"Gã trai hư" của phim truyền hình vạn người mê "Về nhà đi con": Quốc Trường làm nghề vì sướng, vì phục vụ khán giả, đừng có nói đến tiền ở đây!
10 năm lăn lộn với nghề, Quốc Trường đã có vai để đời, được nhà nhà nhớ mặt, người người đặt tên. Từ diễn viên xưa chẳng ai mời đi event, nay anh vụt sáng thành sao, là cái tên có giá cát-xê lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng "Vũ sở khanh" vẫn luôn có câu cửa miệng: "Lâu rồi tôi không làm nghề vì tiền".
- "Về nhà đi con" so với những bộ phim trước đây anh đóng có gì khác biệt?
- Khác biệt đầu tiên là tôi phải xa nơi sinh sống. Đó là điều không dễ dàng. Nếu chỉ là diễn viên, bạn có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào để đóng phim. Nhưng tôi còn quản lý doanh nghiệp. Sắp xếp thời gian để vừa đóng phim, vừa điều hành từ xa là việc khá khó khăn.
Điểm khác biệt thứ hai, đây là bộ phim thành công nhất trong cuộc đời của tôi cho tới thời điểm hiện tại. Vì thành công nhất nên cũng mang tới nhiều kỷ niệm nhất. Riêng chuyện đi xa nhà 1 tháng để đóng phim thì là lần đầu tiên. Chưa bao giờ tôi đi xa, không gặp gia đình suốt nhiều tuần như thế.
- Lần đầu đọc kịch bản, anh có tưởng tượng nhân vật Vũ sẽ được đón nhận nồng nhiệt như hiện tại không?
- Không, tôi chỉ nghĩ đây là vai hay. Tại sở khanh mà, đón nhận gì. Má tôi ở nhà xem phim còn nói là "Trời ơi sao con đểu quá vậy, đóng phim gì mà gái gú quá vậy con ơi. Ở ngoài đừng có vậy nha".
Tôi cũng không nghĩ phim lại hot đến như vậy. Mức độ dành cho Về nhà đi con chỉ là hy vọng thành công thôi chứ không phải là nhiều phá kỷ lục. Ngoài tầm với, ngoài sức tưởng tượng.
- Khán giả nhận xét, thành công lớn nhất của bộ phim là "chọn mặt gửi vai diễn" rất chuẩn. Ngoài đời, anh cũng sát gái như nhân vật sao?
- Một bộ phim muốn tạo nên thành công thì bất cứ vai nào cũng đều phải đời. Ví như gặp Hân ở ngoài, bạn còn không biết đó là Bảo Hân hay Ánh Dương luôn.
Đối với tôi, riêng giọng nói với ngoại hình là 100% giống nhân vật. Tuổi trẻ năng động và rất hám gái tôi cũng từng có. Tầm từ 16 đến 22 tuổi, tôi có đôi chút bốc đồng thì điều này cũng gặp trong nhân vật Vũ.
Phần sau của bộ phim, Vũ sẽ thể hiện là người kinh doanh rất giỏi. Về cơ bản, tôi cũng là người như vậy. Từ lớp 5 cho tới bây giờ là 20 năm, tôi chỉ cho ngược lại gia đình, chứ chưa từng xin tiền. Năm 10 tuổi đã tự lập, tự lấy tiền của mình để đóng học, mua quần áo.
- Nếu bảo kinh doanh giỏi, anh bộc lộ sớm thế nào?
- Hồi nhỏ nhà bán tạp hóa, ví dụ có 1.000 món thì tôi xin mẹ 1 món. "Mẹ ơi giờ con muốn kiếm tiền, mẹ cho con mảng bán đá cây ấy". Thì mẹ "Ừ, cho con". Một ngày cũng lời 7.000 – 8.000 đồng.
20 năm trước số tiền đó là cũng to đấy. Với một đứa trẻ là có đủ tiền tự mua sách vở. Tôi không làm thì má vẫn nuôi ăn học nhưng tự nhiên tôi cứ thích được làm như vậy. Có lẽ máu kinh doanh nhen nhóm từ lúc bấy giờ.
- Còn đam mê nghệ thuật thì sao?
- Khi tôi đi thi Ngôi sao ngày mai. Ngày ấy, người ta kêu diễn cái gì là tôi diễn được cái đó. Người ta kêu khóc chỗ nào, tôi khóc đúng chỗ đó, rồi đứng đầu bảng luôn, đứng top hết. Tôi vượt qua biết bao diễn viên. Có những tên tuổi đang đóng vai rất lớn ở các phim truyền hình đang phát mà tôi còn "ăn" được, vượt qua luôn. Rồi có những anh chị thủ khoa trường Sân khấu điện ảnh đi thi cuộc thi đó mới nổi tiếng thì tôi cũng "giết" những người đó luôn. Tên luôn đứng top 1. Lúc đó mình mới nghĩ "À chắc mình có khiếu rồi" chứ khơi khơi đâu phải ai cũng làm được những điều đó.
- Là "fan cứng" của Người phán xử và Lương Bổng, sau khi làm chung với NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trung Anh, cảm xúc của anh thế nào?
- Tôi thực sự quý trọng và khâm phục tài năng của hai bố. Trong công việc, tôi luôn học hỏi, dùng từ chính xác là để ý, hay nhìn xem họ làm những gì để từ đó nâng cao bản thân. Ra khỏi phim, hai bố sinh hoạt như thế nào tôi cũng để ý luôn. Tại mình thích họ quá mà.
Ngoài đời, bố Hoàng Dũng và bố Trung Anh rất khác nhau. Bố Dũng rất hay vui đùa, còn "bố vợ" cái gì cũng từ từ, thật là hiền, hiền y như ông bố trong phim.
- Với bạn diễn Bảo Thanh, anh có quan tâm tới cô ấy trước khi nhận lời không?
- Quan tâm chứ bởi đứng đầu trong ê-kíp là đạo diễn nhưng người quan trọng nhất là bạn diễn. Bạn tương tác ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của diễn viên. Đạo diễn có giỏi tới mấy mà người bạn diễn, thứ nhất là mình không thích họ, thứ hai là họ cố tình phá mình thì không thể nào diễn được. Dấu diếm cỡ nào thì trong ánh mắt người ta vẫn biết là mình gượng gạo, sao thành công được bộ phim.
Khi nghe bạn diễn là Bảo Thanh thì tôi mừng. Cô ấy là một diễn viên giỏi. Tôi cũng theo dõi vài phim cô ấy đóng. Riêng "Người phán xử" là tôi coi hết, cô đóng vai phụ thôi nhưng cũng thấy là diễn giỏi. Tôi làm nghề 11 năm rồi, ai diễn được hay không chỉ cần nhìn một phân đoạn là biết. Thanh thì khỏi phải bàn rồi.
- Sau cảnh quay nóng, anh có bị gọi là "cá dọn bể", gần đây khán giả tiếp tục ném đá vì nhân vật sở khanh, cảm giác của anh thế nào?
- Nói thật là tôi hơi buồn một tý nhưng cái nghề nó dằn mình lại liền. Chuyện vui buồn của khán giả theo các tình tiết của phim là bình thường. Hồi xưa tới giờ đã như vậy rồi chứ đâu phải tới giờ Quốc Trường, tới Vũ trong Về nhà đi con mới như vậy.
Càng về cuối phim, nhân vật Vũ tạo nên cao trào về mặt tâm lý, có thể đẩy khán giả lên tột cùng của sự đau khổ, tức giận. Nhưng tôi nghĩ điều đó là hay mà. Một bộ phim nên như vậy chứ cái gì cũng êm đẹp, hạnh phúc quá thì khán giả coi sẽ chán.
Lúc đầu yêu thương, sau sẽ có thất vọng, thất vọng rồi ghét, ghét xong rồi sau này lại bắt đầu yêu thương. Quan trọng là kết quả như thế nào. Quá trình lúc vui lúc buồn thì kệ đi. Có một điều chắc chắn là sau này khán giả sẽ thương lại Vũ, còn Quốc Trường thì không bao giờ ghét rồi (cười).
- Nói vậy nhưng vừa lên trên đỉnh mà rơi xuống thường sẽ vẫn hụt hẫng phải không?
- Không. Với Quốc Trường thì không có gì hụt hẫng cả. Bởi tôi bắt đầu từ số 0 đi lên số 1, 2, 3, 4, 5... Vì đi từng nấc thang nên khi bạn đi lên số 10 rồi xuống số 9 là bình thường. Bạn từ số 1 lên số 10 liền rồi bạn xuống số 9 là bạn "thôi tôi không chịu đâu, không chịu đâu". Vì bạn không có quá trình đi, không có đổ mồ hôi, nước mắt để cảm được từng nấc thang thì sẽ không chấp nhận chuyện xuống.
Bạn sinh ra đã là con nhà giàu rồi khi nghèo là bạn chịu không được nhưng Quốc Trường chịu được. Quốc Trường giờ có chạy xe ôm vẫn bình thường. Ngày xưa khán giả còn không biết Quốc Trường là ai. Bây giờ chuyện khán giả không còn thích Quốc Trường một phần nào đó do vai diễn đáng ghét này thì cũng bình thường. Ghét vai rồi ảnh hưởng đến Quốc Trường thì không sao nhưng để ghét Quốc Trường mà ảnh hưởng đến vai là điều rất bậy.
- Xuất phát sớm với lợi thế về ngoại hình nhưng phải 10 năm diễn xuất anh mới có vai để đời. Trong giai đoạn đó, có lúc nào anh nghĩ là mình đã nhầm đường không?
