MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 60.000 doanh nghiệp 'chết lâm sàng': Mong gì từ Chính phủ?

Gần 60.000 doanh nghiệp 'chết lâm sàng': Mong gì từ Chính phủ?

Chỉ 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp (DN) đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Theo các chuyên gia,tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều DN rơi vào tình trạng kiệt quệ, đứt hơi.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa “chết” nhiều nhất

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, 5 tháng đầu năm cả nước có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Anh Nguyễn Anh Đức, Giám đốc một DN xây dựng tại Thanh Hoá cho biết, sau 2 năm cầm cự với dịch bệnh, vào tháng 4/2021, anh quyết định tạm ngừng kinh doanh. “Đây là quãng thời gian khó khăn nhất trong 8 năm kể từ khi tôi thành lập công ty. Nợ cũ khó đòi, để thực hiện công trình mới, chúng tôi phải chứng minh được dòng tiền, ngân hàng mới cho vay. Sau 2 năm “giật gấu vá vai”, tôi đành tạm ngừng kinh doanh, vì càng làm càng lỗ. Vốn lưu động của công ty hiện cũng cạn, chỗ nào xoay xở được đã vay hết”, anh Đức ngậm ngùi.

Anh Đức chỉ là một trong hàng nghìn chủ DN phải chấp nhận tạm ngừng kinh doanh. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương, tốc độ lây lan nhanh. Tính đến nay đợt bùng phát ảnh hưởng đến 30 tỉnh/thành phố. Điều này khiến hoạt động của DN ngày càng khó khăn, nhất là DN quy mô nhỏ.

“Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chấm dứt tồn tại mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Các lĩnh vực có số DN tạm ngừng nhiều nhất gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo. Có tới 90,9% DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, DN quy mô từ 10-20 tỷ đồng dừng hoạt động chiếm 5% và DN quy mô 50-100 tỷ đồng chiếm 0,9%.

Lần bùng phát dịch này còn khiến nhiều DN quy mô trên 100 tỷ đồng - vốn có sức chống chịu tốt nhất, cũng tạm ngừng kinh doanh. Điều này thể hiện qua con số có gần 200 DN vốn trên 100 tỷ đồng tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với năm 2020. Có tới 16/17 lĩnh vực kinh doanh có số DN phải tạm ngừng kinh doanh.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về mặt vĩ mô, so sánh số lượng DN thành lập mới, DN rút lui khỏi thị trường, DN tạm dừng kinh doanh và DN quay trở lại kinh doanh cho thấy rất đáng quan ngại. “Việc DN rút lui khỏi thị trường không phải là một cuộc tái cơ cấu chủ động. Trong số này, có rất nhiều DN rút lui khỏi thị trường đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động kinh doanh. Trong đó, nguyên nhân rất lớn đến từ đại dịch COVID-19. Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm, khi đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Khả năng cầm cự của DN tốt nhất là 3 năm, như vậy, sức khỏe của DN năm nay thấp hơn năm ngoái. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì số DN rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Hiếu cho biết.

Không mong Chính phủ cho tiền

Trước thực trạng trên, ông Hiếu kiến nghị, chính sách hỗ trợ DN, bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, với các gói hỗ trợ mới cần tính đến một cách bài bản hơn. Cần phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã kiên cường vượt qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn. Đứng trước đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, việc phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 3 tháng liên tiếp nhưng đến tháng 5, 6/2021 chưa biết sẽ thế nào khi dịch diễn biến phức tạp.

Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trong lúc khó khăn, cả thế giới xoay vần vì COVDID-19, Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế, từ đó hỗ trợ cộng đồng DN. “Tôi đi dự hội thảo các tỉnh, DN không mong Chính phủ cho tiền mà mong sự hỗ trợ từ các chính sách miễn giảm. Chi phí nào cắt giảm, miễn được thì miễn luôn. Chứ giãn thuế, khoanh nợ tiền thuê đất thì vẫn phải trả. DN mong muốn, đề nghị kỳ Quốc hội họp cần có quyết sách lớn, miễn luôn khoản thuế và tiền thuê đất, tạo động lực cực lớn cho DN sẵn sàng quay trở lại thị trường. Để giữ chân người lao động, nhằm giúp DN không rơi vào phá sản, cần tiếp tục thực hiện gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ vay trả lương người lao động. Ngoài ra, cần tăng thêm quy mô và điều kiện thụ hưởng đảm bảo sát thực tế”, ông Hoè kiến nghị.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức (Đại học Kinh tế Quốc dân) kiến nghị, Nhà nước nhanh chóng hỗ trợ DN nối lại các đứt gãy dây chuyền sản xuất của chuỗi giá trị. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên có chính sách mạnh mẽ hơn giúp DN duy trì lực lượng lao động, hoạt động sản xuất của nhà máy. Đồng thời có chính sách để hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho DN bởi hiện nay nhiều DN sản xuất không biết bán hàng cho ai.

Trong 5 tháng đầu năm cả nước có tới 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên