MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gà rớt giá, càng nuôi càng lỗ

09-08-2016 - 17:40 PM | Thị trường

Bù giá từ trái thanh long sang đàn gia cầm, đó là cách mà rất nhiều người chăn nuôi phải chấp nhận trong thời điểm hiện tại “gà ăn thanh long”.

Mới đầu nghe tưởng chừng vô lý nhưng đó là thực trạng đang diễn ra tại các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Thực tế, vài tháng gần đây, chăn nuôi trở thành nỗi ám ảnh mà bao gia đình sống dở, chết dở với đàn gà hàng ngàn con đang thời kỳ xuất chuồng hoặc đẻ trứng.

Sáng 9-8, có mặt tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, một trong những xã có tổng đàn gà lớn nhất trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng này là có thật. Trước đây, xã Phú Ngãi Trị chăn nuôi gà với tổng đàn bình quân trên 400 ngàn con, đợt cao điểm có thể lên đến 600.000-650.000 con nhưng hiện nay số lượng đã giảm mạnh chỉ còn từ 150.000 – 200.000 con.

Anh Nguyễn Thành Nhân (40 tuổi), ngụ ấp Bình Trị 1 xã Phú Ngãi Trị, ngậm ngùi: “gia đình mình sống bằng nghề chăn nuôi gà đã 15 năm, lúc cao điểm có đến 10.000 con. Mấy tháng trở lại đây, giá gà giảm mạnh, đặc biệt khoảng 1 tháng nay nên việc chăn nuôi của gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.

Hiện tại, gia đình anh còn khoảng 8.000 con, trong đó số xuất chuồng khoảng 6.000 con nhưng giá gà giảm mạnh khiến gia đình thua lỗ nặng, phải lấy tiền lãi từ 5,5 công thanh long (mỗi vụ thanh long gia đình lãi khoảng 80 – 100 triệu đồng) bù vào.

Chị Võ Thị Ngọc Hân ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, cho biết với giá 65.000 đồng/kg trung bình 1.000 con gà người nuôi lãi khoảng 10 triệu đồng nhưng thời điểm này giá gà chỉ từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Gia đình chị nuôi khoảng 3.000 con, lỗ khoảng 45 triệu đồng. “Mình nuôi mà không bán được, nuôi cầm chừng càng lỗ nặng hơn nên dù bán được giá thấp vẫn thấy vui còn hơn mất trắng” - chị Hân nói như mếu.

Thương lái Đỗ Tường Đức cho biết chưa bao giờ thấy thị trường gà ảm đạm, rớt giá trầm trọng như hiện nay.

Ông Lê Văn Hoàng-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho rằng giá gà giảm là do nhu cầu của thị trường chứ không chịu tác động từ yếu tố bên ngoài như dịch bệnh hay nguồn hàng từ nơi khác nhập về. “Sở sẽ khuyến cáo người chăn nuôi sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hướng dẫn chuyển sang chăn nuôi trang trại để tạo ra sản phẩm thương hiệu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường” - ông nói.

Theo Hoàng Minh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên