"Gã điên" giàu nhất Nhật Bản và ván bài 100 tỷ USD làm thay đổi bức tranh công nghệ thế giới
Dù thành công hay thất bại thì quỹ 100 tỷ USD Vision Fund của tỷ phú Nhật Bản vẫn đang khiến bức tranh làng công nghệ phải thay đổi.
- 01-10-2017Tỷ phú ‘liều ăn nhiều’ Masayoshi Son nay còn ‘liều’ hơn: Thành lập công ty quản lý tài sản trị giá 300 tỷ USD, quyết biến Softbank thành đế chế tài chính khổng lồ
- 11-07-2017Cả Steve Jobs lẫn Masayoshi Son đều phải tìm tới vị tiền bối đáng kính này để xin lời khuyên mà bất kỳ ai làm doanh nhân cũng nên biết
- 30-05-2017Cuộc gọi vốn 250 triệu đô kỳ lạ không hợp đồng, điều khoản, chỉ bắt tay giữa CEO Grab và tỷ phú Masayoshi Son
- 15-05-2014Masayoshi Son: Liều ăn nhiều!
Cách đây 2 năm, nếu như bạn yêu cầu các chuyên gia xác định ai là người có ảnh hưởng mạnh nhất đối với làng công nghệ thế giới, câu trả lời sẽ là những cái tên quen thuộc: Jeff Bezos của Amazon, Jack Ma của Alibaba hay Mark Zuckerberg của Facebook. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có 1 cái tên khá mới: Masayoshi Son. Nhà sáng lập của SoftBank, tập đoàn viễn thông và internet đến từ Nhật Bản, đã lập ra 1 quỹ đầu tư khổng lồ và bận rộn thâu tóm cổ phần ở những công ty non trẻ nhưng thú vị nhất trên toàn thế giới. Có quy mô lên đến 100 tỷ USD, quỹ Vision Fund của tỷ phú Nhật Bản đang khiến bức tranh làng công nghệ phải thay đổi.
Vision Fund ra đời từ sự hợp tác khá kỳ lạ được hình thành năm 2016 giữa Son và Muhammad bin Salman. Vị Thái tử đầy tham vọng của Saudi Arabia đã trao cho Son 45 tỷ USD như một phần trong kế hoạch đa hoạch hóa nền kinh tế vương quốc. Khoản tiền hậu hĩnh này tiếp tục giúp Son thu hút được thêm vốn từ nhiều nhà đầu tư khác – trong đó có Abu Dhabi, Apple và một số cái tên khác.
Cộng thêm 28 tỷ USD sẵn có của SoftBank, Son có trong tay "hòm châu báu" lên tới 100 tỷ USD. Đây là 1 con số khổng lồ khi so sánh với 64 tỷ USD mà tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu huy động được trong năm 2016. Số tiền này cũng gấp 4 lần so với quy mô của quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private-equity fund) lớn nhất từ trước đến nay. Vision Fund được mệnh danh là "nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới".
Quyền lực của Vision Fund
Không phải lúc nào quyền lực cũng đồng nghĩa với thành công. Có rất nhiều lý do để hoài nghi về Vision Fund. Sau khi trải qua thời kỳ giá lên kéo dài, giá trị của các công ty công nghệ đang ở mức rất cao và đứng trước nhiều áp lực. Bên cạnh đó Son thường tự mình đưa ra hầu hết các quyết định đầu tư. Ông đã có một số thương vụ thành công rực rỡ mà điển hình là khoản đầu tư sớm vào Alibaba. Tuy nhiên, Son cũng là người đã đánh mất nhiều tiền hơn bất kỳ ai trong thời kỳ bong bóng dotcom.
Triết lý theo đuổi những gì độc nhất, phi thường có thể giúp Son có được tầm nhìn xuất sắc nhưng cũng không loại trừ trường hợp đó chỉ là sự lập dị tầm thường. Tiền đổ vào Vision rất nhanh và cũng ra đi nhanh tương tự. Quỹ này đã chi ra khoảng 30 tỷ USD – gần bằng tổng số tiền 33 tỷ USD mà toàn bộ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ huy động được trong năm 2017. Và bởi vì khoảng một nửa nguồn vốn của Vision là dưới dạng nợ, nó phải chịu áp lực trả lãi khá lớn. Những đặc điểm nói trên kết hợp lại có thể gây ra 1 thảm họa tài chính. Thậm chí Vision Fund có thể trở thành biểu tượng cho thời kỳ ngành công nghệ bùng nổ và đạt đỉnh.
Dẫu vậy, kể cả khi Vision Fund phải chịu kết cục không hay, những tác động của nó tới môi trường đầu tư công nghệ vẫn tồn tại và sẽ không biến mất ngay lập tức.
