Gặp gỡ tỷ phú tuổi Dần: Từ rời quê lập nghiệp khi mới 16 tuổi, phải đi rửa bát thuê đến ông trùm thể thao với khối tài sản hàng tỷ USD
Câu chuyện về sự vượt khó và thói quen đền đáp của vị tỷ phú này gợi cảm hứng cho rất nhiều người.
- 14-01-2022Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: 'Mọi người đều nói tôi bị điên'
- 27-12-2021Bỏ việc Microsoft vì chán để khởi nghiệp, người đàn ông 38 tuổi lập nên mạng xã hội có trên 1 tỷ người dùng, vượt mặt từ Mark Zuckerberg đến Jack Ma
- 03-12-2021Hành trình 'chỉ muốn quên đi' của 1 nhà phát triển Trung Quốc: Doanh nghiệp đầy tiềm năng thành 'chúa nợ', gia đình nhà sáng lập mất gần 90% tài sản
Vạn sự khởi đầu nan
Sau khi chiếc xe buýt dừng lại một thị trấn đại học nhỏ, Shahid Khan đã tìm đến hội sinh viên. Nhưng khách sạn của công đoàn yêu cầu 9 USD/đêm, cái giá này vượt quá khả năng của cậu trai mới rời quê nhà ở Pakistan đi lập nghiệp. Đế giày của Khan đã rách bươm khi đến được Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) để xin tá túc. Chàng trai Khan, khi đó mới 16 tuổi, chỉ có thể ở lại đây với giá phòng 2 USD/đêm để đợi đến khi ký túc xá Đại học Illinois mở cửa.
Ngày hôm sau, Khan bắt đầu làm công việc đầu tiên ở Mỹ. Chàng trai nhận đi rửa bát thuê với mức lương 1,20 USD/giờ. Cuộc hành trình của Khan bắt đầu sau một trận bão tuyết, thời tiết ngày hôm đó ở Illinois đặc biệt khắc nghiệt. Sau khi tuyết rơi liên tục hai ngày, lớp tuyết trên mặt đất dày hơn 60 cm. Đối với Khan, cuộc sống ở đây không hề tương đồng với quê hương Pakistan. Nhưng đây không phải là trở ngại, mà là cơ hội.
Chắc hẳn cậu bé 16 tuổi đó không thể ngờ rằng tương lai mình có thể xây dựng doanh nghiệp bằng cách nắm bắt cơ hội và thích nghi, giống như đêm đầu tiên ở Champaign. Doanh nghiệp của cậu sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp tỷ đô, mua lại đội bóng bầu dục Jacksonville Jaguars với giá 760 triệu USD và cậu sẽ thấy tên mình ở khắp nơi trong khuôn viên trường, trên những sân tennis và cả các tòa nhà của trường đại học.
Nếu cậu bé 16 tuổi đó có thể nhìn thấy tương lai của mình, có thể cậu sẽ vui mừng, nhưng hẳn là không hề ngạc nhiên bởi lẽ đó là những điều cậu xứng đáng nhận được. Khan đã đi lên từ bàn tay trắng bằng tinh thần, trí tuệ và sự chăm chỉ của chính mình.
Hòa nhập với môi trường mới
Trong một môi trường xa lạ, hầu hết mọi người đều muốn tìm đồng hương để cảm thấy được an ủi. Những Khan đã đi một con đường khác. Thay vì tìm kiếm hội đồng hương, Khan đã đăng ký tham gia hội sinh viên ngay khi có thể với mong muốn được gặp những người bạn mới "không quen thuộc" tại ngôi nhà mới của mình. Và rồi cậu sinh viên tìm thấy Beta Theta Pi, những người da trắng theo đạo Tin lành Anglo-Saxon ở đó đều yêu quý cậu.
Khan đã có cơ hội được tiếp xúc và tìm hiểu về xe mui trần, cũng như thị trường chứng khoán ở đó. Bên cạnh đó, cậu được học những môn thể thao xa lạ, khác hẳn với những môn cậu biết trong quá trình lớn lên ở Lahore, Pakistan, chẳng hạn như bóng bầu dục và cricket. Tại đây, cậu học bóng đá và bóng rổ. Và khi vẫn còn đang đi học, Khan đã bắt đầu làm việc tại một công ty sản xuất sản xuất phụ tùng ô tô có tên Flex-N-Gate.
Mike Henneman, một người trong hội sinh viên của Khan, cho biết: "Cậu ấy cũng giống như tất cả những chàng trai trẻ khác. Mọi người đều muốn cố gắng học tốt ở trường, thi thoảng uống một chút bia và tiệc tùng với các cô gái". Sau đó, Khan gặp cô bạn học Ann Carlson, hai người đã quyết định đi đến hôn nhân sau gần 10 năm Khan theo đuổi cô.
Bước đầu xây dựng đế chế kinh doanh
Năm 1978, Khan đem tất cả 16.000 USD tiền tiết kiệm và vay thêm 50.000 USD để thành lập Bumper Works, một doanh nghiệp nhỏ chuyên mảng phụ tùng xe tải. Hai năm sau, ông mua lại công ty Flex-N-Gate mà ông từng làm thêm ở đó.
