MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G7 đạt thoả thuận cụ thể về việc loại bỏ than đá

28-05-2022 - 18:28 PM | Tài chính quốc tế

G7 đạt thoả thuận cụ thể về việc loại bỏ than đá

Các Bộ trưởng Môi trường nhóm nước phát triển G7 nhóm họp tại Đức vừa ra thông báo đạt được các thảo thuận cụ thể về lộ trình loại bỏ than đá, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo thông tin từ báo chí Đức, trong cuộc họp sáng ngày 27/5 theo giờ địa phương tại thủ đô Berlin, nhóm các nước G7 đã thống nhất được các biện pháp và lộ trình cụ thể về việc loại bỏ than đá từ nay đến năm 2030, xây dựng hệ thống điện không carbon vào năm 2035, đồng thời mở rộng việc sản xuất năng lượng tái tạo. Đây là thoả thuận đáng chú ý bởi là lần đầu tiên nhóm nước G7 đưa ra một cam kết cụ thể về việc sớm chấm dứt sử dụng than đá.

Diễn ra từ ngày 25 - 27/5 tại thủ đô Berlin, cuộc họp của các Bộ trưởng G7 về năng lượng, khí hậu và môi trường đặt mục tiêu thu hút lại sự quan tâm của công chúng, tái thúc đẩy các chương trình nghị sự về chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong bối cảnh các mục tiêu về khí hậu đưa ra tại Hội nghị COP26 vào cuối năm 2021 tại Scotland đang bị lu mờ bởi các biến động địa chính trị phát sinh từ cuộc chiến tại Ukraine.

Từ sau khi cuộc chiến nổ ra cách đây 3 tháng, giá dầu mỏ đã tăng rất cao, buộc nhiều nước phải gấp rút mua tích trữ. Ngoài ra, sự đối đầu gay gắt giữa Nga với phương Tây cũng khiến một số nước châu Âu phải tìm giải pháp thay thế cho nguồn dầu mỏ nhập từ Nga bằng cách gia tăng việc sử dụng than đá, loại nhiêu liệu gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Điều này khiến nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo thế giới sẽ ngày càng chậm chân hơn trong việc đạt được các mục tiêu về giảm khí phát thải.

Cũng trong sáng ngày 27/5, Bộ trưởng Kinh tế và hành động khí hậu Đức Robert Habeck và đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, John Kerry đã ký Tuyên bố chung Đức - Mỹ về Đối tác năng lượng và khí hậu. Theo tuyên bố, hai nước Đức và Mỹ thống nhất đẩy mạnh hợp tác xây dựng các thế hệ năng lượng điện gió ngoài khơi, đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi nước có thêm 30 GW điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Đức - Mỹ cũng đạt thoả thuận về hợp tác sử dụng khí hydrogen trong sản xuất công nghiệp. Đây được xem là chiến lược để Đức thoát dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, đối tác năng lượng lớn nhất của nước này.

Trước đó, trong phiên họp chiều qua, ngày 26/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cho biết, trong vài ngày tới EU sẽ phải đạt được sự đồng thuận về việc cấm vận dầu mỏ của Nga hoặc phải tìm một phương án khác, trong bối cảnh Hungary vẫn đang phản đối biện pháp này.

“Điều quan trọng là châu Âu phải duy trì sự đoàn kết. Tất cả các nước châu Âu đều phải nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, kể cả Hungary. Tuy nhiên, nếu vẫn gắn các chủ đề khác vào việc cấm vận dầu mỏ thì các cuộc thảo luận sẽ rất khó khăn. Hiện chúng tôi vẫn đang thảo luận và 5 ngày tới sẽ là khoảng thời gian mà EU hoặc phải đạt được một thoả thuận hoặc phải tính đến các phương án khác”./.

Theo Quang Dũng

VOV

Trở lên trên