Đầu tiên là số tiền mặt khổng lồ từ Vision sẽ định hình các ngành trong tương lai. Son đang bơm tiền vào những công nghệ tiên phong, từ robot đến Internet vạn vật. Ông sở hữu cổ phần ở các công ty chia sẻ xe như Uber, công ty chia sẻ không gian làm việc chung như WeWork hay Flipkart – công ty thương mại điện tử của Ấn Độ vừa được bán cho Walmart. Trong 5 năm tới, Vision có kế hoạch đầu tư vào 70 – 100 kỳ lân công nghệ (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên). Tiền thường được trao cho các doanh nhân trẻ với số lượng lớn gấp nhiều lần số tiền họ yêu cầu ban đầu, kèm theo điều kiện tiền sẽ được chuyển sang cho đối thủ nếu họ thất bại.
Tác động thứ hai nằm ở thị trường vốn đầu tư mạo hiểm. Để cạnh tranh với tiềm lực tài chính hùng mạnh của Vision và với một loạt các nhà đầu tư phi truyền thống khác, các vườn ươm khởi nghiệp đang phải hợp sức lại với nhau và ráo riết tìm nguồn vốn. Sequoia Capital, một trong những cái tên nổi tiếng nhất ở phố Wall, đang ở trong vòng huy động vốn lớn nhất từ trước đến nay để đáp trả.
Son cũng mang vốn đến những nơi đang khát vốn nhưng ít được đầu tư hơn như Ấn Độ, Đông Nam Á và một vài nước châu Âu. Vision Fund đã lập kỷ lục khi đầu tư gần 500 triệu USD vào Improbable là 1 công ty phát triển công nghệ thực tế ảo của Anh và vụ rót 565 triệu USD vào công ty môi giới xe trực tuyến Auto1, đây là một trong những vụ đầu tư lớn nhất nước Đức trong mấy năm trở lại đây. Thay vì chờ đợi các nhà sáng lập tới California thuyết phục mình, các nhà đầu tư phải chịu áp lực lớn hơn trong việc tìm kiếm cơ hội.
Sự bành trướng vô tiền khoáng hậu của Vision Fund trên tất cả các quốc gia và ngành dẫn đến tác động thứ ba. Son từng chia sẻ ông muốn tạo ra một "thung lũng Silicon ảo ở SoftBank", có nghĩa là 1 nền tảng mà trong đó các startup kỳ lân có thể trao đổi kinh nghiệm cũng như mua bán hàng hóa và dịch vụ của nhau, thậm chí thành lập các liên minh.
Ý tưởng về 1 danh mục các công ty như vậy cũng tương tự với mô hình vốn cổ phần tư nhân, nhưng ở Vision có sự phóng khoáng tuyệt đối. Ví dụ, Son đang phải cố gắng hết sức để cân đối các khoản đầu tư vào lĩnh vực đi chung xe để các công ty không đốt quá nhiều tiền mặt khi cạnh tranh với nhau. Ông hối thúc Uber bán mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab và cũng đang thúc giục Uber hợp tác với Ola ở Ấn Độ.
Liệu mô hình của Vision Fund có tốt cho người tiêu dùng và sự sáng tạo? Rõ ràng là dự án của Son rất có sức hút và đã làm đảo lộn giới đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon. Nó cũng làm gia tăng sự cạnh tranh với các ông lớn công nghệ hiện nay, trao cho các nhà sáng lập startup 1 phương án thay thế cho việc bị Google, Facebook và Amazon thâu tóm. Ở Trung Quốc, Vision cũng có thể làm điều tương tự khi một nửa số startup kỳ lân ở đây đang được hậu thuẫn bởi Baidu, Alibaba, Tencent hoặc JD.com.
Quy mô khổng lồ của Vision có thể khiến chi phí trung bình để vận hành 1 startup tăng lên. Những công ty non trẻ nhận được khoản tiền mặt lớn thường chi số tiền đó vào công đoạn bán hàng và marketing, tạo áp lực buộc các công ty khác phải chi mạnh tay để có thể thu hút được khách hàng. Nhận được hàng trăm triệu USD, 1 startup sẽ dễ dàng vượt qua đối thủ, khiến thị trường bị bóp méo.
Sẽ phải mất ít nhất là vài năm nữa để có được 1 đánh giá chính xác về Vision, nhưng có 1 sự thực không thể chối cãi: vận mệnh của rất nhiều startup và những sự lựa chọn mà người tiêu dùng có thể tận hưởng trong tương lai sẽ được quyết định ít nhiều bởi những cú đặt cược của ngài Son hôm nay.