Gần 700.000 tỷ đồng đã được "bơm" ra nền kinh tế
Mặc dù chịu tác động bởi đợt bùng phát dịch lần 4, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2021 vẫn khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
- 09-09-2021BVSC: Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc bơm tiền thêm ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế
- 08-09-2021Kênh bơm tiền mới có khả năng dư thừa lớn?
- 05-09-2021Bắt đầu mở rộng “bơm tiền” trong tuần tới
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 25/8/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 7,06%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (4,75%).
Trả lời Người Đồng Hành, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Dòng vốn vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiếu yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo NHNN, tại thời điểm đầu năm, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống TCTD đạt hơn 9,19 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính trong 8 tháng đầu năm, các TCTD đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 680 nghìn tỷ đông.
Theo VDSC, sau giai đoạn gần như không tăng trưởng trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng bật tăng trong vài ngày cuối cùng của tháng. Các phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng sau đó có thể đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong nửa đầu tháng 8. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,66% so với đầu năm tại thời điểm 11/08/2021, tương đương giảm 0,3% trong vòng dưới hai tuần, chủ yếu do dư nợ cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, cho vay ngắn hạn trở thành động lực dẫn dắt sau đó, tăng từ mức 7,17% (11/08) lên 7,90% (25/08) trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn không thay đổi đáng kể. Nhóm phân tích cho rằng xu hướng này sẽ được duy trì trong tháng 9 do một số ngân hàng đang cố gắng sử dụng hạn mức tín dụng.
Cụ thể hơn, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới. VDSC kỳ vọng sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc muộn nhất là nửa đầu tháng 10. Hạn mức tín dụng hiện tại được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng. Nhóm phân tích ước tính hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện tại vào khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 12-13% cho cả năm.
Ở thời điểm hiện tại, giãn cách xã hội đã khiến việc thực hiện các thủ tục giấy tờ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến việc khởi tạo các khoản vay mới tiến hành chậm mặc dù các ngân hàng đã liên tục phát triển và ứng dụng công nghệ vào hệ thống. Việc phê duyệt cho vay trực tuyến tại các ngân hàng đã được giới thiệu rộng rãi, đặc biệt là đối với các khoản vay tín chấp. Tuy nhiên, một số khâu vẫn chưa hoàn toàn tự động hóa như việc thẩm định tài sản thế chấp. Quá trình xác minh hoặc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn đến rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Đây là một trong những lý do khiến nhiều ngân hàng thương mại tập trung vào nhóm khách hàng hiện hữu hơn là mở rộng khách hàng mới trong hoạt động tín dụng do hiểu rõ hơn hồ sơ rủi ro của khách hàng. Rủi ro tín dụng của nền kinh tế tăng cũng khiến các ngân hàng phải nới khẩu vị rủi ro để duy trì tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Mức độ giãn cách xã hội không đồng đều trên nhiều địa bàn được kỳ vọng sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng ở Hà Nội tương đối tích cực do tác động của đại dịch thấp hơn. Vào cuối tháng 8, cơ sở tín dụng tăng 8,3% so với đầu năm và 1,0% so với tháng trước, trở thành động lực chính cho toàn hệ thống. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh chịu tác động lớn từ giãn cách, chỉ đạt +5,8% so với đầu năm tính đến cuối tháng Bảy, thấp hơn mức trung bình và chủ yếu được đóng góp bởi dư nợ cho vay các khu công nghiệp và chế xuất.
Về tăng trưởng huy động, VDSC cho rằng, động lượng duy trì ổn định sau khi chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ trong hai tháng đầu năm. Tăng trưởng huy động đạt 4,44% so với đầu năm cuối tháng 8 (25/08), tăng từ mức 3,99% cuối tháng 7. Lãi suất huy động thấp đang gây áp lực lên phía người gửi tiền, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng kì vọng và yêu cầu tối ưu biên NIM góp phần làm giảm nhu cầu mở rộng mạnh cơ sở huy động ở các ngân hàng. Động lượng tăng trưởng đang được hỗ trợ bởi việc áp dụng tiền gửi trực tuyến và eKYC, vốn giúp ổn định nhu cầu gửi tiền trong điều kiện giãn cách xã hội.