MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 2 tỷ USD vốn ngoại rót vào thị trường, BĐS Việt Nam là "ngôi sao đang lên" của Đông Nam Á

21-02-2017 - 08:37 AM | Bất động sản

Đó là nhận định của Jones Lang Lasalle (JLL) khi đánh giá về sự phát triển kinh tế nói chung của khu vực ASEAN. Theo JLL, cùng với Indonesia, Việt Nam có bước phát triển dài, tạo nhiều cơ hội cho giới đầu tư khu vực.

Theo đánh giá của JLL, Việt Nam đang ở giai đoạn thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó là thị trường vốn đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở khu vực châu Á. Trong đó, bất động sản thương mại Việt Nam nằm trong số những thị trường có lợi suất đầu tư cao nhất toàn cầu với mức giá mua vào phải chăng và sự tăng trưởng của giá thuê. Nếu tiền Đồng tiếp tục được giữ ổn định như trước đây, lợi suất tài sản có thể sẽ điều chỉnh.

Năm 2016, việc giải ngân nguồn vốn FDI của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây, ước đạt 15,8 tỷ USD. Trong đó, số vốn FDI đổ vào thị trường BĐS tính đến cuối năm ngoái là 1,7 tỷ USD.

Theo số liệu đánh giá từ JLL, Việt Nam là một “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực BĐS, có nhiều cơ hội phát triển tại các phân khúc văn phòng, nhà ở và BĐS bán lẻ. Tỷ suất sử dụng các không gian văn phòng hạng A tại TP. HCM trong quý IV/2016 đã vượt mức 95%, tại khu kinh doanh trung tâm của thành phố này, tỷ lệ sử dụng các không gian bán lẻ lên đến hơn 92% trong cùng thời kỳ. Trên thị trường nhà ở, số lượng căn hộ được tung ra thị trường trong năm 2016 đã tăng 46% so với năm 2015.

“BĐS Việt Nam đã bắt đầu “sải những bước đi dài” trong năm 2015, phần lớn là nhờ những nỗ lực thúc đẩy thị trường từ phía Chính phủ nước này chẳng hạn như nâng cao yêu cầu về năng lực, tiềm lực tài chính của các công ty BĐS hay nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài”, ông Chris Fossick, Trưởng đại diện của JLL tại Singapore và khu vực Đông Nam Á nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia nghiên cứu này, với việc mở rộng nhanh chóng của thị trường tiêu thụ cùng với việc chuyển dịch nền kinh tế sang các hoạt động có giá trị cao, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lượng vốn đầu tư nước ngoài và sự sôi động của lĩnh vực xây dựng, nhất là các sản phẩm văn phòng, BĐS bán lẻ và khách sạn để đáp ứng lượng cầu ngày càng tăng cao, trong đó phải kể đến là nhu cầu đến từ các ngành như dịch vụ tài chính, pháp luật, sản xuất, hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin.

Bình luận về những dự báo trên, các chuyên gia trong nước cũng cho rằng cũng chỉ rõ 3 yếu tố sẽ tạo lực đẩy cho thị trường BĐS năm 2017. Thứ nhất là phát triển kinh tế ổn định, năm 2017 được dự báo là phát triển kinh tế tốt hơn 2015, 2016.

Thứ 2, các bên liên quan của thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt. Nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với BĐS được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu mong muốn tham gia vào thị trường BĐS.

Thứ 3 là chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường. Ví dụ xử lý rốt ráo nợ xấu và các doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ cho phá sản, theo hướng minh bạch thị trường.

Ở khía cạnh khác, TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư BĐS ở Việt Nam đã tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tìm hiểu thị trường BĐS Việt Nam và đã cải thiện rất tốt cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư.

“Tương lai nguồn cung trên thị trường đủ sức đáp ứng nhu cầu của tất cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam có nhu cầu về ở, cho thuê, mua để sở hữu, mua để cho thuê. Tuy nhiên, để chính sách này mang lại hiệu quả hơn nữa, những văn bản quy định cụ thể cần phải được triển khai một cách tích cực và kịp thời hơn”, ông Quang cho biết. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư trong nước.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên