Founder Funix Nguyễn Thành Nam: Phụ huynh chính là lý do lớn khiến giáo dục bất bình đẳng
Việc học hành của học sinh, đa phần phải theo ý muốn của cha mẹ, thay vì được làm những thứ mà các em mong muốn, theo TS. Nguyễn Thành Nam. "Điều đầu tiên là phụ huynh phải thay đổi", ông Nam nhấn mạnh giải pháp để hạn chế sự bất bình đẳng trong giáo dục.
- 13-01-2019Người hưởng lương cao nhất Quảng Nam: 121,2 triệu đồng/tháng
- 18-12-2018Những con số bất ngờ về ứng viên là sinh viên mới ra trường
- 11-12-2018Tạo môi trường thuận lợi để sinh viên khởi nghiệp
- 26-11-2018Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên, sinh viên khởi nghiệp
Founder Funix Nguyễn Thành Nam đã có nhiều chia sẻ tại Toạ đàm: Bàn về bình đẳng giáo dục trong chiều 13/1. Với cách tiếp cận khác biệt, ông Nam cho thấy bất bình đẳng trong việc học tập không chỉ dừng lại ở việc trẻ em có được tiếp cận trường học hay không, mà còn ở việc được tự chọn theo đuổi những thứ mà mình mong muốn.
Ông Nam cho biết bản thân từng là học sinh trường chuyên, được chọn đi học nước ngoài, vì vậy, ông luôn phải chịu sức ép lớn đến từ sự kỳ vọng của gia đình cũng như chính bản thân khi phải làm được điều gì đấy.
" Tôi rất tự hào và thấy may mắn là đã thoát khỏi sức ép đấy, trong khi đó, nhiều rất nhiều người đã phải mang gánh nặng này đến tận già", ông nói.
Điều này đã giúp ông chọn và theo đuổi một sự nghiệp khác mà như ông miêu tả là thoải mái hơn rất nhiều. Từ trường hợp của bản thân, ông Nam nhận xét mỗi người cần có quyền được từ bỏ.
"Bình đẳng giáo dục còn nói lên một vấn đề nữa là việc chúng ta được quyền từ bỏ. Nhiều khi bố mẹ, người khác đã ép chúng ta đi trên một con đường mà chúng ta không dám từ bỏ. Chúng ta có thể bình đẳng từ lúc đầu, nhưng không ai nói đến điều này. Nếu tôi không hợp thì tôi có quyền đi hướng khác", ông nói và nhấn mạnh nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng với điều này khiến con cái họ mang theo gánh nặng không đúng suốt cả cuộc đời.
Chính vì vậy, ông Nam cho rằng người cản trở bình đẳng trong giáo dục nhiều nhất, ngoài những yếu tố bên ngoài như điều kiện môi trường, vật chất, chính là phụ huynh học sinh. Do vậy, phụ huynh cần phải có sự thay đổi phù hợp với thời cuộc đang vận động.
Còn đối với những trường hợp bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục do trở ngại về các yếu tố môi trường, khoảng cách, điều kiện vật chất, founder của Funix cho rằng Internet sẽ là một giải pháp hiệu quả.
Theo ông, Việt Nam đang có lợi thế là nước có mạng lưới Internet phổ cập, và điều này có thể được tận dụng trong lĩnh vực dạy và học. Theo đó, những người ở vùng sâu, vùng xa không cần đi khỏi địa bàn sinh sống vẫn có cơ hội học những chương trình hiện đại nhất trên thế giới. Và khi họ bước ra khỏi mảnh đất, vùng quê, họ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều.
"Hãy khai thác tối đa Internet, đừng nhìn nó như con quái vật, đó là cơ hội chưa từng có", ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Thành Nam cũng lưu ý về việc tự học. Con đường này, theo ông, không phải là con đường cao tốc chạy thẳng mà có rất nhiều ngã rẽ, mà ở đó dù được tham khảo những người có kinh nghiệm thì quyết định vẫn là ở bản thân để chọn lựa.