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis để tư vấn về một khả năng tái cấu trúc nợ.

Trái phiếu có thời hạn 5 năm, lãi coupon vào khoảng 8,25% được phát hành vào năm 2017 (khi Chủ tịch Evergrande – Hui Ka Yan ở ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc) đã bị bán tháo mạnh. Trái phiếu đang được giao dịch ở mức 25 cents so với gần mức mệnh giá hồi tháng 6. Nếu một khoản thanh toán bị bỏ lỡ, Evergrande sẽ có thời gian gia hạn 30 ngày trước khi chính thức vỡ nợ.

Hôm thứ Tư, Evergrande cho biết khoản thanh toán lãi 232 triệu Rmb (35,9 triệu USD) cũng đến hạn vào thứ Năm cho một trái phiếu trong nước đã được "giải quyết thông qua các cuộc đàm phán ngoại hối", nhưng không nói rõ khi nào hoặc bao nhiêu sẽ được trả.

Sáng thứ Năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm ròng 110 tỷ Rmbn vào hệ thống tài chính của nước này, động thái tăng thanh khoản lớn nhất trong 8 tháng, theo dữ liệu của Bloomberg.

Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trong nhiều tháng đã tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản, nhưng họ đã vật lộn để huy động đủ tiền mặt cho việc giảm nợ trong khi tiếp tục thanh toán cho các nhà cung cấp, chủ nợ và các nhà đầu tư cá nhân đến hẳn trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến tuần trước.

Trong khi lợi suất của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tiền mặt Evergrande xuất hiện. Lợi suất trên Ice Index đã tăng 2 điểm phần trăm trong tháng này. Bất động sản chiếm 42% thị trường, với phần lớn vốn vay đến từ Trung Quốc.

Financial Times: Thị trường nợ châu Á hơn 400 tỷ USD ớn lạnh trước hạn trả lãi của Evergrande - Ảnh 2.

Paul Lukaszewski, trưởng bộ phận nợ doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Aberdeen Standard Investment ước tính mức giá hiện tại ngụ ý rằng khoảng 30% các công ty phát hành lãi suất cao của Trung Quốc xếp hạng B, mức được coi là rủi ro cao, sẽ vỡ nợ.

Dữ liệu của JPMorgan cho thấy, thị trường lợi suất cao của các doanh nghiệp châu Á đã tăng hơn gấp đôi từ mức chỉ 169 tỷ USD vào năm 2014. Trong khi phần lớn đầu tư đến từ châu Á, các quỹ nổi tiếng thế giới cũng là người chơi lớn trên thị trường. Đây là một trong những con đường trực tiếp nhất để đầu tư nước ngoài có thể thực hiện vào hệ thống tài chính được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc.

"Các quỹ toàn cầu đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này vì nó mang lại lợi nhuận cao", một chủ ngân hàng có trụ sở tại Hong Kong cho biết. Ông nói thêm rằng, Evergrande luôn là cái tên mà nhiều nhà đầu tư cảm thấy "không thoải mái lắm", một số phải đầu tư vì công ty này được đưa vào chỉ số trái phiếu toàn cầu, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà quản lý quỹ.

Trong tháng 7 và tháng 8, các quỹ do HSBC và BlackRock đã mua trái phiếu Evergrande, tăng tỷ lệ nắm giữ.

Trong khi Evergrande đã đẩy thị trường bất động sản Trung Quốc thành tâm điểm chú ý, áp lực đã gia tăng trong suốt nhiều năm. Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc cho biết tiền thu được từ việc vay nợ nước ngoài nên được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có hơn là đầu tư.

Financial Times: Thị trường nợ châu Á hơn 400 tỷ USD ớn lạnh trước hạn trả lãi của Evergrande - Ảnh 3.

Lo ngại về việc tái cấp vốn đã ảnh hưởng đến các nhà phát triển khác với khoản nợ bằng đô la, bao gồm Fantasia Group đã bị hạ cấp vào tuần trước. Việc không có khả năng tái cấp vốn cũng có thể gây ra những lo ngại về kinh tế trên khắp Trung Quốc nếu việc xây dựng nhà mới sụt giảm.

Bên cạnh lợi suất cao, các nhà đầu tư cũng bị thu hút bởi các tài sản của Trung Quốc vì nhận thức rằng chúng có liên kết yếu với thị trường toàn cầu. Lukaszewski cho rằng sức hấp dẫn của thị trường lợi suất cao nói chung ở châu Á là nó "đi theo nhịp của chính mình, và nhịp đó là các yếu tố địa phương".

Jen nói thêm rằng: "Ngồi ở London, thử tưởng tượng điều gì đó xảy ra tại Mỹ và mọi người ở Trung Quốc bắt đầu hoảng sợ vì nó… trong khi nhà đầu tư Mỹ rất bình tĩnh. Chỉ cần nghĩ về sự tương phản này… bên nào có thể đúng?".

Đông A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên