Gần 25.000 ô tô nhập về, VAMA vẫn kêu khó
Tuần qua, cả nước có gần 4.000 ô tô đăng ký nhập khẩu về, chủ yếu xe từ ASEAN. Thế nhưng, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vẫn kêu khó vì vướng mắc từ Nghị định 116 chưa được tháo gỡ.
Xe miễn thuế nhập khẩu về ồ ạt
Thống kê mới nhất ngày 17/8 của Tổng cục Hải quan, cộng dồn từ đầu năm đến 15/8, cả nước đã nhập khẩu 24.451 xe ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá đạt hơn 592 triệu USD. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm nhiều nhất với 15.348 chiếc, tổng trị giá hơn 324 triệu USD. Xe tải nhiều thứ 2, với 7.754 chiếc, trị giá 171 triệu USD.
Riêng tuần qua, từ 10 đến 16/8, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu (NK) tăng mạnh so với tuần trước.
Cụ thể, lượng NK trong tuần đạt 3.723 chiếc, tổng trị giá đạt khoảng 89 triệu USD. Trong khi đó, tuần trước chỉ có 1.287 chiếc với tổng trị giá là 31,3 triệu USD.
Trong tuần qua, ô tô làm thủ tục NK chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 2.965 chiếc, Inđônêxia với 497 chiếc. Tính chung, xe từ 2 thị trường này chiếm tới 93% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần.
Xét về phân khúc, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm đa số với 1.858 chiếc, trị giá đạt 39,5 triệu USD, chiếm 49,9% lượng xe NK.
Trong số này, xe Thái Lan chiếm nhiều nhất với 1.228 chiếc (66%). Tiếp theo là xe xuất xứ In-đô-nê-xi-a với 428 chiếc, xe Đức với 85 chiếc. Còn lại là xe có xuất xứ từ Nhật Bản, Anh, ...
Trong tuần, không có chiếc xe ô tô trên 9 chỗ ngồi nào được làm thủ tục NK vào Việt Nam.
Thế nhưng, xe ô tô tải các loại lại tăng mạnh, với 1.840 chiếc, trị giá đạt 43 triệu USD, (tuần trước chỉ có 209 xe). Trong đó, xe Thái Lan có tới 1.737 chiếc, 69 chiếc của In-đô-nê-xi-a, 30 chiếc từ Belarus và 4 chiếc xuất xứ Trung Quốc.
Trong tuần có 25 xe ô tô chuyên dụng mở tờ khai NK với trị giá 6,6 triệu USD.
Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần này có 60,9 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được các doanh nghiệp NK vào nước ta, giảm 18% so với tuần trước.
VAMA vẫn kêu khó
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất một số vấn đề được quy định trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP đối với xe ô tô sản xuất trong nước (CKD).
Về hướng dẫn thủ tục để cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất (Giấy VTA), VAMA chỉ ra rằng hiện nay một số doanh nghiệp (DN) đã nộp hồ sơ tới Bộ Công thương để được hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều DN khác chưa thể bắt đầu xây dựng đường thử mới, nên còn lúng túng không biết có được tiến hành thủ tục đánh giá và xin phép đồng thời hay không?
VAMA kiến nghị Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ xin GCN cho các DN trước ngày 17/4/2019, tránh tình trạng bị gián đoạn hoạt động sản xuất của họ. Thứ hai, nhằm hướng dẫn thực hiện việc nâng cấp, xây mới hay được giãn tiến độ thực hiện việc xây dựng đường thử theo Nghị định 116.
Trong một văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 6, Bộ GTVT khẳng định hiện nay những hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… đã đáp ứng đầy đủ các quy định về Giấy VTA, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập khẩu xe về thị trường Việt Nam.
Tính đến trung tuần tháng 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 120 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu xe từ các doanh nghiệp với số lượng gần 60 kiểu loại ô tô khác nhau và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đã có gần 4.400 xe được cấp giấy chứng nhận để các DN hoàn tất thủ tục đưa xe về thị trường.
Về quy định đường thử xe CKD, Nghị định 116 quy định DN sản xuất, lắp ráp ô tô cần phải có đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 mm, tối thiểu 400mm đường thẳng trước ngày 17/4/2019.
Theo VAMA, hiện nhiều DN không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng đường thử (như Toyota, Mercedes- Benz Việt Nam, Isuzu). Ngoài ra, việc thuê đường cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử và ngược lại.
Theo đó, VAMA đề xuất Chính phủ và Bộ Công thương không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay.
Liên quan quy định phụ tùng và linh kiện lắp ráp phải được kiểm tra tại Việt Nam, VAMA cho rằng nếu đạt tiêu chuẩn ECE thì không cần thiết phải thực hiện thử nghiệm lại ở Việt Nam để tránh việc gây lãng phí và cắt giảm các thủ tục không cần thiết ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi Điều 6, Khoản 1 (quy định phụ tùng và linh kiện lắp ráp phải được kiểm tra tại Việt Nam) theo hướng chấp nhận báo cáo kiểm tra của nước ngoài, chứng nhận kiểu loại cho linh kiện, cụm linh kiện và chứng chỉ COP đã được áp dụng theo các quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 54 ban hành bởi Bộ Giao thông vận tải.
Đối với Nghị định 116 vẫn đang có hiệu lực, VAMA cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 về điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô chấp thuận 1 trong 2 loại chứng chỉ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất (đánh giá COP) hoặc chứng chỉ ECECOP do cơ quan tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc chứng chỉ COP do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Cuối cùng, VAMA đề nghị loại bỏ các loại chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết đối với việc sản xuất CKD như đã đề cập ở trên.
Tiền phong