Gắn 'logo rởm' lòe người sử dụng
Không được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) thẩm định và cấp nhưng nhiều hãng mỹ phẩm tự ý gắn logo HVNCLC mà không đăng ký. Khi phát hiện, Hội yêu cầu gỡ logo này nhưng nhiều hãng cứ ngang nhiên sử dụng, lừa người tiêu dùng.
- 19-09-2016Kho mỹ phẩm ngoại tiền tỉ không rõ nguồn gốc
- 29-07-2016Đình chỉ lưu hành, thu hồi 13 loại mỹ phẩm không đạt chất lượng
- 26-07-2016Đà Nẵng: Hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Ngang nhiên xài “chùa”
Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm khi tung hàng ra thị trường đã tự gắn kèm logo chứng nhận HVNCLC để đánh bóng tên tuổi, lừa người tiêu dùng. Tại chợ Bình Triệu (Q. Thủ Đức), chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh)… chúng tôi được các quầy hàng giới thiệu nhiều loại kem trắng da, kem trị mụn – nám Như Tiên của cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân (Trường Thọ, Trường Long, Phong Điền, TP Cần Thơ). Chị Thanh, tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm ở chợ Bà Chiểu, chào mời: “Đây là thương hiệu lớn có uy tín, đã được chứng nhận HVNCLC nên em cứ yên tâm sử dụng. Sản phẩm này bán chạy lắm”. Tìm hiểu cho thấy tất cả các mặt hàng của công ty này đều gắn logo HVNCLC.
Còn tại chợ Bình Tây (Q. 6), các tiểu thương quảng cáo mỹ phẩm ROJZY JIALI của công ty TNHH Tân Minh Phong (ấp 4, xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An); nhau thai cừu phấn hoa Q-10 của công ty TNHH SX-TM MP Lê Hoàng Hà My (số 3, đường 176 ấp 4A xã Bình Mỹ, H. Củ Chi, TPHCM) độc quyền phân phối bởi công ty TNHH MTV TM HMP Nam Anh Khương (11/B6 KP, Bình Thuận 2, P. Thuận Giao, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) đều được gắn logo HVNCLC tràn lan. Các logo này cũng không giống nhau mà được các hãng tự “biến tấu” theo ý mình.
Khi chúng tôi đưa sản phẩm đến Hội DN HVNCLC, thành viên của Hội sau khi kiểm tra dữ liệu đều khẳng định đây không phải sản phẩm đạt chứng nhận HVNCLC. Logo của Hội bao giờ cũng phải có dòng chữ “Do người tiêu dùng bình chọn” và số năm kèm theo. Với mỹ phẩm Như Tiên, Hội cho biết khi đi các tỉnh miền Tây thấy rất nhiều băng rôn của cơ sở này gắn logo của Hội. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân cũng như các sản phẩm mỹ phẩm Như Tiên chưa từng được Hội chứng nhận là HVNCLC. Tương tự, mỹ phẩm hiệu ROJZY JIALI, công ty Nam Anh Khương, Lê Hoàng Hà My… cũng đang gắn “lậu” logo mà không xin phép.
Ngày 1/10, Tiền Phong đã liên hệ với các đơn vị đang xài “chùa” logo HVNCLC. Ông Huỳnh Văn Thành - Giám đốc cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân cho biết: “Năm 2010, tôi có đạt danh hiệu HVNCLC nên gắn logo này từ đó đến nay. Tôi không biết là phải đăng ký và xét bình chọn lại theo từng năm”. Còn ông Lê Văn Khương – giám đốc công ty Nam Anh Khương thừa nhận mình có sai trong việc sử dụng logo HVNCLC là do bộ phận in ấn… in nhầm.
“Tôi đã thay thế logo HVNCLC bằng logo HVNCLC theo tiêu chuẩn, logo cũng khác chứ không có biểu tượng như của Hội DN HVNCLC”. Tuy nhiên, theo vào website của công ty Nam Anh Khương và các sản phẩm mới của công ty này đăng trên các phương tiện truyền thông, đều dùng logo có biểu tượng của Hội Doanh nghiệp HVNCLC. Đến chợ sỉ Bình Tây, các tiểu thương nơi này đưa ra hàng lố mỹ phẩm của Nam Anh Khương, Lê Hoàng Hà My… cũng gắn logo HVNCLC.
Bất lực
Theo Hội DN HVNCLC, để tham gia bình chọn đạt danh hiệu trên, DN phải có sản phẩm đạt tỉ lệ bình chọn tối thiểu 2% trên tổng số phiếu bình chọn nhóm sản phẩm; sản phẩm phải đáp ứng các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Riêng đối với ngành mỹ phẩm… DN phải cung cấp được quyết định cho phép lưu hành sản phẩm của Cục Quản lý Dược (đối với dược phẩm, mỹ phẩm). Để được gắn logo HVNCLC, sản phẩm và DN phải trải qua một quy trình điều tra, bình chọn nghiêm túc từ NTD và các cơ quan quản lý nhà nước.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC nói, việc “đi tắt đón đầu” danh hiệu này chính là sự mạo nhận, vi phạm nghiêm trọng tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, đồng thời lập lờ và gian dối với người tiêu dùng. “Mặc dù đã tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng mạo danh logo không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Hội không có thẩm quyền kiểm tra hay xử lý mà chỉ kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, kết quả không khả quan lắm”- bà Hạnh thừa nhận và cho hay, nếu DN chây ì thì nơi đây gửi công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, thanh tra Sở Khoa học công nghệ, Quản lý thị trường các tỉnh nơi DN hoạt động kiểm tra. “Nếu không khắc phục thì bước cuối cùng là khởi kiện ra tòa án”- đại diện Hội DN HVNCLC cho hay.
Không chỉ xài chùa logo, ngày 2/10 Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết vừa xử phạt Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My, người đại diện là ông Lê Văn Khương số tiền 120 triệu đồng do kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, địa chỉ sản xuất ghi trên Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm ở H.Củ Chi, TPHCM, nhưng thực tế tại địa chỉ trên không thực hiện sản xuất mỹ phẩm. Ngoài ra, cơ sở này sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Ngoài mỹ phẩm gắn lậu logo, Hội DN HVNCLC còn phát hiện nhiều sản phẩm chưa đạt chứng nhận HVNCLC nhưng vẫn gắn logo. Cụ thể: Công ty TNHH Nhựa Rạng Đông Hà Nội Việt Nam (sản phẩm tôn nhựa); Công ty CP sản xuất & kinh doanh đồ uống Thảo Mộc (sản phẩm rượu vang); Cơ sở sản xuất áo mưa Tùng Linh, địa chỉ: xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Tiền phong