'Gáo nước lạnh' với người tiêu dùng: Giá vé máy bay sẽ ngày càng đắt hơn
Ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường hậu đại dịch Covid-19, giá vé máy bay sẽ không rẻ hơn như nhiều người mong đợi mà ngược lại.
- 14-09-2022Phi cơ chở quan tài của Nữ hoàng Anh trở thành chuyến bay được theo dõi kỷ lục trong lịch sử hàng không
- 12-09-2022Cựu CFO Tesla gia nhập công ty khởi nghiệp giao hàng bằng máy bay không người lái
- 02-09-2022Mỹ: Hơn 20 triệu gia đình không đủ tiền thanh toán phí dịch vụ hàng tháng
- 26-08-2022Mỹ đình chỉ 26 chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc
William Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết vé máy bay sẽ trở nên đắt hơn, do thiếu nguồn cung nhiên liệu (dầu) cũng như tình trạng tài chính kém khả quan của các hãng.
Theo đó, Walsh cho biết công suất lọc dầu không chỉ suy giảm trong thời hậu đại dịch mà đây sẽ là xu thế chung trong tương lai. Hiện tại, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm 5,4% vào năm 2022 sau khi đạt đỉnh năm 2019. Đây cũng là mức lọc dầu thấp nhất 8 năm qua. Sự sụt giảm diễn ra khi nhiều nhà máy lọc dầu đóng cửa và chuyển đổi sản xuất sang các loại nhiên liệu tái tạo hơn.
Tuy nhiên, ông Walsh cũng nêu ra một nghịch lý rằng khi người tiêu dùng đang trả giá vé cao hơn, điều đó không đồng nghĩa các hãng hàng không vì thế mà có lợi nhuận gia tăng.
"Và với tình trạng tài chính của nhiều hãng hàng không, không hẳn là họ muốn thu lợi từ khách hàng. Chỉ đơn giản là họ muốn chuyển một khoản chi phí mà họ không thể tự hấp thụ cho người đi máy bay. Đó là điều không thể tránh khỏi", ông Walsh cho biết.
Giá vé máy bay đã tăng vọt 25% trong năm qua, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1989. Riêng trong tháng 4, giá vé máy bay đã tăng 18,6%. Tuy nhiên, những vấn đề với ngành hàng không chưa kết thúc. Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục làm gia tăng những bất ổn và có thể khiến giá vé máy bay nói riêng tăng cao hơn nữa.
Akbar Al Baker, Giám đốc điều hành của Qatar Airways, cũng đã xác nhận điều này. Trong bối cảnh hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 của Trung Quốc là điều mà ông Akbar Al ít lo ngại nhất. Ở chiều ngược lại, những diễn biến mới xoay quanh Nga – Ukraine mới là mối bận tâm của các hãng hàng không.
Trong trường hợp bất ổn địa chính trị tiếp tục gia tăng, lạm phát sẽ được thúc đẩy và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng. Kết quả là số người đi máy bay sẽ ít hơn và đó là điểm yếu chết người với các hãng hàng không.
"Một điều khác mà chúng tôi không thể không lo lắng chính là sự bất ổn của giá dầu. Việc các hãng hàng không phải chuyển chi phí lên khách hàng có thể khiến nhiều người không còn thiết tha đi du lịch nữa", Akbar Al nói.
Để giải bài toán này trong lương lai, CEO Qatar Airways kêu gọi các hãng hàng không đầu tư nhiều hơn vào nhiên liệu thay thế. Bản thân họ sẵn sàng đầu tư vào các loại nhiên liệu bền vững với điều kiện chúng phải có "giá cả hợp lý".
"Chúng tôi chẳng thấy phiền nếu phải trả nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, chúng tôi không thể trả cái giá gấp 4-5 lần bình thường cho loại nhiên liệu xanh", ông Akbar Al nói.
Các hãng hàng không cũng bày tỏ mong muốn các nhà phát triển đầu tư nhiều hơn vào năng lượng bền vững hơn là các nhà máy lọc dầu truyền thống nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường. Năm ngoái, IATA đặt mục tiêu ngành hàng không toàn cầu phải đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Nhiên liệu hàng không bền vững có thể giúp họ đạt mục tiêu đó.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều cần thời gian và bài toán khó của thời điểm hiện tại sẽ chưa được giải quyết.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Kinh tế