MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 20 cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng: Bất ngờ với những cái tên dẫn đầu

Dựa trên các báo cáo tài chính 2018 tự lập được công bố, thị trường đã ghi nhận không ít doanh nghiệp có EPS 2018 cao ngất ngưởng.

Kết thúc năm 2018, bảng xếp hạng các doanh nghiệp dẫn đầu về giá trị thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lại ghi nhận những tên tuổi quen thuộc trên thị trường. Đây đều là các công ty đang có hiệu quả kinh doanh vượt trội, cơ cấu tài chính lành mạnh cùng chính sách cổ tức tốt.

Vị trí quán quân 2018 chắc chắn sẽ thuộc về Sara Việt Nam (SRA). Trong suốt năm vừa qua SRA đã được giới đầu tư nhắc đến nhiều khi trở thành doanh nghiệp có EPS cao hàng đầu thị trường chứng khoán và kết thúc năm 2018 EPS của doanh nghiệp này đạt mức 51.851 đồng – Cao gấp đôi so với vị trí tiếp theo của WCS. 

Thành lập năm 2004 với ngành nghề gia công phần mềm, cổ phiếu chính thức niêm yết trên HNX vào năm 2008 và đến 2010 tăng vốn gấp đôi lên 20 tỷ đồng như hiện tại. SRA cũng bắt đầu bổ sung thêm nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có mảng thiết bị y tế. Hoạt động kinh doanh kể từ khi lên sàn của SRA biến động khá thất thường trong giai đoạn 2008 - 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại bắt đầu tăng đột biến kể từ năm 2016 và ấn tượng nhất là kết quả đạt được của năm 2018 với doanh thu 392 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, lợi nhuận sau thuế theo đó gấp 9 lần lên 105 tỷ đồng.

Vị trí á quân đã thuộc về Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), kết thúc năm 2018 NTC công bố mức lãi ròng đạt 469,7 tỷ đồng, gấp 3,3 lần lợi nhuận đạt được năm 2018 và vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. EPS đạt mức kỷ lục 29.354 đồng/cổ phiếu. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường cổ phiếu NCT cũng đang trong giai đoạn tăng mạnh, liên tục phá đỉnh và hiện đang giao dịch lên mức trên 94.000 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với thời điểm đầu năm 2018.

Vị trí tiếp theo thuộc về CTCP VinaCafe Biên Hòa (VCF). Cụ thể, kết thúc năm 2018 VinaCafé Biên Hòa báo lãi sau thuế gần 637 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 640 tỷ đồng. EPS đạt 24.076 đồng. Chia sẻ về nguyên nhân biến động lợi nhuận, VCF cho biết, diễn biến này xuất phát từ việc công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh từ "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu" và phân phối thông qua CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) - công ty mẹ của công ty mẹ. Tại VCF, Công ty TNHH một thành viên Masan Beverage (MSB) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 98,49%. MSB lại là công ty con 100% vốn của MCH. MCH hiện là công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) - một trong những tập đoàn sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam.

Gần 20 cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng: Bất ngờ với những cái tên dẫn đầu - Ảnh 1.

Với EPS ở mức 21.979 đồng - vị trí thứ 3 đã thuộc về mã WCS của Bến xe Miền Tây. Kết thúc năm 2018, doanh thu WCS tăng 4% lên 132 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, tăng trưởng 7% và là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp. Là đơn vị quản lý, kinh doanh 1 trong 2 bến xe quan trọng nhất của TP.HCM kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, WCS trong nhiều năm luôn nằm trong Top đầu về EPS trên thị trường, dù vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, tương đương 2,5 triệu cổ phiếu.

Dù không có sự đột biến như SRA hay VCF khi lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng sự ổn định vẫn giúp CTD của Xây dựng Coteccon nằm trong top EPS cao nhất thị trường. Coteccons đã kết thúc năm 2018 với doanh thu 28.561 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn cao khiến lợi nhuận gộp giảm, từ đó giảm lợi nhuận cả năm gần 9% còn 1.510 tỷ đồng. EPS tương ứng đạt 18.537 đồng, đưa CTD lọt top doanh nghiệp có EPS cao nhất sàn chứng khoán. Một điểm cộng của CTD vẫn là việc doanh nghiệp luôn duy trì không có vay nợ ngân hàng. Đến hết năm 2018 công ty còn có khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm là 3.707 tỷ đồng. Trong thời gian tới nếu kế hoạch M&A với nhiều công ty liên quan (bao gồm Ricons) hoàn tất sẽ là nhân tố làm thay đổi cục diện một cách tích cực cho Coteccons.

Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) sau khi giữ vị trí quán quân EPS trên sàn chứng khoán năm 2017 với hơn 36.500 đồng/cổ phiếu, kết thúc năm 2018 đã rớt xuống vị trí thứ 5. Cụ thể, BCTC của TV2 cho biết kết thúc năm 2018 doanh thu thuần chỉ tương đương cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 224 tỷ đồng tăng 5% so với năm 2017. Với kinh nghiệm tham gia thực hiện xây dựng các công trình điện lực trọng điểm, đặc biệt là khu vực miền nam, cùng mối quan hệ sở hữu chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TV2 thường xuyên nhận được nhiều hợp đồng lớn theo đó lợi nhuận của doanh nghiệp này đã tăng trưởng khá đều đặn từ năm 2012 đến nay và ghi nhận đột biến trong năm 2017 rồi tiếp tục có mức tăng trưởng dương trong năm 2018.

Cùng với SRA, VCF, WCS, CTD và TV2, một số doanh nghiệp cũng đạt mức EPS khá cao còn có Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) – 17.772 đồng, Vĩnh Hoàn (VHC) – 15.585 đồng, Giống cây trồng Trung Ương (NSC) – 14.982 đồng, Văn hóa Phương Nam (PNC) – 13.545 đồng, Tập đoàn COTANA (CSC) – 11.387 đồng. Trong đó VHC là doanh nghiệp lần đầu tiên lọt top này có một kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng với mức lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. Con số lợi nhuận Vĩnh Hoàn đạt được trong năm vừa qua tương đương lợi nhuận trong 3 năm 2015; 2016 và 2017 cộng lại. 

Trường hợp của Văn hóa Phương Nam (PNC) cũng rất đáng chú ý khi suốt cả giai đoạn 2004 – 2017 mỗi năm Văn hóa Phương Nam (PNC) nếu không lỗ thì cũng chỉ lãi vài tỷ thậm chí 2017 lỗ tới hơn 66 tỷ đồng nhưng đã kết thúc năm 2018 với con số lãi 146 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Việc lãi lớn trong năm 2018 cũng đã được PNC lan tỏa tới cổ đông khi vào 29/11/2018 công ty đã tiến hành chi tạm ứng cổ tức 2018 cho cổ đông với tỷ lệ 20% - Đây cũng là lần trả cổ tức đầu tiên bằng tiền của PNC kể từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó Cotana (CSC) cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất tốt trong năm 2018 khi doanh thu ghi nhận 495 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng đạt 127 tỷ đồng, tăng 92%.

Gần 20 cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng: Bất ngờ với những cái tên dẫn đầu - Ảnh 2.

Có thể thấy, trong số các doanh nghiệp có EPS cao năm 2018 có khá nhiều cái tên là những công ty có quy mô tài sản - nguồn vốn chỉ ở mức vài trăm tỷ đồng, không quá lớn trên thị trường. Tuy nhiên, nhờ những lợi thế ở các lĩnh vực, địa bàn kinh doanh đặc thù mà doanh nghiệp vẫn đạt được hiệu quả sinh lời vượt trội. Bên cạnh kết quả lợi nhuận cao so với vốn điều lệ, một điểm chung dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp có EPS cao là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khá dồi dào, duy trì được cơ cấu tài chính lành mạnh, hầu như ít vay nợ, chi trả cổ tức đều đặn.

Tú Anh

Tài chính Plus

Trở lên trên