MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 20.000 hướng dẫn viên lo mất ‘nồi cơm’

Dù có thẻ hành nghề nhưng nếu không đáp ứng được các điều kiện mới thì hướng dẫn viên du lịch tự do sẽ thất nghiệp.

Tổng cục Du lịch vừa yêu cầu Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL các tỉnh, TP triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Điều kiện hành nghề HDV du lịch tại luật mới này có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch 2005.

Phải đáp ứng nhiều điều kiện mới

Theo đó, HDV du lịch chỉ được hành nghề khi đáp ứng được một loạt quy định mới. Cụ thể, HDV phải có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, HDV du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Như vậy, dù có thẻ hành nghề nhưng HDV tự do cũng không được phục vụ, hướng dẫn khách nếu không đáp ứng những điều kiện trên.

Theo bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, trước đây HDV không cần các điều kiện ràng buộc như trên là do quy mô hoạt động ngành và số lượng HDV còn ít. Nay sự tăng trưởng ngày càng tăng cao nên đã nảy sinh ra một số vấn đề buộc phải thay đổi cách quản lý.


Từ ngày 1-1-2018, hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được hành nghề.Ảnh: TÚ UYÊN

Từ ngày 1-1-2018, hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được hành nghề.Ảnh: TÚ UYÊN

“Vì vậy, quy định mới yêu cầu phải có hợp đồng với công ty du lịch lữ hành, nghĩa là hợp đồng lao động. Trong đó bao gồm các trách nhiệm cho người lao động như bảo hiểm y tế, xã hội và hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch…” - bà Thảo giải thích thêm.

Đại diện Tổng cục Du lịch cũng cho rằng việc bổ sung một số nội dung mới nhằm tạo điều kiện cho HDV hành nghề cũng như bảo vệ quyền lợi của HDV và các đối tượng liên quan. Bởi hiện nay cả nước có hơn 20.000 HDV du lịch nội địa và quốc tế, trong đó phần lớn HDV tự do. Chính điều này khiến cho việc quản lý HDV đang gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng hiện nay có khoảng 19.000 HDV du lịch trên cả nước hành nghề tự do, không có một tổ chức nào quản lý. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy, lộn xộn nên cần được quản lý.

Lo mất việc

Trước nhiều điều kiện mới, các HDV du lịch tự do lo lắng bị mất việc ngay cả khi có thẻ hành nghề. Anh Tính, một HDV tự do tiếng Hàn Quốc, chia sẻ đã có thẻ HDV rồi là hành nghề hợp pháp. Nay lại yêu cầu buộc phải làm cho một công ty du lịch lữ hành hoặc phải là hội viên của hội HDV… mới được hành nghề là không cần thiết.

“Ngoài ra, nếu vào hội HDV phải đóng phí rất tốn kém. Đó là chưa kể hội có thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng tôi không, hay chúng tôi vào hội chỉ tốn phí” - anh Tính phân vân.

Hơn nữa, cũng theo anh Tính, các công ty du lịch thường chỉ có vài HDV cơ hữu, còn phần lớn là thuê HDV tự do để giảm chi phí. Bởi vậy, HDV tự do không dễ để trở thành nhân viên chính thức của DN lữ hành, tức là rất khó để đáp ứng yêu cầu của quy định mới.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Quyền, chuyên gia du lịch, phân tích quy định HDV phải có hợp đồng lao động với công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp… sẽ gây khó khăn cho các HDV tự do.

Luật sư Nguyễn Minh Hương, Văn phòng luật sư A Hòa, cho rằng nếu bắt buộc tất cả HDV du lịch phải hội đủ hàng loạt điều kiện tại Luật Du lịch 2017 mới được hành nghề là vô lý.

“Ví dụ, HDV du lịch không thể vừa phải ký hợp đồng lao động lại còn phải ký hợp đồng hướng dẫn. Đó là chưa kể cho đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên nên vẫn phải chờ” - luật sư Hương dẫn chứng.

“Vì để đáp ứng yêu cầu này, HDV tự do phải đi xin việc ở các công ty cung cấp dịch vụ hợp đồng du lịch hoặc xin gia nhập hội HDV du lịch. Nhưng đến nay lại chưa có công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch nào xuất hiện. Do đó, HDV tự do chỉ có một con đường duy nhất là phải gia nhập hội HDV du lịch. Trong khi đáng lẽ nên để cho các HDV được phép hành nghề tự do cho dù họ có gia nhập hội hay không” - ông Quyền đặt vấn đề.

Còn theo luật sư Lê Hà Gia Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định về điều kiện của HDV du lịch phải có hợp đồng lao động hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch là không phù hợp. Bởi việc gia nhập hội viên của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp là sự tự nguyện, tán thành điều lệ và được tổ chức đó đồng ý kết nạp chứ không thể ép buộc vào đó thì mới có thể được làm nghề.

“Việc đưa điều kiện này là không khả thi. Nên loại bỏ điều kiện này vì đây cũng chính là biến tướng của giấy phép con, gây cản trở việc hành nghề chính đáng của người lao động trong lĩnh vực du lịch” - bà Thanh nhấn mạnh.

Còn hoài nghi về hội

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, nhận xét đội ngũ HDV du lịch là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng tour của công ty du lịch lẫn ngành du lịch. Vì vậy, để đội ngũ này vào một tổ chức để quản lý, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, truyền đạt các chính sách của ngành là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Võ Minh Đương, thành viên Câu lạc bộ HDV du lịch TP.HCM với 4.000 hội viên, chia sẻ nếu vào hội thì phải đóng phí theo quy định. Nhưng vấn đề này cần xem xét kỹ bởi HDV du lịch tự do không có lương căn bản, phụ thuộc vào công tác phí của mỗi tour, thu nhập không nhiều.

“Hơn nữa, nhiều thành viên trong câu lạc bộ thắc mắc quyền lợi của họ khi tham gia vào hội được đảm bảo ra sao. Ví dụ, khi HDV hợp tác với một công ty dẫn tour nhưng công ty này không trả công tác phí, hội sẽ làm gì? Hội có chức năng mua bảo hiểm cho HDV không…?” - ông Đương nói.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên