MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khó tính

20-07-2023 - 18:42 PM | Thị trường

Gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khó tính

VTV.vn - Xuất khẩu gạo tăng mạnh vào EU hay các thị trường khó tính khác cho thấy hạt gạo Việt Nam đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn qui định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giá lúa gạo tiếp đà tăng

Giá lúa gạo tại thị trường trong nước tiếp đà tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn là những thông tin tích cực cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Tại một số khu vực thuộc Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, lúa sắp thu hoạch tăng mạnh. Với diện tích lúa thu hoạch vào nửa cuối tháng 7 tại Kiên Giang, Long An, nông dân chào bán mức giá 6.400 - 6.500 đồng/kg.

Còn trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã điều chỉnh tăng 5 USD/ tấn.

Cùng với gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ cũng điều chỉnh tăng ở mức 4 - 10 USD/ tấn, tuỳ loại.

Gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khó tính - Ảnh 1.

Giá lúa gạo đang tiếp đà tăng. Ảnh min họa.

Xuất khẩu gạo có thể đạt kỷ lục

Theo nhận định của các doanh nghiệp, năm nay xuất khẩu gạo có thể đạt kỷ lục ở cả số lượng và giá trị kim ngạch. Xu hướng chung là nhiều doanh nghiệp đã mở rộng xâm nhập vào những thị trường khó tính.

Trong tháng 7, công ty Trung An tiếp tục là doanh nghiệp 3 năm liên tiếp trúng thầu đơn hàng xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc với mức giá 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao so với mặt bằng chung các nước xuất khẩu. Kết quả này có được là nhờ doanh nghiệp đã có chiến lược từ sớm trong cải thiện chuỗi sản xuất.

Trong 800 ha vùng nguyên liệu thì đơn vị đã có 200 ha đạt chứng nhận Organic của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Với hướng đi này gạo Việt có thể xuất khẩu ổn định ở bất cứ thị trường nào.

Gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khó tính - Ảnh 2.

Gạo Việt Nam đang có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Ảnh minh họa.

Mặc dù xuất khẩu gạo năm nay đang có nhiều thuận lợi, nhưng do các quốc gia xuất khẩu gạo cũng đồng loạt tăng khối lượng nên đã đẩy các doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh gay gắt về giá bán.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần phát triển các thị trường mới, các thị trường FTA và thị trường ngách từ khu vực Bắc Mỹ, EU... với các chủng loại gạo thơm chất lượng cao.

Liên kết nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Xuất khẩu gạo tăng mạnh vào EU hay các thị trường khó tính khác cho thấy hạt gạo Việt Nam đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn qui định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại ĐBSCL, việc doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất, chế biến tạo ra mặt hàng gạo tốt, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn chất lượng trong chuỗi cung ứng xuất khẩu đã được duy trì trong những năm gần đây.

Những cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, giữa doanh nghiệp với nhà nông liên tục mở rộng trong những năm gần đây ở ĐBSCL. Dù là bao tiêu theo giá thị trường hay thỏa thuận ký kết với mức cố định, mô hình liên kết này vẫn cho hiệu quả nhất định.

Gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khó tính - Ảnh 3.

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được triển khai ở ĐBSCL. Ảnh minh họa.

Canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn là chủ trương lớn hướng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm khuyến khích nông dân áp dụng. Thành phố Cần Thơ với khoảng 70.000 ha lúa vụ Hè Thu năm nay, hầu như chất lượng đều được ổn định.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: "Vụ Hè Thu do cơ cấu giống tập trung là các giống chất lượng cao như là OM 5451 và các giải pháp canh tác theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm được ứng dụng rộng rãi nên chất lượng lúa cũng đảm bảo".

Sắp tới đây, Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được triển khai ở ĐBSCL. Với mục tiêu làm chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa của vùng, đề án sẽ giúp cung cấp thêm nguồn lúa chất lượng, đảm bảo lượng gạo chất lượng cao cho mục tiêu xuất khẩu.

Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ chiếm không quá 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 20%.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên