MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT – 30 năm thành danh nhờ những ý tưởng lạ

12-09-2018 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Xuyên suốt quãng thời gian phát triển của FPT là những nước cờ táo bạo mà nhiều người từng đánh giá là viển vông, hão huyền. Nhưng sau 30 năm phát triển trên con đường “chưa ai dám đi”, tập đoàn này đã hiện thực hóa những giấc mơ không tưởng thành những con số hàng chục, thậm chí trăm triệu USD.

FPT khởi đầu bằng quyết định làm phần mềm khi cả Việt Nam còn chưa mấy người biết đến máy tính, làm xuất khẩu phần mềm khi nhiều người nói rằng đó là “ý tưởng điên rồ”. Nối dài sau đó là những ý tưởng và nước cờ về giáo dục, M&A mà nhiều người cho rằng đó chỉ là những giấc mơ không thể thành sự thật.

Làm phần mềm “không giống ai”

“Những ngày đầu thành lập FPT có rất nhiều lựa chọn, có thể lắp ráp tivi đen trắng, lắp ráp máy tính… chỉ cần vặn 12 con ốc vít và đi vay ngân hàng đã có thể thành công”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT hồi tưởng lại trong buổi phỏng vấn cuối tháng 7/2018. Nhưng thay vì chọn hướng đi dễ dàng, FPT quyết định dấn thân vào ngành công nghệ thông tin với ý tưởng ngành này đòi hỏi tri thức và là ngành công nghệ cao.

Năm 1991 hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Vietnam Airlines do FPT triển khai được đưa vào sử dụng. Có điểm tựa đầu tiên, FPT tiến công vào lĩnh vực ngân hàng như phát súng thứ hai trên trận địa. Lần lượt những ngân hàng lớn như MaritimeBank, VietinBank trở thành khách hàng của FPT và năm 1993 lần đầu tiên tập đoàn bán phần mềm “made by FPT” cho một khách hàng nước ngoài - Chinfon Bank.

Gần 10 năm khi “giấc mơ” làm phần mềm dần sáng tỏ, ngã rẽ thứ hai đến với FPT khi xuất khẩu phần mềm được chọn làm hướng đi tiếp theo. Không phải bức tranh màu hồng được vẽ ra, viễn cảnh làm xuất khẩu phần mềm khi đó được chính Chủ tịch HĐQT FPT, Trương Gia Bình đánh giá là “không thể xấu hơn”. Những thất bại đầu tiên ở Mỹ, ở Ấn Độ càng khiến nhiều người khi đó nhìn xuất khẩu phần mềm của FPT như một “ý tưởng điên rồ” hay nói bay bổng hơn là một “giấc mơ lãng mạn không thể thành hiện thực”. Để thay đổi tình thế, FPT lại nối dài chuỗi ý tưởng “không giống ai” bằng những quyết định táo bạo hơn nữa.

Đầu tiên là việc tiếp cận những “người khổng lồ” trên thị trường. Cách tiếp cận này được xem là “ngược đời” khi những công ty mới tham gia thường đi lên từ những khách hàng nhỏ, tích lũy kinh nghiệm rồi mới tìm đến những đối tác lớn hơn. Trong Sử ký 13 năm của FPT, ông Bình khi đó đã viết: “Bài giảng của GS Paul Argenti về giao tiếp có phần dạy rằng, khi chúng ta không có uy tín thì cách tốt nhất là dựa vào uy tín của người khác”. Và chiến lược “không giống ai” đã phát huy tác dụng. Nhận được hợp đồng với giá trị “mang tính tượng trưng” từ IBM, nhưng cái mà FPT thực sự nhận được là điền tên IBM vào danh sách khách hàng. Từ đó, con đường xuất khẩu phần mềm của FPT bước sang trang mới. Quy mô các dự án lớn dần lên từ vài triệu USD đến 10, 20, 30 triệu USD và thậm trí là 100 triệu USD. Bộ sưu tập khách hàng cũng đọ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.

FPT – 30 năm thành danh nhờ những ý tưởng lạ - Ảnh 1.

FPT ký kết hợp đồng có tổng giá trị trên một trăm triệu USD liên quan đến công nghệ IoT và các nền tảng chuyển đổi số cho innogy SE (ông ty trực thuộc RWE).

Nếu nói về những “ý tưởng khác lạ” ở FPT, không thể bỏ qua câu chuyện M&A. Khi mà dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, doanh nghiệp nội loay hoay trong việc thích nghi với sự thay đổi thì FPT lại bơi ngược dòng, mang tiền ra nước ngoài thâu tóm những doanh nghiệp ngoại.

Từ RWE IT Slovakia năm 2014 cho tới Intellinet – một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ năm 2018, không phải 1 mà là 2 thương vụ đã được FPT thực hiện trong vòng chưa tới 5 năm.

Câu chuyện giáo dục và văn hóa “khác lạ” ở FPT

Song hành với những quyết định táo bạo trong hoạt động kinh doanh là việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Năm 1999, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) lập trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế đầu tiên theo giáo trình APTECH của Ấn Độ. Bước đi này trở thành hiện tượng trong giới công nghệ Việt Nam lúc đó. Khi mà máy tính vẫn còn là món hàng xa xỉ thì FPT đã mang về những giáo trình tin học từ những quốc gia hàng đầu về làm phần mềm và xuất khẩu phần mềm.

Sáu năm sau đó khi bước chân vào lĩnh vực đào tạo đại học, những nước cờ của FPT Education lại càng “lạ” hơn nữa. Quyết định then chốt đầu tiên là sử dụng tiếng Anh trong giáo dục. Ở thời điểm năm 2006 mô hình này được xem là “có một không hai” tại Việt Nam, sinh viên vào trường bắt buộc phải học một năm tiếng Anh, sau đó toàn bộ quá trình học đều sử dụng tiếng Anh. Quyết định thứ hai là áp dụng mô hình "bánh kẹp", gắn liền việc đào tạo với doanh nghiệp.

FPT – 30 năm thành danh nhờ những ý tưởng lạ - Ảnh 2.

Môi trường học tập quốc tế là một trong những điểm khác lạ của Đại học FPT.

Nhưng ở FPT, sự “khác lạ” còn đến ngay từ văn hóa doanh nghiệp. Tinh thần dân chủ từ lâu đã trở thành một đặc sản trong văn hóa doanh nghiệp của FPT. Chẳng thế mà câu chuyện Chủ tịch FPT Software - ông Hoàng Nam Tiến từng cất tiếng 'chửi' sếp Tổng Trương Gia Bình đã trở thành một huyền thoại trong tập đoàn. Ở FPT, cá tính và sự khác biệt của mỗi cá nhân đều được tôn trọng, một điều hiếm thấy trong vai trò lãnh đạo của những công ty khác.

Và thành quả của những chiến lược này là FPT ngày nay đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ đứng đầu Việt Nam với quy mô vốn hóa gần 1,2 tỷ USD và cũng là một trong số ít doanh nghiệp có hoạt động toàn cầu hóa với doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm gần 40% tổng doanh thu.

Nhiều người nói FPT “gặp may”, nhưng một lần thành công có thể là may mắn, nhiều lần thì đó chính là thực lực. Bằng việc đi trên con đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm, FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình đã trở thành công ty công nghệ đúng nghĩa. Xuất khẩu phần mềm trở thành trụ cột doanh thu của khối công nghệ với tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 56% và 94%.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên