MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực tế nghiệt ngã của một vùng lãnh thổ Mỹ trong 'trận chiến đơn độc' xoay trục khỏi Trung Quốc

29-03-2024 - 08:05 AM | Tài chính quốc tế

Để phù hợp hơn với lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Quốc, Thống đốc Quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 27/3 đưa tin, Arnold Palacios - Thống đốc Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ - trong chuyến thăm thủ đô Washington gần đây - đã đưa ra quan điểm xoay trục khỏi Trung Quốc bằng những ngôn từ buồn bã, nhấn mạnh thời kỳ kinh tế tồi tệ mà ông đang cố gắng giải quyết ở quê nhà.

"Nghiêm túc mà nói... đó là sự cô đơn biết bao trong suốt 9 đến 10 tháng qua", Thống đốc Palacios nói.

Ông Palacios nhậm chức vào năm ngoái, quản lý vùng lãnh thổ thuộc Mỹ bao gồm 14 hòn đảo có chung đường biên giới trên biển với Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương. Saipan - hòn đảo chính trong quần đảo - nằm cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 2.700km về phía đông.

Thực tế nghiệt ngã của một vùng lãnh thổ Mỹ trong 'trận chiến đơn độc' xoay trục khỏi Trung Quốc- Ảnh 1.

Vị trí của Quần đảo Bắc Mariana trên bản đồ.

Xoay trục khỏi Trung Quốc

Theo SCMP, mặc dù Quần đảo Bắc Mariana có dân số dưới 50.000 người nhưng đây là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ có vai trò quan trọng đối với thế trận phòng thủ chiến lược của Washington khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Quần đảo này cũng là lãnh thổ duy nhất do Mỹ quản lý cho phép công dân Trung Quốc nhập cảnh mà không cần thị thực trong tối đa 14 ngày. Chính sách này được đưa ra vào năm 2005 nhằm thúc đẩy kinh tế dựa vào du lịch.

Nhưng căng thẳng trong mối quan hệ Trung-Mỹ có thể khiến chính sách miễn thị thực kết thúc sớm nhất vào tháng 9 tới và được thay thế bằng việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với du khách Trung Quốc nhập cảnh.

Để phù hợp hơn với lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Quốc, Thống đốc Palacios đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của Quần đảo Bắc Mariana vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, theo SCMP, những nỗ lực nhằm xoay trục khỏi Bắc Kinh sau nhiều thập kỷ có quan hệ kinh tế sâu sắc cho thấy những thách thức mà vùng lãnh thổ này phải đối mặt.

Quần đảo Bắc Mariana bắt đầu thiết lập quan hệ với Bắc Kinh khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thành lập các nhà máy may mặc, đưa công nhân đến và triển khai các hoạt động kinh tế tại đây.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, ngành may mặc của Quần đảo Bắc Mariana đã sụp đổ do việc gia nhập WTO giúp cho ngành may mặc Trung Quốc được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo SCMP, việc này sau đó đã thúc đẩy Quần đảo Bắc Mariana chuyển hướng sang du lịch Trung Quốc và các khoản đầu tư liên quan mà ban đầu được chứng minh là "một loại thuốc chữa bách bệnh".

Trước đại dịch COVID-19, công dân Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng số du khách đến Quần đảo Bắc Mariana, đến đây trên nhiều chuyến bay thẳng hàng tuần và mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế địa phương. Theo chính quyền địa phương, vào tháng trước, hơn 1.500 du khách từ Trung Quốc đã đến Quần đảo Bắc Mariana so với con số chỉ 73 người vào tháng 2 năm ngoái.

Mặc dù khách du lịch Trung Quốc hiện đang dần quay trở lại quần đảo này sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau đại dịch COVID-19, chính quyền Quần đảo Bắc Mariana vẫn quyết tâm tìm kiếm nguồn khách nơi khác.

Thống đốc Palacios đã tới Đài Loan và Nhật Bản để tìm kiếm nguồn khách. Nhưng những nỗ lực của ông vẫn chưa thu hút được du khách hoặc đầu tư từ những nơi mà ông gọi là "đồng minh khu vực".

Theo SCMP, chính quyền Quần đảo Bắc Mariana cũng đã có hành động chống lại một số sòng bạc và khách sạn được các nhà đầu tư Trung Quốc hậu thuẫn với các cáo buộc bao gồm lạm dụng chính sách miễn thị thực, chưa thanh toán phí giấy phép, vi phạm lao động, trễ thời hạn xây dựng và ở gần cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ một cách bất hợp pháp.

