MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 700 người quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông

11-08-2018 - 15:26 PM | Xã hội

Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Hà Nội sắp chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ lùi chạy thử vào dịp 2-9 3 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại vào quý IV-2018

Ngay trong tháng 8 này, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng điện chạy thử nghiệm toàn tuyến. Dự kiến, sau 3 đến 6 tháng chạy thử nghiệm, người dân Hà Nội sẽ có thể đi trên những chuyến tàu trên cao với làn đường dành riêng và những quy định vận hành đặc biệt.

Giá vé sẽ cao hơn xe buýt

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) thông tin, hiện nay, toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%, còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Ban Quản lý dự án đường sắt đang chỉ đạo tổng thầu thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh.

Ngày 1-8, Ban đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu. Đề cập về nhân sự vận hành đoàn tàu khi đưa vào khai thác, ông Phương cho biết, hiện nay, tất cả nhân sự cho dự án đã được đào tạo lý thuyết hoàn chỉnh, đồng thời tiếp tục đào tạo, thực hành, sẽ tiếp nhận các chuyên ngành trong toàn dự án để sau khi dự án đảm bảo đủ điều kiện vận hành khai thác thì tiếp nhận lực lượng này. “Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác.

Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 (có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo, tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành”, ông Phương thông tin.

Tiết lộ về giá vé tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay, theo khảo sát, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt. Song, mức giá vé cụ thể sẽ do UBND TP Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được Nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.

 Gần 700 người quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông  - Ảnh 1.
Tàu đường sắt trên cao chạy kiểm tra kỹ thuật.

An toàn, an ninh là ưu tiên số một

Khi đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước đưa vào vận hành, nhiều người không khỏi quan ngại về vấn đề an ninh, an toàn. Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) khẳng định: “Chúng tôi nhận thức an toàn, an ninh là ưu tiên số một cho vận hành tuyến đường sắt này. Trong khu vực vận hành, khách đã trả vé và vào đều có nhân viên an ninh được đào tạo làm việc. Tuyệt đối không có chuyện để mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến hành khách”.

Vị này chia sẻ thêm: “Khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ để động vật không tiếp cận được. Ngoài ra, trên tuyến cũng có hệ thống camera giám sát. Tinh thần chung của chúng tôi là những gì dự án đầu tư còn thiếu sẽ bổ sung để đảm bảo an toàn. Với dự án đường sắt trên cao, trong quá trình thực hiện ngay từ khâu thiết kế, chúng tôi đã xác định an toàn là tiêu chí quan trọng, căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành liên quan đến an toàn. Còn có những tình huống khác, có thể là rủi ro, như chim bay vào đường ray, nhưng với đường sắt, cái này sẽ không có tác động gì lớn, ảnh hưởng đến an toàn.

Về điều khiển đoàn tàu có hệ thống thông tin và tín hiệu, là một trong những công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình vận hành, khi có sự cố đều được truyền tín hiệu về và có hệ thống camera giám sát, phát hiện các tình huống để có điều hành, điều khiển hệ thống đoàn tàu đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với con người, dù vô tình hay cố ý thì đã có hệ thống bảo vệ ở tất cả các nhà ga, có hệ thống rào chắn để dân không tiếp cận vào đường ray. Ngoài ra còn có hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến và các nhà ga".

Liên quan đến vấn đề kết nối xe buýt và chống ùn tắc giao thông, ông Chu Quang Trung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết: Việc kết nối với các phương tiện khác rất quan trọng, nếu kết nối thuận tiện sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân. Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Với tuyến QL6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhất, gồm 5 tuyến: 01. 02, 21A, 27, 33… Đây là các tuyến buýt quan trọng, có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao. Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại.

Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.

Về vấn đề ùn tắc, theo ông Chu Quang Trung, nếu tổ chức tốt thì việc ùn tắc sẽ giảm đáng kể. Việc quy hoạch nhà ga và các tuyến buýt kết nối phải được tính toán cụ thể để tạo thuận lợi cho hành khách.

Theo Phạm Huyền

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên