Frances Glessner Lee: Hành trình từ người thừa kế giàu có đam mê chơi búp bê đến 'mẹ đỡ đầu của ngành khoa học pháp y'
Frances Glessner Lee đã đưa khoa học pháp y ngành điều tra tội phạm lên một tầm cao mới bằng cách tái tạo hiện trường các vụ án bạo lực. Không chỉ vậy, bà còn trở thành nữ cảnh sát đầu tiên của nước Mỹ.
- 22-06-2023Bác sĩ tâm thần pháp y mô tả cảm giác hành khách bên trong tàu ngầm Titan đang phải trải qua
Khi đam mê bị giới hạn bởi thời đại
Frances Glessner Lee (1878-1962), người được mệnh danh là “mẹ đỡ đầu của khoa học pháp y”, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Chicago và do đó, bà được thừa kế khối tài sản khổng lồ từ cha mẹ mình.
Ngay từ thời thơ ấu, Lee và anh trai đã được các gia sư đến dạy tại nhà. Khi cả hai trưởng thành, Lee mong muốn được theo học ngành y. Tuy nhiên, cha của Lee không cho phép con gái tiếp tục học lên cao hơn, vì ở thời điểm đó, “một quý cô không đến trường” mới là quan điểm đúng đắn.
Khi mới tròn 19 tuổi, Lee kết hôn với một luật sư và họ có với nhau ba người con, nhưng cuộc hôn nhân này đã không đi đến cuối cùng vì cả hai quyết định ly hôn sau nhiều năm chung sống. Trong những năm 1930, sau khi ly hôn và ở tuổi 50, Lee được thừa kế tài sản của gia đình.
Hành trình theo đuổi giấc mơ
Khi còn trẻ, Lee rất thích những câu chuyện về Sherlock Holmes. Nhưng chính người bạn cùng lớp của anh trai cô ở Harvard, George Burgess Magrath, mới thực sự khơi dậy niềm đam mê của Lee trong việc điều tra hiện trường vụ án và pháp y.
Magrath khi đó đang nghiên cứu y học, anh thường kể cho Lee những câu chuyện về tội ác ngoài đời thực mà anh ấy đã hỗ trợ giải quyết. Điều này khơi dậy niềm đam mê của Lee với khoa học, hay cụ thể hơn là y học pháp y. Magrath sau đó trở thành giáo sư bệnh lý học tại Trường Y Harvard và là trưởng giám định y khoa ở Boston.
Trong tác phẩm Death in Diorama - tiểu sử của Frances Glessner Lee - có viết: “Qua tình bạn với Magrath, bà đã học được những thách thức khi điều tra nguyên nhân của cái chết bạo lực. Trên thực tế, các nhân viên điều tra thường không bắt buộc phải có bằng y khoa, trong khi cảnh sát lại không được đào tạo về cách thu thập và bảo quản bằng chứng y tế. Như vậy, nhiều kẻ giết người đã được thả tự do vì thiếu sót này.
Được truyền cảm hứng mạnh mẽ, Lee sau đó quyết định theo đuổi niềm đam mê của mình - điều tra pháp y. Năm 1931, Lee quyên góp 250.000 USD để thành lập Khoa Y học Pháp lý đầu tiên của đất nước tại trường đại học Harvard, và đề cử George Magrath làm chủ tịch.
Vì lĩnh vực pháp y thời kỳ này do nam giới đảm trách nên Lee phải tìm cách nổi bật giữa họ và chen chân vào lĩnh vực nhỏ.
Một ý tưởng độc đáo nhưng có phần đáng sợ nảy ra trong tâm trí bà: Tạo ra những bản sao nhỏ của hiện trường vụ án có thật để giúp các thám tử xem xét manh mối trong những vụ án kinh hoàng, những cái chết không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, việc xây dựng hiện trường vụ án này không được tiến hành trên người thật, mà được Lee thực hiện trên những ngôi nhà búp bê. Làm mô hình thu nhỏ vốn là sở thích phổ biến của những phụ nữ giàu có. Vì vậy, Lee đã lấy những gì bà biết và bắt tay vào làm.
