Gần 80% môi giới bất động sản phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác
Trong năm 2023, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, môi giới bất động sản bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có gần 80% phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác.
Doanh nghiệp trăn trở về các khoản nợ đến hạn
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”, ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng với bất động sản (BĐS) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau “môi hở răng lạnh”. Khi BĐS gặp khó khăn thì ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn. Khi nhà thầu chậm thanh toán thì các nhà thầu phụ cũng chậm thanh toán dẫn đến ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động. Và hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đang vô cùng trăn trở về các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng .
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đang còn triển khai rất chậm. Trong đó, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến luật cần tháo gỡ thì mới thúc đẩy nhanh được.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đề xuất cần thu tiền sử dụng đất bình thường , thu tiền trước rồi trả tiền sau đối với những trường hợp đủ điều kiện. Các nhà đầu tư triển khai quy định cung cầu của thị trường.
Dự báo tình hình BĐS năm 2024 ông Hải nhận định, BĐS đô thị có thể phục hồi, BĐS công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng BĐS nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.
80% đơn vị môi giới rời bỏ thị trường
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, trong năm 2023, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, môi giới BĐS bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có gần 80% các đơn vị môi giới phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác.
Cũng theo ông Đính, theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đội ngũ môi giới sau này sẽ phải ràng buộc vào các sàn giao dịch. Do đó, việc môi giới bán các BĐS trái luật cũng đồng nghĩa với việc chủ các sàn giao dịch phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý.
Vì vậy, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, các sàn giao dịch BĐS sẽ phải chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý cho môi giới theo đúng quy định của pháp luật; cũng như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng nhân viên môi giới khi thị trường hồi phục, để phát triển bền vững.
Chia sẻ về góc nhìn của đơn vị môi giới trong bối cảnh thị trường đang bước đầu hồi phục, ông Mai Viết Vĩnh – Chủ tịch Mai Việt Land cho biết, mặc dù khó khăn từ đầu đến giữa năm nhưng từ cuối năm 2023, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ nên thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, thị trường bắt đầu tốt lên trong quý III và quý IV; đặc biệt là ở phân khúc căn hộ.
Theo ông Mai Viết Vĩnh, vùng đáy của thị trường BĐS rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Ông Vĩnh cho rằng, giai đoạn này hiện tại nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường BĐS có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu cũng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn.
Ông Vĩnh cho rằng, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục, trong năm 2024, các chủ đầu tư nên cơ cấu lại các nguồn vốn, chất lượng sản phẩm… từ đó tạo ra niềm tin lớn hơn nữa cho khách hàng, đặc biệt là mặt pháp lý của các dự án. Nếu giải quyết được những vấn đề này, cơ hội cho các chủ đầu tư, các sàn môi giới trong năm 2024 sẽ lớn hơn khi thị trường hồi phục mạnh , đặc biệt là thị trường ở những thành phố lớn và những khu vực đang phát triển….
Tiền phong