FLC, Vingroup, T&T...và hơn 7,3 tỷ USD sẽ làm cục diện thị trường BĐS nơi này thay đổi hoàn toàn
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 của Quảng Bình vừa mới diễn ra, hàng chục dự án bất động sản lớn được nhiều đại gia địa ốc cam kết rót vốn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký lên đến hàng tỷ USD.
Sở hữu nhiều danh thắng đẹp, tỉnh Quảng Bình được xem là điểm đến mới trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam. Quảng Bình nằm trên trục phát triển kinh tế Đông – Tây từ biển Đông đến Lào, Đông Bắc Thái Lan và những nước nằm trong khu vực Trung – Nam Châu Á.
Tạp chí New York Times của Mỹ đã bình chọn Quảng Bình xếp thứ 8 trong top 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình năm 2018, vừa diễn ra ngày 27/8.
Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 66 dự án với tổng số vốn đầu tư 168.869 tỷ đồng (tương đương 7,34 tỷ USD). Danh sách thể hiện FLC cam kết đầu tư nhiều nhất, với số vốn khoảng 63.000 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 dự án của 23 nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư 29.717 tỷ đồng (tương đương 1,29 tỷ USD); trao thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 30 dự án của 24 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 139.152 tỷ đồng (tương đương 6,05 tỷ USD); trao biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.
Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi vậy, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch luôn nỗ lực, ưu tiên quảng bá hình ảnh du lịch, đồng thời kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.
Quảng Bình có bờ biển và thắng cảnh đẹp sẽ là điểm đến của các dự án BĐS du lịch thời gian tới.
Theo đó, tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển, đầu tư khai thác mới các hang động, các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tộc người, các sản phẩm du lịch cộng đồng; khai thác phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Hiện tại, có khá nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và được tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Vũng Chùa- Đảo Yến của Tập đoàn Trường Thịnh ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch với diện tích 45ha, vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong tháng 5/2018, sau hơn 2 năm thi công xây dựng, Vingroup đã khánh thành và đưa vào hoạt động tổ hợp Vincom và nhà phố thương mại shophouse tại TP. Đồng Hới, có tổng diện tích 7.000m2.
Ngoài ra, Công ty Việt Group cũng đang tiến hành xây dựng khách sạn Movenpik Central tại bán đảo Bảo Ninh. Đơn vị này cũng đang đầu tư một dự án 5 sao khác tại bán đảo Bảo Ninh, Quảng Bình là tổ hợp khách sạn và khu nghỉ dưỡng Pullman.
Và không thể không nhắc đến đại tổ hợp dự án khu nghỉ dưỡng, giải trí, biệt thự, sân golf FLC Quảng Bình của Tập đoàn FLC (13.000 tỷ đồng). Dự án này trải dài dọc bờ biển khu vực huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và được xem là dự án có số lượng sân golf lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành.
Nhiều dự án lớn của các đại gia khác cũng được đăng ký đầu tư như dự án Khu đô thị du lịch hỗn hợp Dinh Mười của Tập đoàn T&T với tổng vốn đầu tư 28.800 tỷ đồng, dự án TMS Quảng Bình Resort của Công ty CP Toàn cầu TMS, tổng vốn đầu tư 4.835 tỷ đồng...
Mới đây nhất, Tập đoàn Trường Thịnh cũng đã đầu tư phát triển dự án Bảo Ninh Sunrise với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quần thể dự án này, Trường Thịnh cũng hợp tác với đơn vị thiết kế sân golf hàng đầu thế giới - Tập đoàn Great White Shark (Hoa Kỳ) để đầu tư sân golf 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương vừa phê duyệt dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020, lĩnh vực BĐS du lịch - nghỉ dưỡng chiếm phần lớn dựa trên tiềm năng và lợi thế vốn có hiện nay. Cụ thể, về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, có 6 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, 8 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, 3 dự án trung tâm thương mại được tỉnh kêu gọi vốn, với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500 ha.
Tại hội nghị trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định rằng muốn phát triển du lịch cũng như bất động sản theo kế hoạch đề ra, trước hết phải giải được bài toán hạ tầng. Thời gian qau địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn vốn để phát triển hệ thống giao thông kết nối với các vùng kinh tế khác. Hiện, tỉnh cũng đang chào mời các nhà đầu tư nhiều dự án giao thông qua mô khá lớn, với tổng vốn đầu tư cần hơn 20.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, giữa năm 2017, hạ tầng giao thông Quảng Bình đón hai sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: thông xe cầu Nhật Lệ 2 (tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng) nối trung tâm Tp. Đồng Hới với bán đảo Bảo Ninh và khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới - Chiang Mai.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đã hoàn thành các dự án quan trọng như mở rộng QL1A đoạn đi qua tỉnh, mở rộng nâng cấp đoạn Minh Cầm - Đồng Lê, cải tạo nâng cấp đoạn Khe Ve - Cha Lo…
Dự kiến đến năm 2020 toàn bộ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B; xây dựng đường nối cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, tỉnh cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư thực hiện nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải theo tiêu chuẩn quốc tế.