MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 100% nguồn thực phẩm chức năng bị phát hiện là từ Trung Quốc

01-08-2018 - 09:22 AM | Thị trường

Trong quá trình kiểm tra và xử lý thực phẩm chức năng giả, Cục Quản lý thị trường cho biết gần như 100% nguồn thực phẩm chức năng từ bên kia Trung Quốc đưa về.

Thực phẩm chức năng giả quảng cáo tràn lan

Theo Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng trong đó có hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có chiều hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) thông tin, trong những năm vừa qua, QLTT đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý 10 tấn thực phẩm chức năng. Gần như 100% nguồn thực phẩm chức năng từ bên kia Trung Quốc đưa về, được ngụy trang bằng đủ hình thức.

Gần 100% nguồn thực phẩm chức năng bị phát hiện là từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường

Các đối tượng đã sử dụng hình thức đưa hàng nhỏ lẻ dần dần vào thị trường nội địa, hoặc dùng các khu công nghiệp, nhà dân hoặc bản làng xa xôi để đóng gói hàng hóa, lợi dụng từng thời điểm, từng mặt hàng tung ra thị trường, lừa dối người tiêu dùng, hoặc dùng các thương hiệu nổi tiếng để làm giả.

Ngoài ra, thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền được quảng cáo tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và khiến cho người tiêu dùng khó lòng phân biệt.

Nói về vấn đề này, ông Tín cho rằng Cục QLTT nhận vai trò là lực lượng chủ công về công tác đấu tranh chống hàng giả trên thị trường nội địa.

Đặc biệt, sau chỉ thị 17/CT-TTg 2018 chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Cục quản lý thị trường đã làm việc với cục thương mại điện tử để bàn cách tiếp cận và xử lý hành vi đăng tin rao bán hàng trên mạng và trên facebook.

Công tác chống hàng giả bị "gây khó"

Nói về khó khăn trong công tác xử lý hàng giả , ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho rằng, nghị định 185 của chính phủ về hàng giả đang làm khó cho công tác chống hàng giả.

Theo đó, tại nghị định 185, hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa thì bị coi là hàng giả .

Với định nghĩa này, rất nhiều hàng hóa có dấu hiệu trên được chuyển sang cơ quan chức năng nhưng sau quá trình kiểm tra thì lại không đủ căn cứ để xử lý vi phạm về hàng giả.

Ông Nhiên thông báo: “Từ đầu năm đến nay, khi phát hiện tình trạng hàng này thì theo quy định buộc chuyển sang cơ quan điều tra. Gần như 100% các vụ được đơn vị chuyển sang công an đều bị trả lại. Sau nhiều tháng chuyển trả lại thì hầu như hàng này không sử dụng được nữa. Nếu ở góc độ không phải hàng giả, chúng tôi có thể xử lý sớm, tránh được phiền toái, phức tạp".

Ông Nhiên kiến nghị, Bộ Công thương sớm nghiên cứu, trình chính phủ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo D.T

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên