MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Founder startup bán hàng hiệu đã qua sử dụng Joolux phản pháo về ý kiến "Joolux giống như cửa hàng thu mua điện thoại cũ, không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp"

22-07-2021 - 14:33 PM | Doanh nghiệp

Founder startup bán hàng hiệu đã qua sử dụng Joolux phản pháo về ý kiến "Joolux giống như cửa hàng thu mua điện thoại cũ, không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp"

Theo BCG report, thị trường hàng hiệu tiêu dùng mới (Primary personal luxury market) toàn cầu là $334 tỷ (2019) và giảm xuống $258 tỷ (2020) do Covid-19, nhưng thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại tăng (Luxury Resale Market) từ $31 tỷ (2019) lên $33 tỷ (2020).

Startup Joolux, sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng cung cấp dịch vụ từ tủ đồ hàng hiệu tới người tiêu dùng, bao gồm các bước: nhận sản phẩm, kiểm định, định giá, đăng sản phẩm lên website, trưng bày ở cửa hàng và bán cho người dùng cuối. Bên cạnh đó, Joolux còn cung cấp dịch vụ kiểm định và sửa chữa, phục chế hàng hiệu.

Founder kiêm CEO của Joolux Tạ Xuân Hiển lên Shark Tank kêu gọi 300.000 USD cho 10% cổ phần của công ty.

Sau màn thương lượng, Shark Hưng đồng ý đầu tư 50.000 USD cho 10% cổ phần, nhưng luật chương trình không cho phép giảm số tiền kêu gọi nên Shark Hưng khuyên startup thuyết phục Shark Liên đầu tư thêm để đủ con số 300.000 USD. 

Khá thích sản phẩm và mô hình này, cùng với đề nghị của Shark Hưng, Shark Liên đồng ý đầu tư 250.000 USD cho 50% cổ phần, trong đó 50.000 USD góp bằng tiền, 200.000 USD góp bằng giá trị hàng hóa. Như vậy, 2 Shark đồng ý đầu tư 300.000 USD cho 60% cổ phần.

Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận của các Shark, Tạ Xuân Hiển từ chối lời đề nghị và cho rằng, trong giai đoạn này anh chỉ có thể trao đổi 15% cổ phần.

Trên mạng xã hội, tác giả Nam Nguyễn cho rằng mô hình của Joolux giống như các cửa hàng chuyên thu mua điện thoại cũ. Joolux thu mua/nhận kí gởi giỏ xách hàng hiệu về để kiểm định, spa (tút) lại và bán. 

"Điểm đặc biệt của Joolux là có thêm ứng dụng kiểm định giỏ xách có phải hàng thật hay không nhưng khả năng lớn là thuê lại dịch vụ của bên khác. 

Tôi biết thị trường túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng cũng khá nhộn nhịp, nhiều mặt hàng cũ mà giá còn cao hơn giá gốc. Chị em ghiền túi ngày đêm nịnh chồng để sở hữu 5-10 giỏ xách là không hiếm. Tôi cũng thấy nhiều chị em chuyên live stream thu mua rồi bán/đấu giá giỏ xách cũ có thu nhập hàng trăm triệu một tháng.

Tuy nhiên, mô hình này không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp. Bằng chứng là không có tiệm điện thoại cũ nào trở thành doanh nghiệp lớn. Và Joolux mấy năm nay vẫn lẹt đẹt với 1 cửa hàng, 4 shop-in-Shop (thuê mặt bằng là một góc nhỏ tại một cửa hàng khác).

Lí do ai cũng biết là chi phí vận hành quá cao khi phải cạnh tranh trực tiếp với các chị em bán hàng online (không có chi phí, không có thuế, 100% nhiệt tình vì chủ đứng bán). 

Tóm lại, không thấy cơ hội nào cho Startup này sống khỏe, chỉ thấy hoặc là chết nhanh, hoặc chết từ từ", anh Nam Nguyễn nhận định.

Trước các ý kiến trái chiều, anh Tạ Xuân Hiển – Founder của Joolux đã có bài chia sẻ xung quanh mô hình hoạt động kinh doanh của Joolux.

Thị trường của Joolux có tiềm năng không?

Theo CEO& Founder Joolux, về cơ bản hàng hiệu mới sau khi mua về dùng, sẽ trở thành hàng hiệu đã qua sử dụng. Theo BCG report, thị trường hàng hiệu tiêu dùng mới (Primary personal luxury market) toàn cầu là $334 tỷ (2019) và giảm xuống $258 tỷ (2020) do Covid-19, nhưng thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại tăng (Luxury Resale Market) từ $31 tỷ (2019) lên $33 tỷ (2020). Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy còn rất nhiều đồ trong tủ đồ người tiêu dùng chưa được khai phá, và lãng phí và đó cũng chính là nguồn cung hàng hiệu rất lớn. 10% thị trường được khai phá trên chủ yếu nằm ở Mỹ, Châu Âu, Nhật và Trung Quốc, những nơi thị trường hàng hiệu lớn và lâu đời. 