Trong suốt những năm 1930 và 1940, Lee đã sử dụng các vụ án thực tế của cảnh sát và tái tạo lại hiện trường vụ án rùng rợn dưới dạng mô hình thu nhỏ. Các chi tiết trong tác phẩm của Lee đều rất đáng chú ý - mọi thứ từ vị trí của các thi thể đang thối rữa cho đến vết máu đỏ đậm trên giấy dán tường có hoa văn.
Loạt mô hình mô phỏng này được gọi là Nghiên cứu về cái chết không giải thích được (The Nutshell Studies of Unexplained Death), và Lee đã tạo ra tổng cộng 19 mô hình như vậy. Những mô hình này về sau còn được sử dụng để đào tạo các nhà điều tra, giúp họ có thể “kết án kẻ có tội, tuyên trắng án cho người vô tội và tìm ra sự thật một cách ngắn gọn”.
Lee biết rằng để được coi trọng, những “hiện trường vụ án” của bà không những cần được chế tạo theo một cách tỉ mỉ, mà còn phải xác định chính xác về mặt khoa học. Bà mua đầu và các bộ phận búp bê làm bằng sứ, nhưng luôn đảm bảo hình dáng của chúng đúng với cấu tạo sinh học của cơ thể người.
Ariel O'Connor, nhà bảo quản của Smithsonian, cho biết: “Bạn không thể mua một con búp bê bị co cứng tử thi”. Trong loạt mô phỏng của mình, Lee đã tái hiện lại những vụ án với sự chi tiết đến ngỡ ngàng: Một người phụ nữ đang treo cổ ở tư thế cổ cứng bất thường - dấu hiệu cho thấy cô có thể đã chết trước khi bị treo cổ, những con búp bê có màu nhợt nhạt trong khi một số bộ phận cơ thể có màu đỏ tía - bằng chứng gợi ý liệu thi thể đã được di chuyển hay chưa.
Trong công việc, Lee khó tính đến mức bị ám ảnh. Một tác phẩm thuốc bộ tư liệu mô phỏng của bà có tựa đề “Saloon and Jail”, đã mô tả một người đàn ông nằm úp mặt trên đường phố. Những mảnh vụn vương vãi trên vỉa hè: Những điếu thuốc lá thu nhỏ, vỏ chuối, những mảnh giấy vụn vẽ khuôn mặt của ai đó. Mặt tiền cửa hàng ở phía sau trưng bày các tờ báo và tạp chí có bìa thật kể từ ngày người đàn ông qua đời. Một thùng kẹo mút nhỏ xíu đầy màu sắc nằm dưới các tạp chí, mỗi viên kẹo được gói riêng trong giấy bóng kính. Tất cả các chi tiết đều được chế tạo đến mức không thể tỉ mỉ hơn.
Lee bắt đầu làm việc với Cảnh sát bang New Hampshire. Năm 1943, bà được bổ nhiệm làm đội trưởng, trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ giữ chức vụ này.
Di sản để lại của "Mẹ đỡ đầu ngành khoa học pháp y"
Thông qua các mô hình mà Lee tạo ra, được tặng cho Harvard vào năm 1945, sinh viên ở đó có thể học cách thu thập hiện trường vụ án một cách hiệu quả để khám phá và phân tích bằng chứng. Thông qua những phát hiện của mình, họ có thể xác định xem liệu hiện trường là kết quả của một vụ giết người hay tự sát, chết do nguyên nhân tự nhiên hay tai nạn.
Lee qua đời năm 1962, thọ 84 tuổi. Vài năm sau khi bà qua đời, Khoa y học pháp lý của Harvard đã bị giải thể và các bức tranh thuộc tác phẩm Nutshell của Lee sau đó được chuyển đến Văn phòng Giám định Y khoa Maryland.
Ở đó, những bức tranh vẫn tồn tại và tiếp tục được sử dụng làm công cụ đào tạo trong các cuộc hội thảo pháp y, thu hút hơn 100.000 lượt khách tham quan.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu ngắn gọn về những cái chết không giải thích được của bà cũng truyền cảm hứng cho các chương trình truyền hình, chẳng hạn như “CSI: Crime Scene Investigation” (CSI: Điều tra hiện trường vụ án).
Di sản của Lee vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Phụ nữ Việt Nam