Gần 22,27 tỷ USD của Việt Nam xuất ngoại, 1/4 số tiền khổng lồ trên "chảy" vào một quốc gia
Quốc gia này luôn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Lào nhận được nhiều đầu tư nhất từ Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 7 tháng năm 2024. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 64 dự án mới và 15 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 150,7 triệu USD (bằng 47% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 38,9% vốn), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 19,2% vốn); bán buôn, bán lẻ (chiếm 16,4% vốn). Còn lại là các ngành khác.
Có 23 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (36,2%); Lào (24,3%); Hoa Kỳ (12,4%); Campuchia (8,2%)…
Lũy kế đến ngày 20/7/2024, Việt Nam đã có 1.750 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,27 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%).
Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,1%);Venezuela (8,2%).
Các doanh nghiệp Việt đầu tư gì tại Lào?
Theo số liệu thống kê công bố cuối năm 2023, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan. Trong một bài phát biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, ông Viengsavanh Vilayphone, cho biết: "Đầu tư của Việt Nam đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho hàng nghìn người dân ở Lào, đồng thời cũng tạo ra thu nhập cho Chính phủ".
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào không chỉ đô thị đồng bằng mà cả vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn ở Lào. Các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam tại Lào rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp...
Công ty Star telecom với thương hiệu Unitel là một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thành công lớn tại Lào.
Hiện tại, Unitel là nhà mạng lớn nhất tại Lào với 3,3 triệu thuê bao, chiếm hơn 57% thị phần, góp phần đưa Lào trở thành một trong các nước có vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á. Đây cũng là doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông trong năm 2023.
Công ty Bảo hiểm Đại chúng Lanexang cũng là một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam tại Lào với mạng lưới hơn 200 đại lý trải rộng trên khắp cả nước. Lanexang là một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu tại Lào có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất thị trường (từ 40 - 50%).
"Các dự án đầu tư kinh doanh của Việt Nam tại Lào đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết khó khăn, phát triển cơ sở hạ tầng của Lào. Trong thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương để việc hợp tác với Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa" - Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh.
Đời sống pháp luật