Game thoái vốn đổi chủ đã đẩy cổ phiếu này tăng gấp đôi trong vòng 2 tháng qua
Từ giữa tháng 10/2016, cổ phiếu bỗng nhiên bật tăng mạnh mẽ và chỉ trong 2 tháng, đã leo từ giá 9.000 đồng lên đến hơn 19.000 đồng. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần.
- 16-12-2016SCIC chào bán gần 1,2 triệu cổ phiếu VRC với giá khởi điểm thấp hơn thị giá rất nhiều
- 15-12-2016VNM, VHC, VMC, KVC, FDC, TBC, SHN, PVR, DPS, VRC: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 22-11-2016CII, FIT, HSG, BCI, VRC, EVE, QNC, QHD, TCR: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
Cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu vốn là một cổ phiếu không có gì đặc biệt trong vài năm trở lại đây. Với tình hình kinh doanh không khả quan, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2016 bị âm nên VRC đang ở trong diện bị cảnh báo.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2016, cổ phiếu này bỗng nhiên bật tăng mạnh mẽ và chỉ trong 2 tháng, đã leo từ giá 9.000 đồng lên đến hơn 19.000 đồng.
VRC – Một sự “thay máu” rõ ràng
Ngày 26/12/2016, Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chào bán cạnh trạnh toàn bộ 1.183.833 cổ phần VRC (chiếm 8,16% vốn cổ phần) mà SCIC đang sở hữu với giá 16.500 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 2 cá nhân đăng ký mua với khối lượng 400.000 đơn vị. Do đó, buổi chào bán đã không được tổ chức.
Dù sao điều này cũng cho thấy SCIC đã có kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu.
Từ trước đó, ông Nguyễn Vân Chính – Tổng giám đốc, người đại diện vốn của SCIC tại VRC cùng một loạt cổ đông lớn và cổ đông nội bộ như CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), bà Nguyễn Thị Thúy – Kế toán trưởng, ông Tô Quang Tùng – Thành viên HĐQT và cả cổ đông lớn Nguyễn Thị Tuyết đã bán hết cổ phần.
Công ty cũng bán hết 196.920 cổ phiếu quỹ.
Cùng với sự ra đi của các cổ đông cũ thì công ty cũng thay đổi gần như toàn bộ Thành viên HĐQT. Các nhân sự cũ đã tạm biệt công ty là ông Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT, ông Tô Quang Tùng và ông Ngô Trí Dũng. Thay vào đó là những gương mặt mới. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như trở thành Chủ tịch HĐQT, ộng Phạm Văn Phôi và ông Lý Thanh Nhã làm Thành viên HĐQT.
Và dĩ nhiên, thành viên ban kiểm soát cũng thay đổi. Các thành viên cũ có đơn từ nhiệm, 3 thành viên mới đã gia nhập VRC là ông Nguyễn Lâm Tùng, ông Nguyễn Hoàng Phương và bà Đào Đình Phương.
Động thái này đã được thị trường để ý và theo như nhà đầu tư vẫn thường gọi, “game thoái vốn, đổi chủ” đã đẩy giá VRC tăng gấp đôi trong 2 tháng qua. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu VRC đã tăng gấp 3 lần.
Ai là người chủ mới?
Theo nguồn tin của chúng tôi, “chủ mới” của VRC là nhóm cổ đông đã từng ra tay mua lại một công ty đầu tư và mua một công ty khai thác đá trên sàn chứng khoán từ SCIC. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2016. Tuy nhiên, đó là những công ty có thị phần và tình hình kinh doanh tốt, còn Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu lại đang ở một trạng thái không được khả quan cho lắm.
Là một trong những công ty xây dựng ra đời sớm nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, VRC lên sàn vào năm 2010 với vốn điều lệ khi đó là hơn 100 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn lên 145 tỷ đồng vào năm 2011, công ty đã giữ nguyên mức vốn này cho đến nay.
Có quy mô không quá nhỏ và có nhiều lợi thế ở tỉnh, kết quả kinh doanh của VRC đã tăng trưởng khá ổn định trong nhiều năm rồi bất ngờ lỗ đến 5,4 tỷ đồng trong năm 2015.
Theo báo cáo thường niên, lãnh đạo công ty cho biết, trong năm này, doanh thu và lợi nhuận của công ty được kỳ vọng vào việc bán và chuyển nhượng một số bất động sản lớn nhưng cuối cùng chỉ chuyển nhượng được dự án 172 Hoàng Hoa Thám. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng cùng nhiều chi phí đầu vào tăng cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của VRC chỉ đạt 3,6 tỷ đồng – giảm tới hơn 70% so với cùng kỳ và tiếp tục lỗ 827 triệu đồng. Phần lỗ thuộc về công ty mẹ là 737 triệu đồng.
Với tình hình đó, có thể nhóm cổ đông nói trên sẽ chưa nâng tỷ lệ sở hữu chính thức tại VRC lên mức thành công ty con.
Trí Thức Trẻ