Ngày nay, Flex-N-Gate là một tòa nhà nhỏ, màu xám với những bức tường như hòa cùng màu trời vào một ngày tháng 11 nhiều mây, buồn tẻ. Nơi đây không hề thay đổi so với 41 năm trước, khi Khan bắt đầu làm kỹ sư. Nhưng tòa nhà đã trở thành một phần của một công ty lớn với 12.450 nhân viên tại 54 cơ sở khác nhau.
Văn phòng của Khan có diện tích khiêm tốn với nội thất giản dị và tiền sảnh nhỏ thiếu ánh sáng. Ông vẫn đến đây vài lần một tuần để gặp mặt các nhân viên. Văn phòng của ông chính là nơi ông và các đồng nghiệp của mình thiết kế và sản xuất các bộ phận ô tô.
Bước đầu khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi các doanh nghiệp đều đã có thị phần nhất định. Vì vậy, Khan và đồng sự quyết định bắt đầu với các công ty Nhật Bản, bởi lúc đó họ đang nhập khẩu xe tải nhỏ vào Mỹ, và dòng xe này cần có bộ giảm chấn mới có thể tung ra thị trường.
Đến năm 1987, Flex-N-Gate trở thành nhà phân phối duy nhất của sản phẩm bộ giảm chấn cho xe bán tải Toyota. Tiếp bước thành công đó, công ty được "ông lớn" Toyota nhận đặt phụ tùng cho tất cả các dòng xe của họ. Cuối cùng, các công ty Mỹ cũng bị thuyết phục và lấy Flex-N-Gate làm nơi "chọn mặt gửi vàng". Công ty của Khan phất lên như diều gặp gió từ đó.
Có ân tất báo
Khi tài sản tích luỹ ngày càng lớn, Khan đầu tư cho ngôi trường đã nhận mình vào học từ năm 1966, cũng là nơi khởi nguồn cho cuộc hành trình phi thường của ông. Tỷ phú gốc Pakistan đã chi hàng chục triệu USD cho các tòa nhà dạy học.
Để tri ân YMCA và nhớ về những ngày đầu khốn khó khi mới đặt chân đến Champaign, Khan và vợ đã trao hơn 1 triệu USD cho tổ chức này. Ông cũng mua lại câu lạc bộ Urbana Golf và Country Club dù bản thân không mấy khi chơi golf, chỉ để giúp họ tồn tại trong thời kỳ khó khăn về tài chính.
Khi Khan nói về mong muốn sở hữu một đội thể thao chuyên nghiệp, cựu Giám đốc đội bóng Illinois, Ron Guenther đã đề xuất: "Ông có thể mua chúng tôi! Ông có thể sở hữu cả sân bóng, chúng tôi sẽ ghi tên ông lên đó và làm bất cứ điều gì ông yêu cầu".
Có lần trước khi tham dự một giải đấu, gia đình Khan đã ăn tối nhân dịp Lễ Tạ ơn cùng đội bóng rổ Illinois. Câu lạc bộ của quận cách Flex-N-Gate không xa, thỉnh thoảng Khan cũng hay ăn trưa ở đó, những người xung quanh đều quen mặt và họ cảm thấy ông rất gần gũi.
Sở hữu một đội bóng
Ngay khi Georgia Frontiere, chủ sở hữu đội bóng bầu dục St. Louis Rams qua đời vào năm 2010, con trai của Frontiere, Chip Rosenbloom lập tức nhận được vô số cuộc gọi thương lượng việc sang tay. Duy chỉ có Khan là kiên nhẫn đợi 2 tháng mới liên hệ để tránh gia đình Frontiere phải bối rối vì phải giải quyết công việc trong lúc chưa nguôi nỗi đau mất người thân.
Dù thương vụ không thành công do người đồng sở hữu của đội bóng đã quyết định mua trọn, nhưng thái độ lịch thiệp và ý nhị của Khan đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng gia đình Frontiere. Rosenbloom cho biết: "Ông ấy tôn trọng chúng tôi. Tôi rất ấn tượng với điều đó".
Năm 2011, Khan thành công sở hữu đội bóng một trong những đội bóng bầu dục ưu tú nhất thế giới, Jacksonville Jaguars với giá 760 triệu USD. Ngoài ra, ông còn từng tiếp quản chức quản lý câu lạc bộ bóng đá Fullham của Anh từ ông trùm kinh doanh Ai Cập Mohamed Al Fayed vào tháng 7/2013 với giá khoảng 400 triệu USD.
Được biết, Khan là chủ sở hữu không phải người da trắng đầu tiên trong lịch sử Giải bóng bầu dục Mỹ. Năm 2020, ông được Forbes vinh danh ở vị trí thứ 66 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ, và hiện tại đứng vị trí thứ 308. Bên cạnh đó, ông cũng là người gốc Pakistan duy nhất góp mặt trong danh sách này. Qua câu chuyện của Shahid Khan, có thể thấy nếu muốn làm "người khổng lồ", hãy "khổng lồ" từ trong suy nghĩ và ước mơ.
Tham khảo Jacksonville