MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G7 áp giá trần với dầu Nga, hỗn loạn trên thị trường dầu chưa chấm dứt

22-09-2022 - 07:12 AM | Thị trường

G7 áp giá trần với dầu Nga, hỗn loạn trên thị trường dầu chưa chấm dứt

Chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, mức sản lượng của Mỹ và OPEC+, giá dầu thời gian tới sẽ tiếp tục biến động, có thể trong khoảng 68-122 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu đã giảm về mức như trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, dầu thô có khả năng vẫn biến động do những yếu tố nền tảng của thị trường.

Mới đây, các nhà lãnh đạo nhóm G7 gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada cùng Liên minh châu Âu đã đề xuất áp giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm làm giảm nguồn thu từ dầu của nước này. Tuy nhiên, với việc nguồn cung ngoài OPEC đang suy giảm và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại khắp châu Âu, giá dầu sẽ tiếp tục biến động.

G7 áp giá trần với dầu Nga, hỗn loạn trên thị trường dầu chưa chấm dứt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

G7 đề xuất đặt giới hạn đối với dầu Nga, dự kiến thiết lập mức giá khoảng 40-60 USD/thùng. Biện pháp chưa từng có tiền lệ này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, sẽ làm giảm nguồn thu từ dầu của Nga mà không làm giảm xuất khẩu của nước này ra thị trường toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác sẽ không ủng hộ áp trần giá dầu Nga và do đó kế hoạch áp giá trần sẽ không có hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. Thực tế, sau lệnh cấm vận dầu Nga của phương Tây, Nga vẫn duy trì nguồn thu từ dầu mỏ bằng cách tăng lượng bán cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Dù đúng là nhiều quốc gia có thể sẽ không áp giá trần lên dầu Nga nhưng điều này không khiến kế hoạch của G7 dừng lại.

The Economic Times cho rằng việc áp giá trần đối với dầu Nga có thể làm giảm giá dầu trên toàn cầu trong dài hạn, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những tháng tới.

Về phía Nga, nước này tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối với những nước thực thi giới hạn giá đối với dầu Nga. Họ có thể ngừng chuyển các lô hàng dầu đến các nước đó hoặc sử dụng một số cách sáng tạo để trừng phạt các nước tham gia.

Mặc dù vậy, nhưng cần phải lưu ý rằng xuất khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa tổng ngân sách chính phủ Nga trong hầu hết các năm.

Với nguồn thu từ khí đốt tự nhiên của Nga giảm đáng kể, chính quyền Moscow dù muốn cũng không thể đóng cửa các mỏ dầu trong bối cảnh kinh tế đang lao đao vì chi phí phải dành cho chiến tranh ngày càng cao.

Hơn nữa, các nước phương Tây mua dầu Nga sẽ khó mà chịu thiệt. Thị trường dầu mỏ chưa bao giờ thực sự mang tính toàn cầu và luôn có sự khác biệt về số tiền mà các quốc gia chi cho các loại dầu khác nhau từ các nguồn khác nhau. Dù có một số nước sẵn sàng trả một vài USD cao hơn giá trần để mua dầu Nga nhưng điều này đó sẽ không phá hỏng kế hoạch của G7.

Cựu Đặc phái viên Mỹ về Năng lượng Á- Âu Richard Morningstar nhận định với Foreign Policy: “Lúc đầu, tôi hoài nghi về việc áp giá trần nhưng lúc này, tôi thấy rằng thực sự kế hoạch của G7 không có điểm yếu nào cả”.

Trong khi đó, theo báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC, các nhà sản xuất dầu dự báo nhu cầu về dầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm sau khi những dấu hiệu phục hồi vượt dự báo ở các nền kinh tế lớn bất chấp lạm phát tăng. Giá năng lượng cao cùng với các biện pháp hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc đã làm giảm lượng tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa đầu năm nay.

Ngược lại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại cho rằng giá dầu thô sẽ thấp hơn trong quý IV năm nay. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu sẽ sụt giảm do kinh tế đang suy thoái và nhu cầu khiêm tốn ở Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước OPEC+, bao gồm Nga, đã tăng sản lượng dầu kể từ đầu năm nay. Trước đó, các nhà sản xuất dầu đã giảm sản lượng xuống mức kỷ lục khi đại dịch làm giảm nhu cầu.

G7 áp giá trần với dầu Nga, hỗn loạn trên thị trường dầu chưa chấm dứt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn để kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính sang châu Âu (Nord Stream 1) nhằm thúc ép lục địa này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Giá khí đốt cao đã thúc đẩy các nước châu Âu chuyển sang sử dụng dầu cho các hoạt động sưởi ấm.

Hồi tháng 3, giá dầu đã lập kỷ lục cao nhất trong 14 năm khi đạt mốc 130 USD/thùng khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Đe dọa cấm vận dầu Nga của phương Tây đã làm thị trường chao đảo bởi Nga đóng vai trò rất lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm xuống khi Nga bắt đầu tăng dần sản lượng bất chấp lệnh trừng phạt.

Trong thời gian tới, giá dầu sẽ tiếp tục biến động, có thể trong khoảng 68-122 USD/thùng. Và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, mức sản lượng của Mỹ và OPEC+ vẫn sẽ là những yếu tố tác động chính.

Tham khảo: The Economics Times

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên