MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT khai màn giao dịch nội bộ, kỳ vọng lớn vào thị trường CNTT 2021

FPT khai màn giao dịch nội bộ, kỳ vọng lớn vào thị trường CNTT 2021

FPT mở đầu năm mới với giao dịch cổ phiếu giữa một số lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn trong bối cảnh giá cổ phiếu công nghệ này lập những đỉnh mới nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán.

Giao dịch đầu năm

Theo thông tin từ tập đoàn này, ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT FPT, đã đăng ký mua lại 235.000 cổ phiếu từ Phó tổng giám đốc Hoàng Việt Anh và Kế toán trưởng Hoàng Hữu Chiến theo hình thức thỏa thuận. Giao dịch dự kiến sẽ diễn ra từ 20/01 tới 05/02/2021

Sau giao dịch nội bộ này, ông Bùi Quang Ngọc sẽ nắm giữ 19.487.713 cổ phiếu tại FPT, tương đương 2,489% vốn điều lệ của FPT.

Tổng số cổ phiếu FPT đang lưu hành tính tới thời điểm hiện tại là hơn 783,98 triệu đơn vị.

FPT khai màn giao dịch nội bộ, kỳ vọng lớn vào thị trường CNTT 2021 - Ảnh 1.

Cổ phiếu FPT có những phiên tăng liên tục

Giá cổ phiếu FPT trong ngày 15/01 ghi nhận mức đỉnh mới ở 66.600đồng/cổ phiếu, tăng gần 9% trong 1 tháng qua. Giá cố phiếu công nghệ này, theo thống kê, đã tăng gần 29%% trong một năm vừa qua.

Trong khi đó, thị trường những ngày qua đã chứng kiến đà tăng liên tục của VN-Index khi chỉ số này nhích dần tới mốc lịch sử 1.200 điểm, tăng 23% so với cùng kỳ.

Tại đại hội cổ đông năm 2020, FPT đặt chỉ tiêu tổng doanh thu cho cả năm 2020 ở mức 32,45 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 5,51 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 18% so với năm 2019.

So sánh với các công ty CNTT nước ngoài

FPT khai màn giao dịch nội bộ, kỳ vọng lớn vào thị trường CNTT 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg, SSI Research

Theo báo cáo phân tích của CTCK SSI phát hành hồi đầu tháng 1, LNTT quý 4 của FPT ước tăng khoảng 19% so với cùng kỳ, trong khi LNTT cho cả năm 2020 ước tăng khoảng 11,3% so với năm trước. Con số LNTT của FPT trong năm đạt 4.666 tỷ đồng.

Theo SSI, nhờ các hợp đồng ký mới tăng trưởng vào cuối năm 2020 cùng với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi vào năm 2021, LNTTnăm 2021 cho các dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT ước tính tăng lên 4,6% so với ước tính trước đó. Tăng trưởng LNTT từ mảng công nghệ của FPT ước tính sẽ phục hồi 22% (tăng 24% từ mảng dịch vụ CNTT nước ngoài và 10% từ mảng dịch vụ CNTT trong nước).

Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) năm 2021 của FPT, theo SSI, dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 17%.

"Do chúng tôi tự tin về việc phục hồi tăng trưởng trong năm 2021, chúng tôi nâng hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) mục tiêu cho mảng công nghệ của FPT và nâng giá mục tiêu 1 năm thêm 16% lên 72.500 đồng/cổ phiếu – tương đương mức tăng 16% so với giá hiện tại", SSI viết trong báo cáo.

Báo cáo tài chính 11 tháng của FPT cho thấy doanh thu và LNTT năm 2020 của tập đoàn này tăng lần lượt 7,4% và 8,6%% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26.341 tỷ đồng và 3.288 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu CĐS 11 tháng của FPT đạt 2.936 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu ký mới của mảng công nghệ cho thị trường trong nước và quốc tế lần lượt đạt 4.826 tỷ và 11.581 tỷ đồng, tăng 17,5% và 23,6% so với cùng kỳ, nhờ các hợp đồng được tư vấn và cung cấp giải pháp CĐS ký kết dàn trải tại nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục tới nông lâm nghiệp…

Kỳ vọng năm mới

FPT đã chứng kiến một năm khởi sắc nhờ thắng lớn từ mảng chuyển đổi số và thị trường nước ngoài và đây được cho là một nền tảng vững chắc cho tập đoàn này trong năm 2021 với các dự báo khá lạc quan về trị trường CNTT trong kỷ nguyên chuyển đổi số toàn cầu.

Theo một báo cáo về thị trường CNTT Việt Nam của Fitch Solutions – đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, thị trường CNTT nội được dự báo sẽ tăng tốc vào năm 2021 và cao hơn xu hướng tăng trưởng kinh tế chung, nhờ các khoản đầu tư tiềm năng đổ vào các thị trường sau khi chương trình tiêm chủng toàn cầu được khởi động.

"Từ năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng thị trường CNTT sẽ chậm hơn, nhưng tiếp tục vượt xa tăng trưởng chung của nền kinh tế khi khu vực tư nhân và nhà nước hiện đại hóa, với động lực tăng cường từ làn sóng số hóa đang tăng tốc và xu hướng dịch chuyển sang lưu trữ đám mây sau đại dịch", Fitch Solutions nhận định.

Về phần rủi ro, đơn vị này cho rằng các tin tức về phát triển vaccine trong quý 4 đã giảm bớt một số rủi ro có thể phát sinh đối với kịch bản cốt lõi mà Fitch Solutions dự báo. Tuy nhiên, thị trường CNTT vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu mùa đông làm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn tại Mỹ và Châu Âu, và hệ quả là triển vọng yếu hơn cho ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Fitch Solutions dự báo tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho CNTT cao được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế mở rộng và hiện đại hóa, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm CNTT cơ hội đáng kể để khai thác nhu cầu từ chi tiêu cho thông tin cơ bản tới các giải pháp phức tạp hơn ở phân khúc cao cấp của thị trường.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên