FPT lần thứ 35 vượt đỉnh từ đầu năm, vốn hóa tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam vượt 200.000 tỷ
Từ đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên trên 200.000 tỷ, chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV và ACV trên sàn chứng khoán.
Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu FPT bất ngờ tăng tốc ngoạn mục phiên 10/10. Cổ phiếu này tăng gần 4% lên trên 140.000 đồng/cp với giao dịch rất sôi động. Đây là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết. Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh, một con số vô tiền khoáng hậu.
So với thời điểm đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 205.000 tỷ đồng (~8,4 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.
Nền tảng để cổ phiếu bứt phá vẫn là kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đến mức đáng kinh ngạc của FPT. 8 tháng đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 39.664 tỷ đồng và LNTT đạt 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và gần 20% so với cùng kỳ. LNST đạt 6.029 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó lãi ròng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng gần 23%.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 8 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 64% kế hoạch doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 19.934 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30,4%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 34,4% (tương đương tăng trưởng 37,2% theo Yên Nhật) và 36,9%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 22.774 tỷ đồng, tăng 19%; LNTT tăng gần 27% lên 3.182 tỷ đồng.
Trong 8 tháng năm 2024, FPT thắng thầu 29 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, cho thấy nhu cầu đầu tư cho công nghệ ngày càng cao trên toàn cầu và khẳng định năng lực cung ứng công nghệ của FPT. Chứng khoán ABS kỳ vọng FPT tiếp tục duy trì phong độ tăng trưởng 2 chữ số khi tập trung triển khai các dự án chuyển đổi số, đặc biệt với mảng dịch vụ CNTT nước ngoài hướng tới 5 tỷ USD doanh thu vào năm 2030 khi nhóm này chiếm 80% cơ cấu DT công nghệ.
Bên cạnh đó, FPT còn mở rộng thêm văn phòng thứ 2 tại Đức, khai trương văn phòng đầu tiên tại Thụy Điển, bám sát chiến lược triển khai DC5 (Digital Conglomerate 5.0) và đầu tư mạnh mẽ vào AI, Automotive, Chip bán dẫn, Cloud trong giai đoạn 2024 – 2026 tại hai quốc gia trên.
Ngoài ra, FPT còn hợp tác thành lập liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI) với chiến lược cùng đầu tư và nghiên cứu giải pháp an ninh mạng, AI, Cloud, giúp Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số và AI tại khu vực Đông Nam Á. ABS cho rằng liên doanh sẽ giúp FPT IS đạt được mục tiêu về chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài, mở rộng thị phần và phát triển hệ sinh thái công nghệ đạt chuẩn quốc tế.
Về mảng Viễn thông , hiện tại FPT đang có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang Trung tâm dữ liệu quận 9 (Data center) với mục đích nhằm nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông và các hệ thống Trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2024. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nội dung cung cấp bản quyền cũng là động lực giúp mảng Viễn thông tiếp đà phát triển.
ABS nhận định thị trường băng thông rộng dần bão hòa, do đó việc FPT chủ động cập nhật, đón bắt nhu cầu phát triển AI, bigdata,... sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để phát triển hơn trong tương lai. Ngoài ra FPT cũng sẽ tập trung mở rộng các mô hình về nội dung số cho cộng đồng thông qua nền tảng xã hội trực tuyến và trực tiếp.
Với mảng Giáo dục , Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hóa và Khuôn viên đại học FPT tại Quy Nhơn cũng thuộc khoản chi phí cơ bản dở dang doanh nghiệp đang triển khai nhằm đầu tư mở rộng về chiều ngang và chiều sâu các cơ sở đào tạo, giáo dục mới, mở thêm các chuyên ngành đào tạo, phục vụ theo nhu cầu phát triển nhân sự trong lĩnh vực như Chip bán dẫn, Automotive, Game Design,...
Nhịp Sống Thị Trường