FLC bị cưỡng chế hàng trăm tỷ đồng tiền thuế
Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng.
- 09-01-2024Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng Lã Tuấn Hưng bị bắt
- 09-01-2024Sôi động các cuộc phát hành cổ phiếu tăng vốn: Hoà Bình, HAGL, Novaland… dùng để trả nợ, nhóm tài chính huy động tiền sẵn sàng cho cuộc chiến mới
- 09-01-2024Shark Hưng gặp đồng nghiệp ngành trà định giá 300 tỷ đồng: "Nắm thóp" từng đường đi nước bước, hạ giá còn 1/3
Theo thông báo từ tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), doanh nghiệp này cho biết ngày 5/1, đã nhận quyết định của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn nộp. Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.
Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.
Đến ngày 8/1, FLC thông báo tiếp tục nhận thêm văn bản từ Cục Thuế thành phố Hà Nội ngày về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Tổng số tiền bị cưỡng chế là 678,4 tỷ đồng, tăng hơn 87 tỷ đồng so với quyết định cưỡng chế ban hành từ ngày 14/7/2023. Trước đó, ngày 14/7/2023, FLC bị cưỡng chế 590,8 tỷ đồng do không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo đã được gửi.
Đây là số tiền đơn vị không chấp hành nộp theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội, thông báo của Chi Cục thuế khu vực thành phố Sầm Sơn- Quảng Xương, thông báo của Cục thuế tỉnh Quảng Bình và thông báo của Ban quản lý khu kinh tế thanh phố Quy Nhơn.
Ngày 2/1, tập đoàn FLC cũng đã không thể tiến hành phiên họp bất thường do tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết. Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông được đại diện FLC công bố trước thời điểm khai mạc, chỉ có 94 người đến tham gia phiên họp bất thường sáng 2/1. Số cổ đông này nắm hơn 227 triệu cổ phần, tương đương khoảng 32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đây là cuộc họp FLC dự kiến trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT là ông Lê Thái Sâm, Doãn Hữu Đoàn và thành viên ban kiểm soát Nguyễn Tri Thống. Đồng thời, công ty cũng thông tin về kết quả tái cơ cấu và kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Đại diện FLC cho biết sẽ tổ chức cuộc họp bất thường này lần 2 và gửi thông báo tới cổ đông theo quy định của công ty. Theo quy định, cuộc họp này chỉ có thể tiến hành nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ.
FLC cũng đề nghị cổ đông đến dự sáng nay có thể thực hiện ủy quyền lại cho ban lãnh đạo công ty ngay sau khi cuộc họp lần một bất thành. "Đây chỉ là phương án dự phòng trong trường hợp cổ đông không thể tham dự cuộc họp lần hai", đại diện FLC nói.
An ninh Tiền tệ