G7 quyết áp giá trần đối với dầu Nga, chuyên gia nói luôn: ‘Họ tự bắn vào chân mình’
“Tất cả những gì xảy ra là dòng chảy của dầu Nga được vẽ lại và nó làm khó cho tất cả mọi người. Đó chính xác là những gì đang xảy ra”, vị chuyên gia nói.
- 17-10-2022Nguồn thu từ dầu thô của Nga sụt xuống thấp nhất năm
- 16-10-2022Phương Tây muốn ép Nga bán dầu ở mức giá nào?
- 13-10-2022Thêm một quốc gia nhiệt tình mua dầu chiết khấu cao của Nga - chuyên gia dự báo: 'Chẳng có lý do gì để các quốc gia mới nổi từ chối dầu Nga'
Nga có thể đã tiếp cận đủ tàu chở dầu để tránh khỏi quyết định áp giá trần của G7, khiến các lỗ lực nhằm hạn chế doanh thu của quốc gia này từ phương Tây trở thành vô nghĩa, Reuters dẫn lời một công ty trong ngành dầu mỏ và một quan chức giấu tên của Mỹ.
G7 hồi tháng trước đã đạt thoả thuận áp giá trần đối với dầu thô của Nga, thực thi từ ngày 5/12 nhưng vẫn vấp phải sự phản đối từ chính các công ty trong ngành dầu mỏ toàn cầu. Họ lo ngại động thái này có thể làm tê liệt hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Nhiều tháng thảo luận giữa Mỹ và các công ty bảo hiểm, thương mại và vận tải biển đã xoa dịu những lo ngại về việc họ phải chịu các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các bên giờ đây đều nhận ra Nga có thể thực hiện các kế hoạch bán dầu bằng các tàu và dịch vụ của riêng họ.
Các dự báo về khả năng phục hồi của thương mại dầu mỏ Nga và các cuộc thảo luận giữa Washington và ngành dầu mỏ đã không được công bố trước đây.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói với Reuters rằng ước tính 80-90% lượng dầu của Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi cơ chế áp giá trần này. Với kịch bản đó, chỉ có 1-2 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga có thể không xuất đi được.
Trong tháng 9, Nga đã xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày.
Mỹ biết được một số tàu đã thay đổi quốc gia xuất xứ và nhiều đối tác thương mại khác đã tự tách ra khỏi tầm kiểm soát của G7 để “lách” các lệnh trừng phạt, quan chức này cho biết thêm.
Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng mua dầu Nga với mức chiết khấu mạnh trong những tháng gần đây. Họ không tán thành việc áp giá trần với dầu Nga, mặc dù Mỹ cho rằng điều này mang lại lợi ích kinh tế khi 2 quốc gia này có thể mua dầu Nga với giá thấp hơn nữa. Ấn Độ tuần trước cho biết đang “xem xét” các kế hoạch.
Những người kỳ cựu trong lĩnh vực chính sách và công nghiệp đã nhìn thấy những giới hạn của một kế hoạch mà thoạt đầu dường như có thể hạn chế toàn bộ hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga.
“Có một đội tàu đủ lớn đang vận hành để tiếp tục duy trì dòng chảy dầu Nga sau ngày 5/12”, Andrea Olivi – người đứng đầu mảng vận tải hàng hoá ướt tại công ty vận tải hàng hoá khổng lồ Trafigura nói với Reuters.
“Những con tàu này có thể tự bảo hiểm hoặc được P&L của Nga bảo hiểm”, ông đề cập đến vấn đề bảo hiểm.
JP Morgan ước tính xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày trong tháng 12, so với tháng 9. Julius Baer, trưởng bộ phận kinh tế và nghiên cứu của ngân hàng này khẳng định không chỉ tàu mà các dịch vụ cần thiết khác cũng đã sẵn sàng. “các thương nhân kinh doanh dầu mỏ của Nga không còn ở Thuỵ Sĩ, Geneva hay London nữa, họ đã sang Trung Đông”.
Daniel Ahn, cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quốc gia trừng phạt Nga đã đánh giá quá cao khả năng kiểm soát của họ đối với hoạt động thương mại dầu mỏ toàn cầu.
“Tất cả những gì chính sách này (áp trần giá dầu Nga) tạo được là định tuyến lại dòng chảy của dầu Nga và nó gây khó khăn cho cuộc sống của tất cả mọi người. Đó cũng là những gì đang xảy ra hiện tại”, Ahn, một thành viên tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson cho biết.
“Nó sẽ tạo ra ít tác động hơn so với một lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn bằng đường biển. Họ tự bắn vào chân mình và giờ đang cố gắng băng bó lại vết thương đó”.
Nhịp sống thị trường