MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 40 tỷ USD 'đổ vào' hệ thống tài chính, NHTW Trung Quốc bơm nhiều tiền chưa từng có kể từ năm 2020

16-10-2023 - 16:23 PM | Tài chính quốc tế

Gần 40 tỷ USD 'đổ vào' hệ thống tài chính, NHTW Trung Quốc bơm nhiều tiền chưa từng có kể từ năm 2020

PBOC đã bơm ròng 289 tỷ NDT (39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm.

Theo đó, ngày 16/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 289 tỷ NDT (39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm. Đây là số tiền lớn nhất được bơm vào nền kinh tế kể từ tháng 12/2020. Đồng thời, PBOC cũng rút ròng 134 tỷ NDT trái phiếu ngắn hạn thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối diện với đà tăng trưởng chậm chạp, khi giá tiêu dùng cho thấy nhu cầu trong nước ở mức yếu và số lượng khoản vay cũng không đạt kỳ vọng. Bắc Kinh cũng như chính quyền địa phương đang nỗ lực phát hành thêm trái phiếu để thúc đẩy hoạt động chi tiêu và thanh khoản trong hệ thống tài chính.

Becky Liu, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered, cho biết: “Việc bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính là nhằm duy trì sự ổn định của các điều kiện thanh khoản ngân hàng, trong bối cảnh các chính quyền địa phương của Trung Quốc đang phát hành thêm trái phiếu. Ngoài ra, động thái này cũng phản ánh sự cần thiết của thanh khoản trong hệ thống tài chính và từ phía các ngân hàng thương mại.”

Hiện tại, PBOC đang duy trì lãi suất của các khoản vay trung hạn (MLF) ở mức 2,5%. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đến 10 năm đã tăng từ 1 đến 3 điểm cơ bản ở phiên 16/10.

Động thái mới của PBOC được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cân nhắc về một đợt kích thích mới, nhằm giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5%. Dữ liệu cho thấy, Bộ Tài chính nước này đã bán 1,2 nghìn tỷ NDT trái phiếu chính phủ vào tháng 9, cao hơn 60% so với mức trung bình trong cùng kỳ 3 năm qua.

Những động thái hỗ trợ nền kinh tế dường như đang dần được Bắc Kinh triển khai, trong đó có một chương trình trị giá 1 nghìn tỷ NDT nhằm giúp chính quyền khu vực tái cấp vốn với các khoản nợ “ẩn” - mối rủi ro mà giới chức nước này muốn kiểm soát.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc về việc phát hành thêm trái phiếu chính phủ với trị giá ít nhất 1 nghìn tỷ NDT để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Số liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng trước bất ngờ sụt giảm, dù các chỉ số khác như xuất khẩu cho thấy tốc độ chậm lại ở mức vừa phải. Cho đến nay, giới chức Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp theo từng phần để hỗ trợ nền kinh tế, chưa có những động thái kích thích quy mô lớn.

Giám đốc PBOC, ông Pan Gongsheng, hôm thứ Bảy cho biết, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ sử dụng cả các công cụ có ảnh hưởng đến thanh khoản và mang tính cấu trúc. Ông nói: “Những gì chúng tôi thực hiện sẽ hướng đến đà tăng trưởng bền vững, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý.”

Dù thị trường vẫn thận trọng trước đà hồi phục kinh tế chưa ổn định, song các định chế tài chính từ Citigroup cho đến JPMorgan đã nâng mục tiêu tăng trưởng với Trung Quốc vào đầu tháng này, khi một số chỉ số có sự cải thiện trong đó có hoạt động sản xuất.

Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., cho biết, động thái bơm tiền mặt sẽ “bù đắp nhu cầu cung cấp trái phiếu chính phủ trong tuần này”.

Theo ông, tình trạng thiếu thanh khoản có thể sẽ được cải thiện vào nửa cuối tháng 10, khi các quan chức yêu cầu chính quyền địa phương sử dụng hết số tiền họ huy động được từ phát hành trái phiếu trước khi hết tháng.

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên