Gạch ốp lát CMC (CVT): Một bước từ bình dân lên “sang chảnh”
Là một doanh nghiệp kinh doanh gạch ốp, gạch ngói - vốn được cho là phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng lắm thăng trầm nhưng công ty CMC luôn duy trì đà tăng trưởng suốt nhiều năm qua. Bí quyết của công ty này là gì?
- 23-01-2017CVT: Cả năm lãi 191 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch
- 05-12-2016Thị giá 42.000 đồng/cp, CTCP CMC (CVT) tính chào bán gần 1 triệu cổ phiếu ESOP giá 15.000 đồng/cp
- 03-09-2016Cổ phiếu nổi bật tuần: Giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu, CVT làm lợi cho cả dân đầu cơ và giá trị
Một ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm Nhà máy của CTCP CMC (CVT) tại Tp Việt Trì, Phú Thọ. Nhà máy nằm trên một khu đất rộng với tổ hợp gồm xưởng, khu trưng bày sản phẩm và khu văn phòng giản dị.
Đi qua dãy hành lang tầng 2 xếp đầy gạch ngói, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch kiêm TGĐ tại phòng làm việc riêng. Người đàn ông đậm người, phong thái gần gũi tự tay pha nước trà mời chúng tôi. Bên ấm trà vừa pha giữa ngày đông, trong căn phòng làm việc trưng bày đủ loại gạch ngói do CMC sản xuất cũng như do ông sưu tập từ nước ngoài, ông Huy say sưa chia sẻ về nghề vật liệu xây dựng.
Khi người tiêu dùng “sính” hàng cao cấp
Năm 2016, công ty gạch ốp lát của ông Huy đạt gần 1.118 tỷ đồng doanh thu – tăng hơn 50% so với năm trước và lãi tới 191 tỷ đồng trước thuế - cao gấp hơn 2 lần. Nhưng nếu chỉ nhìn con số này, người ta sẽ chưa thể hình dung được sự thay đổi mạnh mẽ của CMC.
Theo chia sẻ của ông Huy, lợi nhuận năm 2016 tăng mạnh là bởi CMC đã thay đổi cơ cấu sản phẩm của mình.
Trong các năm trước, khi nhu cầu lớn nhất của thị trường là hàng bình dân giá rẻ, cơ cấu sản phẩm của CMC là 70% hàng bình dân và 30% hàng cao cấp. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2015, khi nhìn thấy xu hướng tiêu dùng là “sính” gạch nhập khẩu, gạch cao cấp, ông Huy đã quyết định ngay phải xoay chuyển. Năm 2016, có đến 70% sản phẩm mà CMC sản xuất là sản phẩm cao cấp, hàng bình dân giảm xuống chỉ còn 30%.
Ông Huy cho biết, tuy sản lượng tiêu thụ của sản phẩm cao cấp ít hơn khiến cho doanh thu không đạt kế hoạch, nhưng bù lại, tỷ suất lợi nhuận của loại hàng này lại cao hơn rất nhiều so với hàng bình dân. Đó là mấu chốt để CMC đột biến lợi nhuận như trên.
Chia sẻ kỹ hơn, Chủ tịch công ty cho hay, một lý do khiến CMC đổi hướng là vì sự cạnh tranh trong phân khúc bình dân đã trở nên vô cùng gay gắt. Ở Việt Nam, 80% các nhà sản xuất làm hàng cấp thấp, chưa kể hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường.
“Sản lượng sản xuất gạch ốp của CMC là 15 triệu m2/năm, chỉ chiếm 5% thị phần tại Việt Nam. Trong khi đó, số lượng người xài đồ cao cấp là 10-15%. Chúng tôi muốn ra khỏi cuộc cạnh tranh ở hàng bình dân và gia nhập phân khúc hàng cao cấp.” – Ông Huy nói.
Ước mơ về một loại ngói Nhật bền nghìn năm
Vì sao một doanh nghiệp 80% cơ cấu sản phẩm là mặt hàng bình dân, có thể gần như lập tức thay đổi hoàn toàn cơ cấu doanh thu sang mặt hàng cao cấp? Một dây chuyền sản xuất gạch bình dân không phải dễ dàng mà chuyển sang sản xuất gạch cao cấp – loại sản phẩm có công nghệ cao hơn hẳn.
