Gặp gỡ tác giả đồ án tốt nghiệp ấn tượng 'Ơ kìa Việt Nam'
Đồ án tốt nghiệp "Ơ kìa Việt Nam" của Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh - cử nhân chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Văn Lang, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng thời gian qua.
- 25-08-2022Cha mẹ minh triết dạy con 8 điều, chắc chắn con tự lập, tốt bụng và có ý chí
- 25-08-2022Đã bao giờ bạn thắc mắc bút chì 2B hay HB có nghĩa gì không? Mỗi loại mang sắc thái riêng và là trái tim của người họa sĩ
- 25-08-20225 NHÓM NGÀNH chưa ra trường đã được săn đón, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất 2020 và 2021: Bất ngờ nhất là ngành học này
Với Mỹ Hạnh, bất kỳ một tác phẩm ấn tượng nào đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho bản thân. “Tất cả mọi thứ đều diễn ra một cách rất tự nhiên. Mỗi ngày mình đều dành một chút thời gian để lướt trang Behance (Behance là trang mạng xã hội có lượng tương tác lớn nhất dành cho các nhà thiết kế, sáng tạo được thành lập từ năm 2006) và góp nhặt các 'bài học' thông qua những tác phẩm được đăng tải trên đó".
Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh (sinh năm 2000) là cử nhân ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Văn Lang.
Đồ án tốt nghiệp “Ơ kìa Việt Nam” của Mỹ Hạnh nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng thời gian gần đây. Chia sẻ về sự nổi tiếng này, cô bạn cho biết "bất ngờ đến ngơ ngác, ngỡ ngàng và bật ngửa”. “Mình cảm thấy 'Ơ kìa Việt Nam' được yêu thích là một sự may mắn. Mình rất trân trọng điều này”, Mỹ Hạnh cho biết thêm.
Cảm hứng của đồ án đến từ một trải nghiệm trong chuyến đi thực địa tại Huế của Hạnh. “Ý tưởng ban đầu xuất phát khi nhớ về một chuyến đi học thực địa môn ‘Nghiên cứu vốn cổ’ vào năm hai của mình tại Huế. Tại cố đô, mình không thể tìm thấy một món quà lưu niệm mang đặc trưng Huế, mà hầu hết là những món đồ chung chung như quạt, vòng tay, móc khóa... mà địa điểm du lịch nào trong nước cũng bán".
Từ đó, Mỹ Hạnh ấp ủ mong muốn truyền tải những hình ảnh nổi tiếng và đặc trưng của các địa danh nổi tiếng thông qua thiết kế của mình. “Với mong muốn có thể làm mới hình ảnh và quảng bá thêm về các địa danh Việt Nam, mình lựa chọn đề tài này để phát triển và thực hiện trong giai đoạn tốt nghiệp. Đến khi mình làm đồ án tốt nghiệp, giảng viên hướng dẫn đã hướng mình chuyển đề tài thành 'thiết kế bộ artwork', để không chỉ sử dụng trên áo thun mà còn có thể sử dụng được một cách đa dạng hơn cho những sản phẩm lưu niệm khác nhằm tăng tính ứng dụng thực tế của đồ án".
Sau nhiều đắn đo, băn khoăn cùng những thay đổi, thời gian thực hiện đồ án từ 4 tháng được rút ngắn còn 3 tháng với 12 địa danh nổi tiếng về du lịch của Việt Nam.
“Vì chưa có cơ hội đến tất cả những địa danh đó để cảm nhận được nét đặc trưng, nên những gì mình tìm hiểu và khắc họa trong đồ án có thể chỉ là những cảm nhận cá nhân", Mỹ Hạnh tâm sự.
Cái tên “Ơ kìa Việt Nam” cũng được Hạnh ướm đặt với ý đồ cụ thể. “Ý tưởng về sự bất ngờ khi mọi người tìm thấy được một điều mới và phải thốt lên 'Ơ kìa'. Cụm từ ‘Ơ kìa’ lặp đi lặp lại trên tất cả các phiên bản minh họa của địa danh để làm chủ đề với mong muốn khi người xem nhìn vào minh họa luôn cảm thấy độc đáo, hào hứng với những thắng cảnh của nước ta. Tùy từng địa danh mà sẽ thay đổi các chi tiết đặc trưng, tuy nhiên hình ảnh trong các artwork sẽ luôn được gói gọn trong bố cục tròn và nổi bật ở giữa sẽ là dòng chữ ‘Ơ kìa’ + tên địa danh”, tân cử nhân chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Văn Lang, chia sẻ.
Chia sẻ với Tiền Phong về tác phẩm tâm đắc nhất trong đồ án, Mỹ Hạnh lựa chọn “Ơ kìa Hà Nội” sau thời gian đắn đo: “Đây là tác phẩm mình dành nhiều thời gian cũng như tâm sức nhất. Tác phẩm thể hiện rất nhiều tinh thần Việt Nam từ nghìn năm văn hiến đến ngày nay”.
Sau khi ra mắt, “Ơ kìa Việt Nam” đã nhận được sự tương tác mạnh trên mạng xã hội. Mỹ Hạnh cho biết lời khen ấn tượng nhất với cô bạn đến từ thầy hướng dẫn Nguyễn Thanh Long. “Thầy nhận xét mình có khiếu minh họa và có tố chất làm nghề. Đây cũng là lời khen, cổ vũ mình trong quá trình làm đồ án cũng như sự nghiệp sau này”.
"Mình hy vọng sau khi xem qua những bức tranh minh hoạ này, mọi người sẽ có cảm hứng để khám phá đất nước tuyệt vời của chúng mình”, Mỹ Hạnh cho biết.“
Trước mắt mình đã có kế hoạch cùng một doanh nghiệp đưa 'đứa con tinh thần' ra thị trường, mong muốn sản phẩm sẽ được công chúng đón nhận. Trong tương lai, mình hy vọng có thể tiếp tục phát triển dự án này xa hơn nữa, có thể là 63 tỉnh/thành Việt Nam”, Mỹ Hạnh chia sẻ.
Tiền phong