Gánh nặng vỡ nợ đè nặng trên vai, Trung Quốc cho ra mắt các quỹ 'giải cứu doanh nghiệp' ở khắp các địa phương
Nhận định về việc thành lập các quỹ này, S&P Global cho biết những nỗ lực như vậy sẽ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Dẫu vậy, nếu các quỹ này tập trung nhiều hơn vào việc duy trì việc làm tại địa phương và thực hiện các gói cứu trợ, thì điều này sẽ chỉ làm tăng số lượng các công ty "xác sống".
Theo Nikkei, giới chức Trung Quốc và chính quyền các địa phương đã thành lập các quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước đề phòng nguy cơ vỡ nợ. Các quỹ này nắm giữ 210 tỷ CNY (32,5 tỷ USD), sẵn sàng để giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Tháng 6, thành phố Thiên Tân đã thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ USD, cho biết mục đích là nhằm nâng cao niềm tin của thị trường vào các doanh nghiệp nhà nước của thành phố này. Trong khi đó, khu tự trị dân tộc Choang tại Quảng Tây đã mời các chuyên gia đến dự một cuộc họp hồi tháng 4, thảo luận về việc ra mắt một quỹ tương tự.
Hiện tại, chi tiết về các quỹ trên vẫn chưa được tiết lộ. Song, các địa phương này dường như đang nỗ lực tìm cách củng cố vị thế tài chính của các doanh nghiệp nhà nước thông qua một số bước, như giúp chuyển các khoản vay ngắn hạn lãi suất cao thành nguồn hỗ trợ tài chính dài hạn với lãi suất thấp. Ngoài ra, kế hoạch này còn có sự tham gia của các ngân hàng địa phương, điều này làm giảm bớt gánh nặng cho chính quyền các khu vực đang gặp khó khăn.
Tỉnh Hà Nam và Hà Bắc đều đã cho ra mắt các quỹ trị giá 30 tỷ CNY trong năm vừa qua. Tỉnh Vân Nam cũng có kế hoạch thành lập quỹ tương tự, với quy mô tài chính lớn hơn. Việc thành lập các quỹ của địa phương được thực hiện sau khi Bắc Kinh đưa ra một số quỹ "kiểu mẫu".
Tháng 7/2020, Trung Quốc đã thành lập một quỹ 100 tỷ CNY, nhằm xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu có nguy cơ xảy ra. Quỹ này được hậu thuẫn bởi 31 công ty do trung ương kiểm soát và China Reform Holdings thuộc sở hữu nhà nước.
Tình hình tài chính của các công ty do trung ương sở hữu là tương đối khả quan. Điều này cũng tương tự đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước trên khắp Trung Quốc. Số liệu của Bộ Tài chính nước này cho thấy tỷ lệ nợ của họ chỉ tăng ở mức vừa phải vào năm 2020, dù phải đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, các công ty này thường hoạt động ở các lĩnh vực như tài nguyên thiên nhiên và bất động sản.
Truyền thông địa phương đưa tin, công ty khai thác than được tỉnh Hà Bắc hậu thuẫn - Jizhong Energy, đã không thể thanh toán khoản trái phiếu hết hạn vào tháng 3. Họ cho biết nguyên nhân là do sự cố hệ thống, nhưng nhà đầu tư tại các công ty như vậy vẫn rất cảnh giác.
Hồi tháng 3, nội các của Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn giải quyết rủi ro nợ từ các công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương. Giới chức đã kêu gọi chính quyền địa phương giảm thiểu rủi ro bằng cách thành lập các quỹ "giải cứu vỡ nợ" như Bắc Kinh và các công ty thuộc kiểm soát của trung ương đã triển khai.
Nhận định về việc thành lập các quỹ này, S&P Global hôm 28/6 cho biết rằng những nỗ lực như vậy sẽ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Dẫu vậy, nếu các quỹ này tập trung nhiều hơn vào việc duy trì việc làm tại địa phương và thực hiện các gói cứu trợ, thì điều này sẽ chỉ làm tăng số lượng các công ty "xác sống". Đây là những doanh nghiệp mắc nợ và hầu như không thể hồi phục khả năng tự chủ tài chính. Hơn nữa, một hậu quả khác sẽ là làm chậm lại quá trình cải cách về hoạt động quản lý của các công ty nhà nước.
Ngoài sự hỗ trợ tài chính của các quỹ, S&P nhận định năng lực cạnh tranh của chính các công ty đó sẽ cần phải cải thiện để giải quyết những vấn đề về nợ trong dài hạn.
Tham khảo Nikkei