“Ngay từ năm 2010, tôi đã đầu tư dây chuyền thiết bị cho nhà máy số 2 theo định hướng là thiết bị phải sản xuất được sản phẩm cao cấp cho nên việc chuyển đổi dây chuyền khi cần thiết, rất dễ.”
Ông Huy nhấn mạnh, bán hàng phải theo thị trường. Khi thị trường đang thích hàng giá rẻ, chúng tôi sản xuất hàng giá rẻ. Nhưng ông cho rằng, cùng với sự tăng lên của thu nhập, người tiêu dùng sẽ thay đổi, thích và có khả năng để dùng hàng cao cấp. Từ 6 năm trước, ông đã chuẩn bị cho sự thay đổi này rồi, vì vậy “khi thị trường có nhu cầu chúng tôi lập tức đón đầu xu hướng”.
Ngoài dây chuyền sản xuất, tiêu chí kỹ thuật của lò nung cũng là một vấn đề rất phức tạp mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Đến năm nay, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành gạch cũng nhìn thấy xu hướng tiêu dùng mới và đang bắt đầu đầu tư dây chuyền sản xuất, xây lò mới.
“CMC đã đi trước và hiện nay CMC là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất đa dạng sản phẩm với trên 20 chủng loại sản phẩm với kích thước khác nhau. có khả năng linh động sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau, đáp ứng được thị hiếu thường xuyên thay đổi của thị trường.” – ông Huy cho biết.
Ngói lại là một câu chuyện thú vị khác của CMC. Ông Huy nung nấu ý định làm 1 dây chuyền ngói tráng men theo công nghệ Nhật Bản, độ bền tới 1000 năm, đẹp và cách nhiệt rất tốt. Để chuẩn bị cho ý tưởng ấy, ông Huy đã sang Trung Quốc nhiều chuyến để tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc cải tạo dây chuyền sản xuất, lò nung và vật liệu sản xuất. Do chi phí thuê chuyên gia nước ngoài quá lớn, ông mạo hiểm đưa công nhân Việt Nam sang tham quan nhà máy của nước bạn và học ngay tại chỗ chỉ trong 2 tháng.
Kế hoạch mạo hiểm đó ấy vậy mà không tệ. Một tháng thử nghiệm, CMC đã sản xuất được loại ngói “trong mơ”, vẫn do những người công nhân của CMC thực hiện và vẫn trên dây chuyền sản xuất cũ đã được cải tạo lại.
“Mình sống thật, không sống ảo”
Tiếp xúc mới thấy, ít ông chủ của doanh nghiệp vật liệu xây dựng nào lại “chắc tựa cua gạch” như ông Nguyễn Quang Huy. Tài sản ngắn hạn tính đến cuối năm 2016 của CMC đạt gần 470 tỷ đồng nhưng khoản phải thu khách hàng chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng trong khi nợ phải trả người bán ngắn hạn tới gần 133 tỷ đồng.
“Bán rẻ nhưng thu tiền ngay thì được chứ bán giá cao mà cho nợ tiền thì không, mình sống thật không sống ảo.” – Ông Huy khẳng định.
Chính vì quan điểm ấy, CMC không hề mặn mà với việc bán gạch cho các dự án bất động sản (công trình). Những năm 2008- 2009, khi thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng lao đao thì CMC vẫn tăng trưởng mạnh. Riêng năm 2009, doanh thu đạt 263 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 19 tỷ đồng – tăng lần lượt 37% và 111% so với năm 2008.
Ông Huy cho biết: “Thị trường bất động sản đóng băng nhưng dân thì vẫn cứ sửa nhà, lát gạch, năm đó chúng tôi đã bán hàng rất tốt cho nhu cầu sản phẩm bình dân cho các hộ gia đình ở nông thôn.”
Chủ tịch của CMC còn cho biết, năm 2017 sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất đá Granit hiện đại nhất Việt Nam với sản lượng 3 triệu m2/năm. Mặc dù vậy, Công ty sẽ không phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho dây chuyền này mà dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 40% và bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Nhà máy được đầu tư xong sẽ đóng góp vào tổng doanh thu toàn Công ty ít nhất thêm 600 - 700 tỷ đồng/năm.
Trí Thức Trẻ