MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'

14-12-2024 - 20:07 PM | Lifestyle

Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'

TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…

Các concert hậu gameshow có những điểm khác biệt đáng kể so với đêm nhạc chuẩn của cá nhân nghệ sĩ. Không chỉ ở việc có ban nhạc chơi trực tiếp hay ca sĩ hát thật, hát nhép đến đâu mà concert kiểu này hội tụ các yếu tố cộng dồn nhiều thành phần.

Thích nghi với gameshow

Sau 4 tháng ròng rã chứng kiến các chàng trai, cô gái tài năng dễ thương vượt qua các kiểu chông gai, sóng gió, khán giả càng thêm yêu mến, nảy nở sự đồng cảm và hâm mộ. Điều đó dẫn đến việc khán giả sẵn sàng bỏ số tiền lớn để xem concert cũng như bầu chọn, quyên góp hỗ trợ thần tượng .

Khán giả thích thú hoặc phát cuồng khi được xem thần tượng trong chương trình, trên sân khấu, mà không để ý đang bị hấp dẫn và điều khiển bởi trò chơi m8à format bày ra… Nghệ sĩ khi tham gia gameshow cũng phải chấp nhận điều chỉnh bản thân, thích nghi với việc lúc nào cũng có micro cài áo, ống kính đón lõng khắp nơi cùng cường độ làm việc có khi tới 20 tiếng/ngày trong tâm thế cống hiến hết mình.

Một số người phải tạm thời xoay chuyển hình ảnh khác, chọn thể hiện những khía cạnh dễ được đám đông tiếp nhận hoặc có tính giải trí cao hơn. Chẳng hạn, BB Trần tạm dẹp sở trường giả quý cô để xây dựng hình ảnh unisex (phi giới tính) tại Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG). Thanh Duy cũng cất “nhân cách” drag queen (hoán giới thành nữ) ở nhà, tung ra giao diện trai ngoan, ít nói. Quốc Thiên tranh thủ thể hiện trình độ “mỏ hỗn” thêm vào sự chừng mực vốn có…

Cá tính âm nhạc riêng của mỗi người cũng biến đổi để thích ứng với đòi hỏi của chương trình. Chẳng hạn, NSND Tự Long đọc rap còn Binz hát chèo. Các tiết mục thường là “trung bình cộng” của từng thành viên tham gia dưới sự định hướng của giám đốc âm nhạc. Các “nhà” đem các tiết mục này đi trình diễn khắp nơi được khán giả tán thưởng hoặc không. Nhưng đó không hẳn là tiết mục mang bản sắc và dấu ấn của cá nhân nghệ sĩ.

Nó đánh dấu sự hợp tác tập thể trong chương trình, nhiều khi thể hiện những khoảnh khắc tức thời thú vị. Khi các nghệ sĩ cùng sáng tác một bài hát để chuyển tải thông điệp, tâm sự ngay lúc đó của họ tới khán giả, tạo nên sự kết nối chặt chẽ giúp họ không bị loại sớm. Nên chắc cũng không ai kỳ vọng những Quá là trôi hay Nét (ra mắt tại vòng chung kết ATVNCG) sẽ có đời sống lâu dài. “Sứ mệnh” của những bài hát này là phải lọt top thịnh hành nhanh chóng, tạo sức hút cho chương trình khi đang diễn ra.

Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'- Ảnh 1.

Một format hiệu quả không chỉ khích lệ các nghệ sĩ cống hiến mà còn khơi gợi lòng hâm mộ tiềm ẩn trong khán giả. Ảnh: BTC.

Không ít nghệ sĩ cảm ơn gameshow đã tạo điều kiện cho họ thực hiện ước mơ được lên sân khấu với phong cách bấy lâu mong muốn mà chưa làm được. Vì đâu phải ai cũng có khả năng làm việc với một ê-kíp hùng hậu và xịn xò cỡ đó.

Sau khi rời cuộc chơi, nhiều khả năng họ lại trở về với quán tính sáng tạo của mình. Không thể nào hát mãi những bài thuộc bản quyền của chương trình. Và vị trí của họ trong thị trường có thể nhúc nhích nhưng không đáng kể. Cái đọng lại là những kỷ niệm về một “mùa hè đáng nhớ” cùng anh em…

Cần những lộ trình khác

Thử hình dung nếu các mùa tiếp theo ATVNCG hay Anh trai say hi (ATSH) có làm các đêm nhạc rầm rộ, nhiều khả năng vẫn thu hút đông đảo khán giả. Nếu ATSH tuyển toàn các nghệ sĩ sẵn có tố chất ca nhạc, sân khấu thì bên ATVNCG có không ít tay mơ - những người cả đời không bao giờ mơ một lần bước ra trước hàng vạn khán giả để làm điều không thuộc sở trường. Ngay với những ca sĩ hàng đầu trong mỗi gameshow, sau này cũng chưa chắc đã có thể tự mình tổ chức concert.