Các sòng bạc là điểm thu hút chính đối với du khách Trung Quốc, nhưng kể từ năm 2021, Trung Quốc đã thắt chặt các quy định chống đánh bạc ở nước ngoài. Tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo công dân nước này "tránh xa" các sòng bạc ở nước ngoài.

Thực tế nghiệt ngã của một vùng lãnh thổ Mỹ trong 'trận chiến đơn độc' xoay trục khỏi Trung Quốc- Ảnh 2.

Sòng bạc Imperial Pacific Resort thuộc sở hữu của một doanh nghiệp tại Hồng Kông (Trung Quốc) - được chụp trong quá trình xây dựng ở Saipan năm 2017 - có thể bị thu hồi giấy phép. Ảnh: Imperial Pacific

Theo SCMP, những động thái này làm trầm trọng thêm một thực tế nghiệt ngã mà Thống đốc Palacios đang phải đối mặt: Kho bạc của chính quyền Đảo Bắc Mariana gần như cạn kiệt, khiến các nhà lập pháp địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp phản đối lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc.

Năm ngoái, khi chính quyền đảo Saipan chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với một công ty kinh doanh sòng bạc có trụ sở tại Ma Cao (Trung Quốc), một quan chức cấp cao địa phương đã gọi đây là "nạn nhân của các yếu tố địa chính trị".

Ngoài ra, sự thiếu hụt doanh thu đã khiến Quần đảo Bắc Mariana không thể chi trả đầy đủ cho các hoạt động hành chính trong năm tài chính 2023 và 2024.

'Trận chiến đơn độc'

Theo SCMP, Thống đốc Palacios đã yêu cầu Washington tài trợ để tăng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và thêm quần đảo này vào danh sách các điểm đến được trợ giá vé máy bay nhằm tránh "ảnh hưởng độc hại" từ Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Washington gần đây, Thống đốc Palacios đã gặp gỡ các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, đồng thời có bài phát biểu tại một sự kiện liên cơ quan do Bộ Nội vụ Mỹ tổ chức.

Ông lập luận rằng sự ổn định kinh tế và xã hội của Quần đảo Bắc Mariana "gắn liền trực tiếp với an ninh quốc gia [Mỹ] và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Thực tế nghiệt ngã của một vùng lãnh thổ Mỹ trong 'trận chiến đơn độc' xoay trục khỏi Trung Quốc- Ảnh 4.

Arnold Palacios trở thành Thống đốc Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana vào tháng 1/2023. Ảnh: Handout

Trích dẫn tầm quan trọng ngày càng tăng của vùng lãnh thổ này đối với các chính sách quốc phòng của Mỹ trong khu vực, ông Palacios năm ngoái đã viết thư cho Đô đốc John Aquilino - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, yêu cầu hỗ trợ tài chính.

Và tháng trước, người đứng đầu cơ quan quản lý cảng Saipan đã phê duyệt một "đường cao tốc hàng hải" từ Bắc Mariana đến các đảo khác nhau ở Thái Bình Dương, nhằm đóng một vai trò hữu ích hơn cho quân đội Mỹ và tạo ra một thị trường ổn định mới để phục hồi kinh tế.

Theo SCMP, bất chấp những lời kêu gọi phối hợp hành động, Washington vẫn chưa đưa ra bất kỳ khoản viện trợ lớn nào.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thống đốc Palacios bày tỏ sự thất vọng khi tiến hành điều mà ông mô tả là một trận chiến đơn độc.

Áp lực là không ngừng, và "hàng tuần, hai lần một tuần, có những bài xã luận, có người nói, 'nếu chúng ta có du khách Trung Quốc quay trở lại, liệu chúng ta có rơi vào tình trạng này không? Tại sao Thống đốc lại đảm nhận vị trí này?'", ông nói.

Để minh họa cho sự cảnh giác của mình đối với Bắc Kinh, Thống đốc Palacios trích dẫn một trường hợp xảy ra vào năm ngoái khi hơn 20 công dân Trung Quốc bị bắt vì nhập cảnh vào Mỹ qua Quần đảo Bắc Mariana và đi trái phép đến Guam bằng thuyền.

"Đó là nơi đặt căn cứ Không quân Andersen", ông nói, đề cập đến căn cứ quân sự của Mỹ nằm trên đảo Guam. "Có lý do để lo lắng."

Liu Pengyu - phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington - bác bỏ những lo ngại của Thống đốc Palacios là "bịa đặt có mục đích xấu mà không có bất kỳ bằng chứng nào".

Liu cho rằng "việc từ chối du khách Trung Quốc cũng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ", đồng thời cho rằng số lượng du khách Trung Quốc ra nước ngoài dự kiến sẽ đạt 130 triệu người vào năm 2024.


Theo Hữu Hiển

Đời sống và Pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên