Gần như chắc chắn đối diện lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc cảnh báo chiến tranh lạnh
Việc Trung Quốc thể hiện quyết tâm thông qua Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông bằng mọi giá sẽ tiếp tục khoét sâu những căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- 24-05-2020Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị cô lập trong trật tự kinh tế toàn cầu mới
- 24-05-2020Thất nghiệp quy mô lớn nhất 30 năm, lãnh đạo Trung Quốc bị đặt dưới mục tiêu bất khả thi
- 24-05-2020Mỹ không dễ trả đũa Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông?
- 23-05-2020Mỹ thêm 33 công ty và tổ chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt
- 23-05-2020Trung Quốc lần đầu không có ca mắc Covid-19 mới sau gần 6 tháng
Lệnh trừng phạt treo trên đầu
Trong những ngày gần đây, việc Trung Quốc muốn thực thi luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông đang trở thành tâm điểm mới của thế giới. Bắc Kinh không hề giấu diếm mục tiêu thông qua luật này "bằng mọi giá". Thậm chí, Trung Quốc còn nói rằng họ đã tính tới phản ứng của thế giới khi quyết tâm thông qua luật này.
Đáp lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết Chính phủ Mỹ có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh hiện thực hóa điều này. Việc muốn kiểm soát Hồng Kông có thể buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không xác nhận đặc khu này được duy trì quyền tự trị ở mức độ cao. Nó sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được thông qua năm 2019.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong cuộc họp Quốc hội ở Trung Quốc.
Điều này, gần như chắc chắn sẽ xảy ra bởi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã gọi đạo luật của Trung Quốc là "đòn chí mạng" cho quyền tự trị của Hồng Kông. Thậm chí, điều này cũng khiến cho đặc khu này mất đi vai trò là một trong những trung tâm tài chính lớn toàn cầu.
"Thật khó để tưởng tượng Hồng Kông, một trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, sẽ ra sao sau khi bị Trung Quốc kiểm soát. Nếu những giá trị cốt lõi của Hồng Kông biến mất, tôi không chắc cộng đồng tài chính có thể ở lại đó. Họ sẽ không ở lại Hồng Kông khi nơi này bị Bắc Kinh chi phối", Cố vấn O’Brien cho biết trong một buổi gặp gỡ với báo chí.
Là thuộc địa của Anh, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997 với một cam kết được duy trì sự tự trị cao với tự do có độ mở lớn hơn. Hiện tại, Hồng Kông vẫn là khu vực hành chính đặc biệt so với phần còn lại của Trung Quốc. Đặc khu này cũng được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi của Mỹ và tiếp tục duy trì được vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.
Nguy cơ một cuộc chiến tranh Lạnh mới
"Mỹ nên từ bỏ những mơ mộng hão huyền trong việc thay đổi Trung Quốc", Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết trong một tuyên bố. Ông Vương cũng nói rằng một số người ở Mỹ đang đẩy mối quan hệ giữa 2 nước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong vài tháng qua khi Mỹ trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, vốn lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ngoài ra, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến địa chính trị. Động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc thắt chặt kiểm soát Hồng Kông có thể đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới.
"Một số thế lực chính trị Mỹ đang bắt giữ mối quan hệ Mỹ - Trung làm con tin, cố gắng đẩy mối quan hệ tới cái gọi là bờ vực của cuộc chiến tranh lạnh mới. Điều này rất nguy hiểm và gây hại cho hòa bình thế giới", ông Vương Nghị cho biết.
Không chỉ vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng được ông Vương Nghị đưa ra cảnh báo Mỹ, nhất là khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phá vỡ truyền thống, lên tiếng chúc mừng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đắc cử. Về phần mình, Bắc Kinh vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh của nước này.
Cảnh sát sử dụng hơi cay giải tán đám đông chống luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc dành cho đặc khu hành chính Hồng Kông.
Vấn đề Triều Tiên cũng được phía Trung Quốc nhắc tới trong mối quan hệ này. Lần đầu tiên lên tiếng sau những nghi vấn về vấn đề sức khỏe, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã yêu cầu các tướng lĩnh quân đội tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của đất nước. Điều này dường như cho thấy Triều Tiên muốn đẩy mạnh khả năng hạt nhân của mình.
"Chúng tôi nhìn thấy những bước tích cực của Triều Tiên trong vài năm gần đây, bao gồm xuống thang và cam kết phi hạt nhân hóa. Đáng tiếc, những động thái này không nhận được phản hồi một cách thực chất từ phía Mỹ. Đó chính là lý do dẫn tới sự bế tắc trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều", ông Vương Nghị đổ lỗi cho phía Mỹ.
Với vấn đề Hồng Kông, Trung Quốc tiếp tục khẳng định đây là chuyện "nội bộ" của mình và không muốn nước ngoài can thiệp. Tuy nhiên, ông Vương Nghị không trực tiếp đề cập đến các lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt lên Trung Quốc sau khi nước này cố gắng áp dụng Đạo luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông.
Về đại dịch Covid-19, Mỹ tiếp tục đổ lỗi cho phía Trung Quốc trong bối cảnh số người chết ở Mỹ đã lên tới gần 100.000. Với sự hỗ trợ của lưỡng đảng, Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc về việc không tiết lộ sớm thông tin về khả năng lây lan của Covid-19, dẫn tới việc dịch bệnh bùng phát ở châu Âu và Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc luôn bác bỏ những cáo buộc.