Tự vận động không ngừng nghỉ như Mỹ Tâm cũng mất vài thập kỷ mới hội đủ các yếu tố để cháy vé mỗi khi mở các đêm nhạc. Và cũng vài thập kỷ nay, Vpop chưa xuất hiện “Mỹ Tâm thứ hai”. Tất nhiên mỗi nghệ sĩ có sứ mệnh riêng, đối tượng khán giả riêng. Thành công không chỉ được đo bằng lượng khán giả hay giá trị vật chất họ thu về.

Một tài năng trẻ muốn trở thành ngôi sao giải trí ở Việt Nam thường không biết đi đâu, học gì để có thể hiện thực hóa ước mơ. Các nghệ sĩ đã ra nghề hầu hết cũng tự bươn chải mà không chịu sự quản lý của một công ty nào. Những format anh tài, chị đẹp chỉ mới áp dụng một mô hình quản lý tập thể có thời hạn đã giúp nhiều nghệ sĩ thăng hạng nhanh chóng.

Ngày nay, vai trò của những nghệ sĩ đầu tàu đại diện cho những nền công nghiệp văn hóa phát triển là không thể phủ nhận. Những Taylor Swift hay BlackPink không chỉ đóng góp đắc lực cho kinh tế quốc gia mà cho cả những nơi họ dừng chân trong tour diễn toàn cầu. Những siêu sao cỡ đó tất nhiên không chỉ sở hữu “siêu năng lực” mà cũng kết tinh những thành tựu của cả một nền công nghiệp văn hóa giải trí được vận hành hiệu quả - mẫu mực cho thế giới học theo.

Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'- Ảnh 2.

Anh trai say hi đưa dàn nam nghệ sĩ trẻ lộ sáng.

Sự xuất hiện của những mô hình gameshow kèm concert được xem là chất xúc tác để những nền công nghiệp văn hóa sinh sau đẻ muộn có thể rút ngắn thời gian gặt hái một chút. Tuy vậy, đó vẫn là một thị trường ngách không liên quan nhiều tới mô hình tổ chức concert hay tour diễn thông thường của các sao. Sự xuất hiện của một vài ngôi sao có khả năng tự tổ chức concert vẫn cần lộ trình riêng. Tốc độ và sự may rủi tùy thuộc vào môi trường showbiz cùng sự tạo điều kiện của các thiết chế văn hóa.

Anh tài Trọng Hiếu chưa biết bao giờ mới có liveshow riêng ở Việt Nam, nhưng năm qua đã có chuyến lưu diễn qua vài thành phố ở Đức. Mọi việc bắt đầu từ việc một chuyên viên của nhà hát địa phương thấy clip của Hiếu trên TikTok. Sau đó, Hiếu có luôn một bộ máy giúp tổ chức tour diễn. Dù buổi diễn lớn nhất trong số đó cũng mới có hơn nghìn khách (để có một sô diễn với quy mô này, một giọng ca thực lực ở Việt Nam ít nhất phải trải qua 10 năm miệt mài lao động và thường phải tự đứng ra tổ chức) nhưng đó là những khán giả thực thụ. Hiếu cho hay, người Đức có thói quen thưởng thức nghệ thuật thường xuyên và ngày càng cởi mở với âm nhạc đến từ các nơi ngoài châu Âu.

Nếu được quan tâm tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp như vậy, con đường phát triển sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam sẽ rộng mở hơn, không phải xếp hàng chờ tham gia gameshow.

Khán giả hâm mộ nghệ sĩ, đồng thời hâm mộ luôn cả chương trình. Khán giả chấp nhận được gọi hoặc tự gọi mình là “Gai con” hay “Sóng em” như một sự “thuần phục” dành cho chương trình đã đem lại cho họ nội dung giải trí hấp dẫn, giúp họ tìm ra thần tượng của đời mình… Nghệ sĩ là thần tượng, nhưng format là vua.

Tuy nhiên, sức chứa của thị trường có hạn. Hai gameshow kèm concert diễn ra cùng thời điểm dường như hơi nhiều. Một số người bỗng được gameshow đẩy nhanh tiến độ thành ngôi sao đồng nghĩa với một số người phải đi chậm lại? Sơn Tùng- MTP từng hé lộ ý định tổ chức tour diễn trong 2024, nhưng đã hết năm vẫn chưa thấy đâu. Có lẽ cậu cũng phải né dàn anh tài, anh trai quá hùng hậu đang chiếm cứ khắp các nền tảng. Trong một diễn biến khác, Mỹ Tâm làm liveshow ở Mỹ và bán hết vé trong một tiếng. Có lẽ đây cũng là một cách nhường địa bàn trong nước cho gameshow.

Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống thúc đẩy và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ khởi nghiệp mà cũng thiếu luôn các mô hình đào tạo và quản lý tài năng. Những chương trình kiểu ATSH hay ATVNCG đang thực hiện những đầu việc đó khá hiệu quả trong thời gian ngắn. Chính vì gãi đúng chỗ… thiếu trong công nghiệp giải trí nên các gameshow này mới nổi đình đám như vậy.

Theo Nguyễn Mạnh Hà

Tiền

Trở lên trên