Gần 11 nghìn DN sẽ 'chấm điểm' PCI 2017
Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
- 18-10-2017Đà Nẵng và nỗ lực thay đổi nghịch lý PCI đứng đầu cả nước nhưng thu hút FDI chỉ ở top 20
- 07-04-2017PCI sẽ có thêm chỉ số về ô nhiễm môi trường
- 23-03-2017PCI tăng đột biến, vốn FDI cuồn cuộn đổ vào Bình Dương
Ngày 22/3 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017.
Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau như: thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng… PCI cũng đánh giá mức độ hỗ trợ của chính quyền như: tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế-VCCI, cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Nhiều nội dung xung quanh chỉ số PCI được dư luận, đặc biệt là chính quyền các địa phương quan tâm. Đó là trong xếp hạng PCI năm nay liệu Đà Nẵng còn giữ vị trí đứng đầu? Các chuyển động mạnh mẽ của các tỉnh thành phố trong năm 2017 sẽ thể hiện qua bảng xếp hạng PCI ra sao?
Ngoài bảng xếp hạng PCI, phân tích về xu hướng thay đổi các lĩnh vực điều hành cấp tỉnh, báo cáo PCI năm nay như thường lệ có chương riêng đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có các đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, các khó khăn, thuận lợi trong kinh doanh và những vấn đề về lao động.
VCCI cho biết trong báo cáo PCI năm nay có một chương riêng phân tích về chất lượng quản lý của doanh nghiệp. Chương này sẽ phân tích về thực trạng chất lượng quản lý nội bộ của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Không chỉ các yếu tố về môi trường chính sách bên ngoài, những vấn đề quản lý, quản trị cũng tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh, mức độ hội nhập và việc tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí chất lượng quản lý cũng sẽ ảnh hưởng đến sự thoả hiệp của doanh nghiệp với vấn đề chi phí không chính thức, VCCI cho biết.
Trong PCI 2017 có rà soát và chỉnh sửa về hệ thống chỉ số, điều chỉnh và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới trong hệ thông 10 chỉ số thành phần như tình hình an ninh trật tự tại địa phương hay điều chỉnh phân nhóm xếp hạng.
Tại lần công bố năm ngoái, chỉ số PCI năm 2016 của Đà Nẵng đã nắm giữ vị trí đầu bảng năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010.
Bảng xếp hạng PCI 2016 cũng chứng kiến sự đổi ngôi của tỉnh Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của Bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 với những chỉ đạo cụ thể.
Trong đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, có nhiệm vụ phải tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương. Trong đó, VCCI nâng cao chất lượng, uy tín của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cải thiện Chỉ số PCI kết nối với việc thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19.
Chinhphu.vn