Với các Unicorn của các thị trường này như The Real Real, StockX (Mỹ), Vestiaire Collective (Pháp), và một số startup đang phát triển mạnh của Trung Quốc như: Plum, Secoo cho thấy Luxury Resale một thị trường mới rất tiềm năng. 

Thập kỷ 202x được đánh giá là thập kỷ của thị trường hàng hiệu châu Á. Đặc biệt là các thị trường đang lên ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thị trường hàng hiệu tiêu dùng của Việt Nam rơi vào khoảng $1,1 Tỷ (theo Statista).

Founder startup bán hàng hiệu đã qua sử dụng Joolux phản pháo về ý kiến Joolux giống như cửa hàng thu mua điện thoại cũ, không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tăng lên 33 tỷ USD năm 2020

Theo anh Tạ Xuân Hiển, đối tượng khách hàng chủ yếu của thị trường này nằm ở tầng lớp trung lưu (Upper and Lower Middle Class), những người có nhu cầu tiếp cận thị trường hàng hiệu dễ dàng hơn, và tiêu dùng thông minh hơn (smart money), là giới trẻ (Millennial and Gen Z) những người thực tế hơn và rất quan tâm đến môi trường. Theo Statista, Việt Nam có khoảng 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ gia tăng hàng đầu ĐNA, và trên 60 triệu người là giới trẻ. Việt Nam cũng được đánh giá nước có nhu cầu về hàng hiệu hàng đầu trong khu vực.

Founder startup bán hàng hiệu đã qua sử dụng Joolux phản pháo về ý kiến Joolux giống như cửa hàng thu mua điện thoại cũ, không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhu cầu hàng xa xỉ tăng mạnh khi thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng cao (nguồn: Joolux)

"Vậy nếu giải quyết bài toàn kết nối cung-cầu này thì liệu có đáng làm, và có đủ lớn ở quy mô doanh nghiệp?", anh Tạ Xuân Hiển đặt câu hỏi.

Mảng kinh doanh của Joolux có truyền thống không? Và ý tưởng của Joolux có mới không?

Theo anh Tạ Xuân Hiển, ngành công nghiệp hàng hiệu vốn rất truyền thống, các giao dịch phần lớn qua các cửa hàng. Mới bắt đầu go online 10 năm trở lại đây nhưng vẫn chưa mạnh. Hàng hiệu qua sử dụng cũng là một thị trường mới, nhưng ngay lập tức đã được vận hành chủ yếu online (80%).

"Joolux cũng vận hành chủ yếu là online (marketplace), và kết hợp mô hình O2O là có showroom chính + các Shop in shop là nơi tiếp nhận sản phẩm để tăng sự tiện lợi và trải nghiệm cho khách hàng. Joolux phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm định cũng là 1 nỗ lực để thay đổi sự truyền thống về kiểm định hàng hiệu chủ yếu dựa vào con người. Và tiến tới là tham vọng số hoá thông tin của toàn bộ sản phẩm qua Joolux. Tất cả nỗi lực này nhằm thay đổi các cách làm truyền thống của ngành hàng hiệu và cuối cùng là chỉ để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ý tưởng của Joolux không mới, bằng chứng là có nhiều unicorn trên thế giới đã làm thành công. Ý tưởng ai cũng có thể nghĩ được và cũng dễ copy. Thị trường Việt Nam cũng đã rất nhiều các bạn cá nhân bán online. Nhưng để phá được tảng băng thị trường kia thì sẽ cần một sự chính thống, quan trọng vẫn là sự dám bắt đầu, và khả năng thực thi thôi. Joolux không coi trọng đến cạnh tranh, chủ yếu tập trung xây dựng các năng lực nội tại như năng lực vận hành, kiểm định, spa sửa chữa hàng hiệu,...để mang đến nhiều giá trị nhất cho khách hàng.

Dù không đạt được deal đầu tư của các Sharks, nhưng Joolux đã đạt được deal lớn nhất sau chương trình chính là sự ủng hộ của khách hàng. Mô hình của Joolux liệu có chết ngay hay chết từ từ, hay có thể mở rộng và phát triển, khách hàng chính là những người quyết định", anh Hiển chia sẻ.

Founder startup bán hàng hiệu đã qua sử dụng Joolux phản pháo về ý kiến Joolux giống như cửa hàng thu mua điện thoại cũ, không đủ tiềm năng ở quy mô doanh nghiệp - Ảnh 3.

Sản phẩm sửa chữa đồ hiệu của Joolux

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên