Founder vexere.com: “Ngày đầu chủ xe không tiếp vì họ làm ngành mấy chục năm, không cần công nghệ vẫn sống”
“Chết hụt” vì hết tiền trong khi nhà đầu tư chưa kịp giải ngân cho vòng gọi vốn kế tiếp, CEO VeXeRe Lê Văn và các cộng sự may mắn được Shark Dũng cho vay tiền để giúp công ty tiếp tục hoạt động. Những ngày đầu tiên, Lê Văn đi gặp chủ xe không ai tiếp, may có người trông Văn tội nghiệp quá nên hỏi xã giao… và “xin” được 5 phút.
- 02-11-2019Nhà sáng lập sàn TMĐT máy công nghiệp Hanoma.vn: Tôi thà để lại cho con sản phẩm có ích cho xã hội còn hơn vài cái nhà, bán đi tiêu là hết
- 31-10-2019Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay
- 22-10-2019TOPICA: Từ bàn tay của Bill Gates đến startup hàng đầu Đông Nam Á về giáo dục trực tuyến
Trước đây, nếu đi từ Hà Nội lên Sapa, từ Sài Gòn đi Cà Mau… bạn sẽ phải hỏi người thân hoặc ra bến xe. Nhưng giờ, bạn chỉ cần lên web vexere.com là biết được có những hãng nào, giá vé ra sao, lịch trình thế nào, xuất phát mấy giờ, ở đâu, còn trống ghế nào trên xe…
- 6 năm trước, việc sử dụng website hay ứng dụng để chọn mua vé xe khách còn rất mới mẻ. Anh và các cộng sự đã gặp khó khăn thế nào trong việc xây dựng vexere.com?
- Vấn đề đầu tiên là trao đổi và làm hệ thống cho cả nhà xe và người dùng đặt vé. Với cả hai đối tượng này, công nghệ lúc bấy giờ đều khá lạ lẫm. Những người đi xe khách thường thuộc tầng lớp bình dân, đa số đều chưa quen với việc đặt vé online.
Còn nhà xe, đa phần chủ xe đi lên từ tài xế và lơ xe. Họ kinh doanh mấy chục năm, không cần công nghệ cũng vẫn làm được. Một số người trước giờ chưa sử dụng máy tính nên nói tới quản lý trên hệ thống, phần mềm thì họ cảm thấy khó. Đó là hai thách thức lớn nhất.
- Rồi các anh gỡ rối bằng cách nào?
- Chúng tôi thuyết phục các hãng xe trước. Không chỉ ở các thành phố lớn, chúng tôi xuống tận tỉnh để gặp chủ xe. Hiện chúng tôi có hơn 550 hãng xe trên toàn quốc hợp tác nhưng ban đầu, khi chúng tôi tới, họ không tin và nghĩ là tiếp thị, bán hàng nên không tiếp. Một số người hẹn 3-4 lần vẫn không gặp được.
May mắn có lần ông chủ một hãng xe đi ngang qua, thấy tội quá nên hỏi xã giao. Lúc này, tôi mới xin 5 phút để trao đổi. Tôi cam đoan, nếu trao đổi xong mà ông ấy thực sự không thấy giải pháp của chúng tôi giúp ích được gì, tôi sẽ không bao giờ làm phiền nữa.
Ông ấy nghe thấy cũng tội nghiệp vì từ xa tới, ngồi lì mãi như vậy mà lại không tiếp nên cho cơ hội. Sau lần gặp đó, họ trở thành một trong những đối tác đầu tiên của vexere.com.
- Anh đã trình bày những gì?
- Tôi chia sẻ với các chủ xe về cuộc cách mạng hóa lĩnh vực xe khách. Chúng tôi muốn mang công nghệ vào giúp để họ đỡ nhức đầu. Dù đi bất cứ đâu, họ chỉ cần mở điện thoại/ máy tính là có thể biết được tình hình ở nhà, từng nhân viên bán được bao nhiêu vé, tuần này tháng này bán được bao nhiêu, tỷ lệ lấp đầy của từng chuyến xe là bao nhiêu. Tức là công việc quản trị của họ sẽ nhẹ hơn rất nhiều, quản lý được cả gian lận.
Sau cùng, họ cũng hiểu ra mục đích của chúng tôi là đến để giúp đỡ chứ không phải đến để cố gắng bán một giải pháp. Dần dần, các chủ xe sử dụng thấy hiệu quả, vé chúng tôi bán cho họ tăng lên, việc quản trị trở nên đơn giản, giảm thất thoát thì lại giới thiệu cho người khác.
- Việc áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý và bán vé đã giúp các hãng xe đó thay đổi như thế nào?
- Chúng tôi bắt đầu với các hãng xe nhỏ, chung tay giúp họ phát triển. Có những hãng lúc đầu có hơn 2 chục xe nhưng sau khi hợp tác với chúng tôi thì đã lên tới hơn 4 chục xe. Cũng phải mất khoảng 6 tháng, qua đầu năm 2014, mới có những hãng xe lớn từ 20 xe sử dụng hệ thống. Sau đó từ từ lên hãng có 5 chục rồi trăm mấy xe.
Ở miền Bắc, chúng tôi hợp tác với hãng xe Sao Việt đầu tiên. Lúc đó, hãng xe này bị rớt xe xuống Sapa. Khi họ khó khăn nhất thì mình chung tay với họ từ quy trình, phụ tùng… để giúp họ phát triển, làm miễn phí luôn.
Trong miền Nam, chúng tôi có hãng xe Tiến Oanh. Lúc mới hợp tác, hãng có 2 chiếc thôi, qua vài năm thì họ lên mười mấy chiếc xe rồi. Hiện tại, họ là số 1 về chuyến xe Limousine tuyến Sài Gòn – Buôn Mê Thuột.
Hiện tại, VeXeRe cũng có hơn 550 hãng xe trên khắp cả nước sử dụng phần mềm vận tải và mỗi tháng có vài triệu vé đi qua hệ thống.
- Từ lúc nhen nhóm ý tưởng tới khi trang web phiên bản đầu tiên ra mắt, các anh mất bao nhiêu thời gian?
- Chúng tôi mất gần 6 tháng từ lúc có ý tưởng đến nghiên cứu và chứng minh tính khả thi, cho tới xuống tiền và lên được format đầu tiên. Hồi mới ra, mọi thứ còn thô sơ lắm, chỉ là website cập nhật đầy đủ thông tin tin lịch trình, giá vé, số điện thoại nhà xe để họ có thể tự đặt. Khách hàng thường thắc mắc tại sao chưa đặt được trực tuyến. Phải khoảng 7, 8 tháng sau thì bắt đầu có thể mua vé được. Tới giờ, khách hàng có thể đặt mua vé của hơn 600 hãng.
Mới đây, chúng tôi tiếp tục cho ra mắt app trên mobile. Ứng dụng này ra đời để giải quyết bài toán 80% người dùng sử dụng điện thoại để lên vexere.com. Chúng tôi cũng đang nung nấu việc cho ra tính năng giúp người dùng biết được vị trí của xe đang ở đâu, giống như Grab vậy.
- Anh xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ của mình thế nào để hoàn thiện ứng dụng?
- Tôi có bằng cử nhân về công nghệ thông tin, trường Bách Khoa thành phố HCM. Đó là một lợi thế khi tìm những người làm về việc xây dựng hệ thống. Người bạn thân nhất thời đại học của tôi - anh Lương Ngọc Long – là đồng sáng lập và CTO (giám đốc công nghệ) của vexere.com. Anh Long có giải lập trình viên quốc gia.
Việc tuyển dụng các kỹ sư công nghệ là một trong những quyết định thành công đối với doanh nghiệp. Giống như việc xây nhà, nếu mình kiếm thợ xây nhà cấp 4 thì nhiều lắm nhưng kiếm được một người xây nhà 400 tầng thì rất khó. Nền tảng của chúng tôi làm cho hàng trăm nhà xe, tức là nhiều người dùng chung một hệ thống thì nền móng của ngôi nhà, cũng chính là kiến trúc của phần mềm phải tốt thì mới có thể giải quyết được các bài toán do các nhà xe đặt hàng đi ra và liên tục.
Hệ thống mà ngừng 15 phút là các bến xe, nhà xe rối loạn luôn
- Bí quyết gì giúp các anh đảm bảo hệ thống luôn hoạt động trơn tru 24/7 như thế?
- Hiện tại, bên Vexere có hơn 30 kỹ sư. Chúng tôi tuyển các bạn học từ Bách khoa và Tự nhiên là chủ yếu. Trong số các bạn này, có những bạn học từ nước ngoài về, tố chất cơ bản và khả năng học hỏi khá tốt. Tôi cũng tuyển những người tư vấn, quản lý nhóm từ những công ty lớn như Google hoặc Facebook… Đó là nền tảng của nhóm.
Để đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru 24/7 và hiếm khi bị sập, chúng tôi backup hệ thống ở 3 nơi: 2 cái nằm ở hệ thống Data Center của Viettel và một cái nằm ở Google Cloud. Bất cứ lúc nào mà một chỗ có vấn đề thì chỗ còn lại vẫn vận hành được.
- Giải quyết được bài toán về hệ thống và thuyết phục được các chủ xe, anh tiếp tục quảng bá tới những khách hàng "bình dân", chưa từng nghĩ tới việc dùng website, ứng dụng để mua vé bằng cách nào?
- Ban đầu, chúng tôi tiếp cận những người hay sử dụng công nghệ như sinh viên và lao động trí thức trước. Vì họ mới đi làm một thời gian nên ngân sách chưa nhiều và có nhiều khi muốn đi máy bay hay xe lửa nhưng hết chỗ. Họ chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là đặt vé xe khách thôi.
Sau đó công nghệ từ từ phát triển, nhiều người sử dụng ứng dụng hơn thì chúng tôi cùng với nhà xe đào tạo một số nhóm khách hàng thân thuộc. Ví dụ, thông qua việc giảm giá, khuyến mãi để kích thích họ lựa chọn việc đặt online.
Dần dần, các khách hàng thấy quá tiện lợi và hữu ích nên sử dụng thường xuyên và giới thiệu cho người thân, bạn bè. Hiện tại trang vexere.com của bên tôi có hơn 3 triệu lượt truy cập 1 tháng và cũng là web lớn nhất về vé xe hiện nay
- Từng lăn lộn nhiều nghề, kinh doanh cũng khá nhưng gác lại tất cả để đi học thạc sĩ quản trị ở Mỹ. Điều gì đã thôi thúc anh một lần nữa bỏ dở tất cả, trở về Việt Nam lập nghiệp?
- Triết lý của tôi là YOLO (You only live once), tức là bạn chỉ sống một lần. Khi đi làm và thực tập ở Mỹ, tôi cảm thấy cuộc sống rất nhàm chán, giống như dù có mình hay không thì mọi thứ vẫn như vậy. Tuy nhiên, nếu về Việt Nam và làm thành công website vexere.com thì tôi đang góp một phần vào việc cách mạng hóa ngành giao thông vận tải, giúp người Việt Nam không ai phải xếp hàng mua vé nữa.
Tôi thấy đó là một sứ mệnh, làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tuổi trẻ mà, đâu có gì gấp nên những việc không ai làm thì mình làm thôi. Đến giờ nhìn lại, tôi không thấy hối tiếc. Những người bạn ở Mỹ của tôi cuộc sống vẫn tốt, sung túc nhưng tôi không muốn sống một cuộc đời bình dị, ngày qua ngày giống như vậy.
- Đối với 2 người đồng sáng lập, ở thời điểm khởi đầu, họ đang làm gì? Anh đã thuyết phục họ thế nào về ý tưởng mới?
- Một người là anh Đào Việt Thắng cũng học ở Mỹ về và đang làm trong ngân hàng ANZ. Còn Long rất giỏi về lập trình, đã giành giải Olympic Tin học cấp Quốc Gia thời sinh viên và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Hàn Quốc, làm cho một công ty rất lớn sản xuất camera và cung cấp giải pháp cho chính phủ các nước về nhận dạng mống mắt.
Khi ấy, tôi nói là bây giờ các bạn muốn cuộc sống ngày làm 8 tiếng hay muốn cùng tôi làm cách mạng lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch ở Việt Nam; để sau này nhìn lại thì không chỉ bản thân mình mà gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh cũng thấy tự hào? Nếu xui, không thành công thì cũng thành nhân.
- Họ suy nghĩ mất bao nhiêu lâu thì quyết định "lên thuyền"?
- Cũng phải mất vài tháng. Bắt đầu, tôi phải cho họ một số dữ liệu về dự án xem nó có khả thi hay không. Ví dụ ở Việt Nam, mỗi năm có 24 triệu hành khách đi lại bằng xe khách, có vài trăm triệu vé được bán ra, nhẩm tính mỗi người mất trung bình 15 phút để tìm đặt mua vé hoặc phải ra tận bến xe canh để mua vé vào những dịp như Tết. Vậy thì mỗi năm Việt Nam mình đã lãng phí hàng triệu giờ rồi. Bài toán xã hội lớn như vậy đã thôi thúc họ.
Với họ, việc kiếm tiền không phải quá khó nhưng họ cũng muốn nếu làm thành công thì có thể trở thành triệu phú đô la và về cơ bản cũng giải quyết được một bài toán lớn cho Việt Nam.
Sau khi thống nhất, chúng tôi chia nhau, tôi phụ trách chính về mảng quản lý và marketing, Việt Thắng là COO thì phụ trách chính về mảng tài chính, nhân sự, bán hàng. Còn Long là CTO, phụ trách kỹ thuật.
- Số vốn ban đầu các anh bỏ ra cho dự án này là bao nhiêu?
- 300 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi cũng gọi được vài vòng vốn. Việc gọi vốn cũng tốn khá nhiều thời gian vì phải đi trao đổi, thuyết trình với các nhà đầu tư. Khi có vốn, cách quản trị sẽ thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ phải minh bạch, kế toán, kiểm toán đều phải đầy đủ. Công ty cũng phải tăng trưởng nhanh hơn vì nhà đầu tư rót vốn vào thì sẽ đặt ra những áp lực để buộc phải tốt hơn.
Chúng tôi cũng có nhiều lần suýt "chết đuối". Đơn cử như lần đầu tiên gọi vốn thì chúng tôi có Shark Dũng đầu tư. Lần thứ hai gọi vốn bên anh ấy, trong lúc nhà đầu tư quyết xong thì chúng tôi đã hết vốn, anh Dũng thương tình đã bỏ tiền cá nhân của anh ấy để cho tụi anh vay mượn trong khi đợi giải ngân vì việc làm thủ tục, giấy tờ ở Việt Nam cũng hơi lâu. Đó cũng là một lần "thoát chết".
- Con số của cụ thể của số tiền cá nhân Shark Dũng "ứng tạm" cho các anh khi đó là bao nhiêu?
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì là 500 triệu đồng. So với số vốn gọi được cũng nhỏ thôi nhưng lúc ấy thì đủ để chúng tôi duy trì được vài tháng để tiếp tục. Đó cũng là may mắn vì gặp được một người đồng hành.
- Mục tiêu sắp tới của các anh là gì?
- Chúng tôi đang cân nhắc mở rộng sang các mảng khác vì thấy thị trường giao thông vận tải, du lịch ở Việt Nam rất lớn và hầu như chưa có doanh nghiệp nào đứng số 1. Rất có thể, chúng tôi sẽ phát hành một trang chuyên về vận tải và du lịch để phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Quốc gia công nghệ
Xem tất cả >>- Founder ứng dụng học tiếng Anh lọt top 5 thế giới: Lý do Google rót vốn triệu đô là kỳ vọng ELSA sẽ trở thành một kỳ lân trong tương lai!
- CEO An ninh mạng Viettel: Giải pháp an ninh mạng cũng như trang bị vũ khí, không ai muốn bị phụ thuộc vào nước ngoài
- Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam bật mí về tổ chức "từ thiện cho người sắp giàu"
- PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý!
- Cuộc chơi mới với tiền lẻ của ViettelPay