- Không. Tôi đâu có thất bại đâu mà nhầm đường. Chỉ là chưa quá thành công thôi. Ví dụ, bạn ở lại lớp là thất bại, tôi chưa được học sinh giỏi nhưng đạt trung bình khá là được rồi. Vì sao vậy? Vì tôi tự lo được cho kinh tế gia đình. Dòng họ cũng tự hào vì là diễn viên đóng vai chính. Tiếp nữa là ra đường khán giả cũng biết mình là diễn viên, 10 người thì biết mình 4, 4 người thì biết mình 2. Đối với Trường như vậy là thành công rồi. Còn hôm nay tôi là học sinh xuất sắc. Ví dụ vậy cho dễ hiểu.
- Anh có nhớ cát xê của bộ phim đầu tiên không?
- Nhớ chứ, 30 triệu. Cho các phân đoạn của 30 tập phim. Đó là mức cát-xê thấp nhất của tôi.
- Thế còn cao nhất là bao nhiêu?
- Cao nhất là phim Về nhà đi con này. Khoảng 2 trăm mấy triệu đồng, không phim nào vượt quá hết. Từ xưa tới giờ cát-xê của tôi chỉ nằm ở mức trung bình khá. So với những người khác là cao nhưng so với ngôi sao là thấp.
- Cát xê đó có đủ cho chi phí anh sinh hoạt tại Hà Nội không?
- Dư đó. Vì đi quay thì tôi có tiêu gì đâu, muốn xài cũng không được. Một ngày Quốc Trường tốn khoảng 1 triệu đến 1 triệu rưỡi thôi. Một tháng tôi xài cùng lắm là 50 triệu, mà thời gian đó nguyên làm phim là kiếm hơn rồi.
- Thành công của Về nhà đi con khiến mức cát-xê và số lượng đi event của anh thay đổi thế nào?
- Ngày xưa không có 1 event nào mời, nhiều khi xin đi người ta còn bảo "thôi, đi làm chi", nói cho vui kiểu đó. Nên không thể tính là có để mà thay đổi được. Là từ không có gì luôn. Kể cả sau "Gạo nếp gạo tẻ" cũng không thay đổi một điều gì. Bộ phim cả tỷ view nhưng người ta thay đổi, Thúy Ngân thay đổi chứ Quốc Trường chẳng thay đổi gì. Còn bây giờ, 1 tháng là tôi có 7 sự kiện.
Về cát-xê, nếu cho lương của nhân viên khoảng 7 đến 8 triệu thì gấp tối thiểu 10 lần đó. Có những event người ta chấp nhận bỏ hàng trăm triệu để có sự xuất hiện của mình.
- Vậy còn nguồn thu từ tương tác khủng trên Facebook?
- Một ngày có ít nhất 20 người mời quảng cáo trên Facebook nhưng tôi không nhận lời. Quốc Trường muốn dành Facebook cho khán giả, người hâm mộ nên phải sạch sẽ. Một cái nhà, mình trưng bày đồ phải gọn, phải sạch chứ không phải anh mua cái gì cũng quăng vào nhà thì thành đống rác. 2 tháng nay không có một cái post quảng cáo nào trên đó hết dù cái lượng tương tác facebook hiện tại của tôi gần là cao nhất nhì Việt Nam nói về tương tác.
Bản thân Quốc Trường cũng kinh doanh, cũng là chủ doanh nghiệp mà, đâu phải là đi làm nghề để kiếm tiền nuôi gia đình. Những bạn khác chỉ có cái nghề diễn thì ok đúng, còn Trường đâu có cần. Bạn doanh nghiệp mời tôi nhưng nhiều khi bạn chưa bằng tôi, tự dưng tôi đi làm cho những doanh nghiệp đó làm gì?
- Sau thành công này, việc lựa chon vai diễn và kịch bản của anh sẽ thay đổi thế nào so với trước đây?
- Trước thành công của Về nhà đi con, Quốc Trường đã như bây giờ rồi, đâu có tham gia nhiều. Từ lúc kinh doanh, 2 năm tôi mới tham gia có 1 vai chính và 2 vai phụ. Rồi sau bộ phim này một điều chắc chắn là tôi sẽ bận lắm, bận kinh doanh chứ đâu phải ham hố đóng hoài. Có đóng là phải đóng xứng đáng. Xứng đáng ở đây là xứng đáng với Trường và với khán giả. Mình tôn trọng khán giả, mình nhận sản phẩm nó đàng hoàng, chỉn chu.
Đối với Trường, bây giờ là không phải làm nghề để kiếm tiền nữa rồi, làm nghề là vì sướng, vì phục vụ khán giả. Có 2 tiêu chí đó thì làm, còn đừng có nói tới tiền ở đây.