MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT Retail (FRT) ước đạt 200 tỷ đồng LNTT trong nửa đầu năm, cổ phiếu bật tăng mạnh

01-07-2019 - 08:39 AM | Doanh nghiệp

So với kế hoạch doanh thu thuần 17.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng năm nay, FPT Retail (FRT) đã thực hiện 44% doanh thu và 48% lợi nhuận.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) đạt doanh thu 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 1%, lợi nhuận tăng 9% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch doanh thu thuần 17.770 tỷ, lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng năm nay, Công ty đã thực hiện 44% doanh thu và 48% lợi nhuận. Mức tăng trưởng quý 2 đã cải thiện so với quý đầu năm (doanh thu tăng 3,43% và LNTT gần như đi ngang cùng kỳ).

Được biết, doanh số các dòng sản phẩm iPhone ra mắt tháng 9/2018 kém khả quan đã tác động đáng kể đến biên lợi nhuận Công ty kể từ nửa sau năm 2018. Chưa kể, với FRT phân phối độc quyền iPhone, nguồn tin từ AppleInsider cho biết thời gian thay mới sản phẩm iPhone đã được kéo dài từ 3 năm trong 2018 lên gần 4 năm trong 2019.

Bước sang quý 1/2019, FRT tập trung giải quyết hàng tồn kho iPhone và phụ kiện khiến biên lợi nhuận giảm (biên lợi nhuận gộp còn 11,9% và biên lợi nhuận thuần còn 1,6%), tuy nhiên giới phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ tăng trở lại trong các quý tiếp theo sau khi doanh nghiệp đã giải quyết xong bài toán tồn kho.

Thị trường điện thoại Việt Nam có quy mô 101.000 tỷ và tăng trưởng 1% trong năm 2018. Ghi nhận từ GFK, trong quý 1/2019 thị trường đạt quy mô 25.564 nghìn tỷ, giảm 7,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng chậm và thậm chí âm gần đây do tỷ lệ sở hữu smartphone ở Việt Nam đã ở mức cao và thiếu các xu hướng để thúc đẩy tăng trưởng (như xu hướng chuyển từ điện thoại phổ thông sang smartphone trong các năm 2012 – 2016), giới phân tích nhận định.

Năm 2019, FRT cũng như những đơn vị kinh doanh điện thoại khác phải đối mặt với thị trường mà tỷ lệ sở hữu điện thoại đã ở mức cao, nhu cầu mua điện thoại chủ yếu đến từ thay mới hơn là mua lần đầu. Tuy nhiên thời gian để người tiêu dùng thay điện thoại mới đang ngày càng dài hơn do các tính năng đã được khai thác hết khiến cho các điện thoại ngày càng tương đồng, giá các mẫu điện thoại mới tăng lên đáng kể so với các sản phẩm cũ cùng dòng trong khi tính năng không được nâng cấp tương xứng và ngân sách cho các sản phẩm công nghệ phải ngày càng phải chia cho nhiều sản phẩm hơn.

Theo quan điểm Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dù ngành bán lẻ điện thoại đang dần bão hòa nhưng tăng trưởng trong 2019 sẽ đến từ việc tiếp tục mở rộng chuỗi FPT Shop và các mảng phụ kiện, sim số, dịch vụ.

Trong đó, điện thoại gập và điện thoại 5G được kỳ vọng sẽ tạo ra xu thế mới cho ngành điện thoại. Các hãng điện thoại lớn như Samsung, Huawei, Xiaomi và thậm chí là cả Apple cũng đã tham gia vào cuộc đua sản xuất điện thoại gập. Tuy nhiên mức giá công bố ban đầu của các hãng cho điện thoại gập khá cao (Galaxy Fold 2.000 USD, Huawei Mate X 2.600 USD và Xiaomi 999 USD) nên khó có thể tạo ra một xu hướng trên diện rộng.

Song song, tăng trưởng trong 2020 đến từ việc ghi nhận đủ doanh thu cả năm cho các cửa hàng mở mới trong 2019 và mảng dược bớt lỗ. Riêng với mảng dược, chuỗi Long Châu sẽ cạnh tranh chủ yếu với các nhà thuốc lẻ, đặc biệt là khi chuỗi định hướng mở rộng về các tỉnh do hầu hết các chuỗi không mở đến thị trường tỉnh.

FRT cho biết Long Châu bán giá thấp hơn 20% so với thị trường. Tuy nhiên với việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp BVSC cho rằng doanh nghiệp khó có thể duy trì mức giá thấp như trên do biên lợi nhuận gộp mảng dược cũng khá mỏng (khoảng 10%) trong khi doanh nghiệp cần đạt mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp các chi phí phát sinh khi chuyển đổi mô hình như chi phí nhân viên, thuế TNDN…

Ưu thế của Long Châu phải kể đến danh mục sản phẩm, chuỗi hiện tập trung vào thuốc, đặc biệt là thuốc kê toa và thuốc điều trị để tăng doanh thu cửa hàng. Ghi nhận, Long Châu có số lượng SKUs vượt trội so với các nhà thuốc lẻ (6.500 so với 1.500) Lượng thuốc kê toa của Long Châu cao hơn gấp 6 – 7 lần các nhà thuốc bình thường. Thuốc kê toa đem lại doanh thu cao cho chuỗi do một đơn thuốc có thể có giá trị từ vài trăm đến vài triệu đồng, trong khi thuốc không kê toa thường là thuốc cơ bản có giá trị thấp không đem lại nhiều doanh thu. Thuốc kê toa chiếm 75% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước (Nguồn: BMI). Tại Long Châu, thuốc ngoại chiếm 80% doanh thu và thuốc nội chỉ chiếm 20%.

Trên thị trường, cổ phiếu FRT đang tăng trưởng trở lại, hiện giao dịch tại mức 64.000 đồng/cp. Mới đây, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã mua vào 52.650 cp, trước đó DC Developing Markets Strategies PLC cũng vừa tăng sở hữu lên hơn 18%.

FPT Retail (FRT) ước đạt 200 tỷ đồng LNTT trong nửa đầu năm, cổ phiếu bật tăng mạnh - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên